Khóa học dành cho cha mẹ (P.22): Giúp trẻ thoát khỏi oán giận cha mẹ
Tại sao cô gái ưu tú được đề cập trong phần trước lại khóc lớn khi nhìn thấy tấm ảnh thời thơ ấu của mình? Cô Trần đã giúp cô ấy tìm ra nguyên nhân sâu xa của các vấn đề tâm lý như thế nào? Giá trị của tấm ảnh ở đâu?
Trẻ có quá nhiều vấn đề thì không phải là một chuyện xấu, đó có thể là một nhu cầu đối thoại về tinh thần.
Cô gái này đã khóc lớn khi nhìn thấy tấm ảnh từ năm lớp 3 tiểu học của mình. Có thể từ trước đến nay chưa có ai hỏi cô ấy những chuyện liên quan đến tấm ảnh này. Cô ấy hằng ngày đi làm rồi tan làm, cuộc sống cứ như vậy từng ngày trôi qua một cách ổn định, cô còn có một người bạn trai đối xử rất tốt với cô.
Vậy tại sao cô gái ấy phải du học? Chúng tôi đã phân tích, chính cô ấy cũng thừa nhận rằng bản thân muốn trốn tránh. Bạn trai của cô ấy còn có nhà, nhưng cô ấy vẫn muốn chạy trốn, tại sao vậy?
Hành vi thiếu hiểu biết
Cô ấy muốn trốn tránh sự tổn thương mà mẹ cô ấy đã gây ra cho cô. Đó là cảm giác không được gần gũi, cảm giác người sinh ra mình nhưng lại không hiểu mình mà còn đánh đập mình dữ dội như vậy. Lúc đó, cô ấy đã khóc lớn, cô thực sự như quay trở lại tình cảnh bị mẹ đánh đập khi còn nhỏ.
Để cô ấy có thể tha thứ cho chuyện này, đầu tiên tôi để cô ấy thể nghiệm được như thế nào gọi là “hành vi thiếu hiểu biết”. Đôi khi chúng ta cho rằng việc sự việc đó đơn giản như vậy, nhưng đối với người khác thì có thể lại là hoàn toàn không biết làm. Vì vậy, tôi để cô ấy trải nghiệm một chút thế nào gọi là “sự thiếu hiểu biết”.
Tôi hỏi cô ấy, bạn có điều gì mà mãi vẫn không hiểu được và không biết làm, mỗi người đều có những điều kiểu như vậy. Tôi lúc nào cũng không hiểu về một số loại máy móc, cho dù đã xem sách hướng dẫn sử dụng cũng không biết cách để vận hành nó như thế nào. Cô ấy cũng thực sự không hiểu về những thứ máy móc.
Cô ấy đang làm cho một công ty rất lớn và luôn có những công việc bảo trì máy móc. Tôi nói với cô ấy rằng ngày mai đi làm, với điều kiện là không ảnh hưởng đến công việc, hãy sử dụng một khoảng thời gian tìm hiểu một chút về hệ thống máy móc vô cùng phức tạp.
Cô ấy đã làm theo những gì tôi nói và đi tìm hiểu hệ thống máy móc. Sau đó, cô ấy nói với tôi, “Cô à! Thực sự là khó chịu quá!” Tôi còn cho cô ấy một thời hạn và yêu cầu cô ấy giải quyết một vấn đề máy móc quan trọng trong vòng 3 phút. Cô ấy rất lo lắng và nói rằng nếu có một cây gậy thì cô sẽ cầm lên đập cái máy này.
Kiểu suy nghĩ này giống hệt mẹ của cô. Khi mẹ cô ấy nghe người khác nói rằng đứa con của mình đã làm điều gì đó, có lẽ mẹ cô cũng chỉ có 3 phút để phản ứng. Lúc đó, người mẹ thiếu hiểu biết ấy đã lo lắng và dùng biện pháp thuận tiện nhất là cầm gậy lên và đánh cô ấy.
Cô ấy cuối cùng đã trải nghiệm được cảm nhận của mẹ cô năm đó, bởi vậy cô ấy nhanh chóng có thể dành cho mẹ một vị trí trong lòng của mình, cô ấy không còn oán hận mẹ của mình nhiều như vậy nữa. Cô ấy thực sự cảm nhận được khi con người thiếu hiểu biết thì thực sự sẽ phát tiết, bản năng nguyên thủy nhất sẽ bộc phát ra.
Kế hoạch “khôi phục Trung Nguyên”
Sau đó, khi cô ấy nhìn lại tấm ảnh thì không còn khóc lóc thống khổ như vậy nữa, cô ấy bắt đầu có thể thấu hiểu được nỗi khổ của mẹ mình khi đó. Cô ấy nói, kỳ thực mẹ cô cũng rất khó chịu, nhưng lúc đó cô không thể tiếp nhận được lời xin lỗi của mẹ mình mà còn hình thành quan niệm đối với mẹ, sau này cô vẫn luôn dùng quan niệm này để lý giải hành vi của người mẹ.
Mẹ cô cũng cảm thấy rất vất vả, cho dù có làm thế nào đi nữa cũng không thể khiến con của mình vui lòng. Có thể nói, sự việc này đã ngay lập tức biến mối quan hệ của hai mẹ con rơi vào trạng thái đóng băng.
Chúng tôi đã đặt ra một kế hoạch “Khôi phục Trung Nguyên”, hãy thay đổi từ những hành động nhỏ nhất trong mối quan hệ tương tác giữa hai mẹ con, đừng đòi hỏi quá nhiều trong một lúc.
Lấy ví dụ, mẹ của cô thường cần thứ gì nhất trong cuộc sống hàng ngày? Ví dụ, nếu mẹ thích uống trà. Cô không nhất định phải giúp mẹ rót trà, nhưng bây giờ cô đã trưởng thành và đã có đủ tài chính, cô có thể mua loại trà mà mẹ cô thích. Hơn nữa, đơn vị công tác của cô ở trên núi và ở đó có thể mua được loại trà ngon.
Từ những điều nhỏ như vậy, hãy bắt đầu hành động từng chút một. Ví dụ, chào mẹ mình vào buổi sáng và có thể chia sẻ với mẹ những điều tốt đẹp trong công việc của mình, dần dần tích lũy, dần dần hồi phục quan hệ giữa cô và mẹ. Hai mẹ con đã bắt đầu có cuộc sống hoàn toàn mới. Cô ấy cuối cùng đã từ bỏ suy nghĩ đi du học, “lưu lạc chân trời” để tìm lại niềm hạnh phúc đã từng mất đi.
Câu chuyện của họa sĩ: Giá trị của bức tranh nằm ở nội hàm của nó
Tôi nhớ rằng, vào lúc nhỏ có một câu chuyện về họa sĩ trong sách giáo khoa. Người họa sĩ đó để vợ của mình làm người mẫu để sáng tác, nhưng anh ấy luôn cảm thấy người vợ không có thân hình của một người mẫu, cũng không có gương mặt của một thiên thần. Anh cứ vẽ như vậy, dần dần thì không thể tiếp tục vẽ được nữa. Anh nói với vợ rằng, muốn đi tìm kiếm người mẫu trong tâm trí của mình. Người vợ không có cách gì nên đã để anh ấy đi tìm.
Người họa sĩ này đã chịu khổ rất nhiều, cũng giống như đi “vân du” ngày xưa vậy, đã đi rất nhiều nơi, nhưng vẫn không tìm được. Cuối cùng, anh ấy quay về nhà của mình, khi nhìn thấy người vợ liền nói mình đã tìm được đáp án rồi.
Hóa ra khi bắt đầu vẽ tranh, anh vẽ dung mạo của người đó, nhưng anh không để ý đến khí chất mà vợ mình thể hiện, sự bao dung và ấm áp đó chính là giá trị của bức tranh. Anh đã tốn vài năm, và sau bao nhiêu đau khổ, cuối cùng anh cũng hiểu được đạo lý này.
Anh phát hiện thì ra rất nhiều người mẫu làm việc vì tiền, anh không cảm nhận được sự ấm áp của tâm hồn. Cuối cùng, khi anh trở về nhà thì người vợ vẫn như xưa chăm sóc anh mà không hề oán hận, anh cảm thấy quá xấu hổ về bản thân.
Vì vậy, những chất dinh dưỡng “nhân văn” mà một người được giáo dục và nuôi dưỡng từ thời ấu thơ sẽ ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành trong cuộc đời của họ, bao gồm cả công việc cũng đều có thọ ích rất lớn.
Trẻ thích hỏi Tại sao không phải là một điều xấu
Khi một lần nữa thiết lập quan hệ tin cậy giữa con cái và cha mẹ chúng ta cần sự trợ giúp của album ảnh. Khi bàn luận về những tấm ảnh bạn có thể vận dụng 8 từ khóa W. Chúng ta đã nói qua 4 từ khóa W ở kỳ trước. Từ khóa thứ 5 chính là “Why” – tại sao.
Trẻ nhỏ từ lúc 2-3 tuổi đã bắt đầu có vô số vấn đề muốn hỏi người lớn. Một số phụ huynh cảm thấy phiền phức khi bị con hỏi, thậm chí còn hỏi bác sĩ xem trẻ có bị bệnh gì không, tại sao lại có nhiều vấn đề như vậy. Tôi cho mọi người biết, tôi chính là kiểu đứa trẻ từ nhỏ đã thích hỏi tại sao như thế, bạn thấy tôi có bị làm sao không!
Nếu trẻ thích hỏi tại sao, cha mẹ đầu tiên nên tiếp nhận chúng, trong tâm đừng cảm thấy không thể kiên nhẫn được. Nhưng cũng đừng quá vui mừng hay phô trương, có lúc phụ huynh sẽ đi khoe khoang khắp nơi về điều này, nói rằng con nhà chúng tôi vô cùng thông minh, tài giỏi.vv..
Đây là một giai đoạn phát triển rất bình thường trong quá trình trưởng thành của trẻ. Cha mẹ chỉ cần để trẻ cảm thấy bình thường, những người xung quanh cũng phản ứng bình thường thì con đường của trẻ sẽ ổn định hơn.
Những trẻ thích hỏi tại sao nói chung là những đứa trẻ hay suy nghĩ và là những đứa trẻ muốn học hỏi. Thích hỏi tại sao để có thể làm mọi việc thành công lại là một thói quen tốt, chúng ta có thể khuyến khích trẻ “con khá lắm!”
Khi cha mẹ không trả lời được câu hỏi của trẻ, có hai phương thức để phản hồi. Một là cha mẹ không biết và trẻ cùng nhau tìm ra câu trả lời. Hai là hỏi trẻ “con nói cho mẹ con thực sự muốn biết điều gì?”. Đôi khi, đứa trẻ hỏi tại sao nó không nhất thiết chỉ giới hạn trong bản thân vấn đề, mà có thể nó mong muốn có một cuộc đối thoại tinh thần với bố mẹ.
(Còn tiếp)
Tiến sĩ Trần Ngạn Linh có hơn 30 năm kinh nghiệm giúp đỡ các bậc cha mẹ và giáo viên ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Indonesia, Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu, và New Zealand. Cô đã giải quyết vô số vấn đề khó khăn. Nhiều phụ huynh và giáo viên xem cô Trần là nhà cố vấn trọn đời. Khả năng tư vấn của cô không chỉ giới hạn lĩnh vực nuôi dạy con trẻ và giáo dục, mà còn bao gồm nghiên cứu phát triển và thiết lập văn hóa doanh nghiệp cho các công ty tư nhân. Kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau giúp cho cô Trần có cái nhìn toàn diện và tổng quát hơn trong việc hướng dẫn các bậc cha mẹ và các giáo viên khác bồi dưỡng nên những nhân tài khỏe mạnh.
Tiến sĩ Trần có bằng tiến sĩ Tâm lý học chỉnh thể và Năng lượng y học của Đại học Y khoa Thân Tâm Hoa Kỳ (nay là Viện nghiên cứu Thân và Tâm), Thạc sĩ Học viện Đại học Y Đài Loan, Thạc sĩ Phát triển nhi đồng Đại học California (US), Thạc sĩ về Giáo dục năng khiếu của Đại học California và chứng chỉ lập trình máy điện toán. Video bài diễn văn trên truyền hình của cô được Thư viện Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc lưu giữ, và được China Airlines International phát sóng.
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 22
Tào Cảnh Triết biên tập
Tử Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: