Khóa học dành cho cha mẹ (P.20): Buổi phỏng vấn một học sinh violin [3]
Bạn biết giá trị của “trung thực” là gì không? Tại sao càng trung thực thì lại càng thành công?
Mọi người phải học cách giải quyết vấn đề, trước khi giải quyết vấn đề có một nhân tố vô cùng quan trọng, chính là “sự trung thực”. Nếu người này không trung thực thì sẽ không có cách gì đối mặt với những rắc rối của riêng mình, tất nhiên sẽ tìm các loại lý do và mượn cớ để che đậy nó.
Nếu công trình không trung thực thì bảo đảm sẽ bị ăn bớt vật tư; nếu báo cáo thuế không trung thực thì sau đó có bao nhiêu người vì một chút không thành thật đó mà phải hao tổn bao nhiêu tài nguyên của chính phủ, những tài nguyên của chính phủ đều là tiền thuế của mọi người nộp vào. Những điều này đều rất lãng phí và tiêu cực, đều là những điều không nên có. Chỉ cần bạn trung thực thì vấn đề sẽ nhỏ đi, hơn nữa cơ hội sẽ lớn hơn.
Khi một người phát hiện một vấn đề, kỳ thực người đó cũng phát hiện ra một cơ hội. Cho nên, tôi nói cho dù thấy đứa trẻ có bao nhiêu vấn đề thì tôi thấy thực tế là đứa trẻ này có bấy nhiêu cơ hội, đây là khác biệt cơ bản nhất.
Trong thời gian ngắn ngủi khiến đứa trẻ chân thành mà đối đãi
Khi đứa trẻ nói với tôi, lý do cậu ấy thực sự muốn đến đây là bởi vì cậu ấy cảm thấy hoàn toàn khác khi bước chân vào khuôn viên trường đó. Tôi nói, vậy được, tôi cho cậu thời gian 2 tháng trước khi nhập học. Thứ nhất là giải quyết vấn đề với các bạn học hiện nay. Thứ hai là giải quyết vấn đề với em trai của mình.
Mặc dù đứa trẻ đã trả lời câu hỏi của tôi nhưng tôi cho rằng đây là đáp án đã chuẩn bị sẵn chứ không phải suy nghĩ thật lòng trong nội tâm của cậu. Tôi cảm thấy cậu ấy đang trốn tránh và kỳ vọng quá mức vào môi trường mới. Khi một người có kỳ vọng quá lớn vào một điều gì đó thì thông thường chắc chắn sẽ thất vọng và sẽ ngã rất đau. Khi đó, bạn bảo cậu ấy đi đâu đây? Vì vậy, không nên để cậu ấy tránh né thất bại và mâu thuẫn.
Tôi liền hỏi đứa trẻ đó có thể dùng thời gian 2 tháng để giải quyết 2 vấn đề này được không? Cậu ấy nghĩ đi nghĩ lại, bởi vì cậu ấy rất muốn vào ngôi trường này nên cậu ấy nói “Được! con sẽ thử xem.”
Tôi lại hỏi cậu ấy rằng con muốn thử như thế nào? Phương pháp là gì vậy? Cậu ấy nói,“Con nhẫn, con sẽ nhẫn chịu.” Tôi lại hỏi khi không thể nhẫn được nữa thì phải làm sao? Cậu ấy nghĩ một chút rồi nói “Con có thể tìm mẹ.”
Nói ra những điều không thể nhẫn chịu được là một biện pháp rất tốt. Điều này cũng cho tôi biết mối quan hệ giữa cậu ấy và người lớn trong gia đình hẳn là còn khá tốt, chỉ là cậu ấy thiếu phương pháp. Cậu ấy không chú ý rằng đây là việc quan trọng, hơn nữa việc này có thể giải quyết nên cậu ấy đã chọn biện pháp trốn tránh nó.
Xã hội này sẽ không phải là “thập toàn thập mỹ,” sẽ có đủ các vấn đề ở khắp mọi nơi. Chỉ cần có người thì sẽ có mâu thuẫn. Sự khác biệt là môi trường khác nhau thì có những người khác nhau và đòi hỏi các biện pháp khác nhau để giải quyết vấn đề.
Tôi quay qua nói với cậu ấy, “Được đấy, đây là cách giải quyết vấn đề rất tốt.”
Tôi tiếp tục hỏi cậu ấy, “có phải con thấy môi trường của trường này vô cùng thuần tịnh đúng không?” Cậu ấy đáp lại rằng “Đúng.”
Tôi hỏi tiếp cậu ấy, tại sao vậy? Cậu ấy trả lời “nơi con sống cực kỳ ồn ào. Thật dễ chịu khi ở đây, không có những âm thanh đó làm phiền”. Tôi liền nói, thật vậy sao? Con còn chưa nghe ở đây ồn ào đến mức nào mà! Cậu ấy liền ngây người ra.
Khiến đứa trẻ thành thật trả lời câu hỏi
Tôi hỏi cậu ấy, cậu đã đi khắp khuôn viên trường chưa? Lúc vừa đến là cậu ấy được đưa đến phòng phỏng vấn rồi, cậu ấy vốn dĩ không có thời gian đi quan sát khuôn viên của trường này. Cho nên, tôi cho cậu ấy một khoảng thời gian để đi dạo quanh khuôn viên trường. Đồng thời, để cậu ấy dạo chơi xong, rồi đến trả lời với tôi một lần nữa.
Khuôn viên của trường ấy vô cùng lớn, có người lo rằng cậu có thể sẽ đi lạc, nên cử một người đi theo cậu ấy không. Tôi nói, không cần, bạn hãy nhìn xem tôi làm sao nhé.
Tôi đưa cậu ấy đến cổng và nói với cậu, khuôn viên trường này rất lớn, hơn nữa chơi vô cũng rất vui, cậu có thể phát hiện những điều kinh ngạc không ngờ ở mọi lúc, mọi nơi. Nhưng công việc của tôi là phải đảm bảo an toàn cho cậu, cho nên tôi cho cậu một chiếc chìa khóa, chính là cho dù cậu đi bao xa thì đều phải quay đầu nhìn thấy tôi, tôi sẽ luôn đứng ở cổng không đi đâu cả. Cậu muốn đi dạo bao lâu, bao xa tôi cũng đều phối hợp với cậu, đều sẽ không đi đâu. Nơi nào mà cậu nhìn thấy tôi thì có thể đi, không nhìn thấy tôi thì cậu không được đi.
Cậu ấy nói vô cùng nghiêm túc rằng “Con hiểu rồi.” Sau khi cúi chào tôi, cậu ấy đi dạo quanh khuôn viên trường.Vị giáo viên lo lắng cậu ấy sẽ bị lạc đang đứng cạnh tôi, cùng tôi quan sát đứa trẻ và phát hiện đứa trẻ ấy quan sát khuôn viên trường vô cùng chăm chú. Sau khi quay lại, bạn sẽ thấy rằng cậu ấy đã chuẩn bị tốt rồi.
Sau khi trở lại, cậu ấy nói rằng nơi này thật sự rất sạch sẽ. Khi quay lại phòng phỏng vấn, cậu ấy không quên phép tắc là chủ động mở cửa trước, để tôi vào ngồi trước, sau đó cậu ấy mới ngồi xuống.
Tôi nói với cậu ấy, nếu một ngày nào đó con có thể đến ngôi trường này và sống trong ký túc xá thì giữa mọi người với nhau vẫn sẽ phát sinh những mâu thuẫn. Khi con dùng tâm thái chạy trốn để thoát khỏi nơi ban đầu mà chạy đến đây thì con vẫn có thể gặp những vấn đề tương tự như vậy.
Bây giờ, thông qua quan sát một cách cẩn thận và tự mình thu xếp, con có thể thấy rằng những gì chúng tôi cung cấp là trí huệ và văn hóa truyền trống, còn có những quy tắc, con có sẵn sàng tiếp nhận không? Cậu ấy không trả lời gì nữa, chỉ gật đầu đồng ý. Đây là lúc cậu ấy đã thành tâm rồi.
Lúc này, tôi còn đặt ra một câu hỏi, “Tại sao con muốn học đàn?” Tôi đã hỏi cậu ấy câu hỏi này trước đây rồi, nhưng tôi cảm thấy câu trả lời của cậu ấy dường như là đáp án đã chuẩn bị sẵn. Vì vậy, vào lúc này tôi lại hỏi cậu ấy một lần nữa.
Lúc này cậu ấy trả lời, “Con vì hai chữ cứu người.” Khi cậu ấy nói điều này thì cậu ấy đã rơi lệ. Một nam sinh mười mấy tuổi đã thực sự khóc trước mặt tôi. Cậu ấy thực sự hiểu rằng âm nhạc có một sức mạnh chạm đến tâm hồn của con người, cũng có thể mang đến cho một tâm hồn cằn cỗi sức mạnh cứu rỗi.
Tôi nói, cảm ơn con, buổi phỏng vấn hôm nay kết thúc.
Sau khi trải qua buổi phỏng vấn này, tôi cảm thấy quá tuyệt vời. Bất kể nhà trường có quyết định tiếp nhận đứa trẻ này hay không thì tôi đều cảm thấy vui mừng thay cho cậu ấy.
Cha mẹ phải làm như thế nào để thay đổi bản thân?
Kỳ thực về phía cha mẹ cũng cần thay đổi tâm thái của mình, vậy cha mẹ phải thay đổi bản thân như thế nào?
Điều thứ nhất chính là có thể sử dụng hiệu quả điện thoại của bạn. Điện thoại của chúng ta có chức năng ghi âm. Trong cả một ngày, miễn là cha mẹ đang giải quyết những vấn đề liên quan đến trẻ, trước tiên hãy sử dụng chức năng ghi âm của điện thoại để ghi lại giọng nói của chính mình khi bạn có thời gian. Sau đó, đợi khi mọi người đã ngủ rồi thì mở ra nghe, bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên.
Kỳ thực, cha mẹ đều đang nói đến 2 điều: Thứ nhất là con họ không tốt đến mức nào, thứ hai là con của họ tuyệt vời như thế nào. Về hai thái cực này, tôi đã nghe quá nhiều những ví dụ như vậy.
Khi cha mẹ muốn nhà trường tiếp nhận con cái của mình, nếu không nói rõ các em học giỏi như thế nào thì làm sao có thể thực hiện được? Nhưng người khác một khi nghe được thì sẽ cảm thấy ẩn ý bên trong.
Ngoài ra, về những khuyết điểm của trẻ, tôi cảm thấy đó là một đòn mạnh giáng vào sự tự tin của trẻ. Đó không phải là một điều cụ thể, ví dụ như, cậu ấy là người đặc biệt hướng nội, đặc biệt như thế nào đó.v.v.. Trước mặt mọi người, cha mẹ hà tất phải nói con của mình như vậy? Đứa trẻ ở bên cạnh có thể sẽ nghe thấy, giáo viên ở bên cạnh cũng đều có thể nghe thấy.
Họ có thể không có cơ hội để thực sự hiểu con bạn, khi con bạn đến ngôi trường này, những giáo viên và học sinh ở đây đều đã có định kiến trước về con bạn rồi, bạn không phải là tự mình tìm phiền toái sao?
Khi bạn nghe ghi âm của chính mình, hãy đồng thời xem lại những bức ảnh về quá trình trưởng thành của trẻ. Ví dụ như, bây giờ đứa trẻ đã 11 tuổi rồi, bạn có thể lấy những bức ảnh trẻ tham gia các hoạt động lúc nó khoảng 10. Mượn những bức ảnh này để đứa trẻ hồi tưởng lại tình huống đó và để trẻ nói ra những điều bạn vốn dĩ chưa được nghe.
(Còn tiếp)
Tiến sĩ Trần Ngạn Linh có hơn 30 năm kinh nghiệm giúp đỡ các bậc cha mẹ và giáo viên ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Indonesia, Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu, và New Zealand. Cô đã giải quyết vô số vấn đề khó khăn. Nhiều phụ huynh và giáo viên xem cô Trần là nhà cố vấn trọn đời. Khả năng tư vấn của cô không chỉ giới hạn lĩnh vực nuôi dạy con trẻ và giáo dục, mà còn bao gồm nghiên cứu phát triển và thiết lập văn hóa doanh nghiệp cho các công ty tư nhân. Kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau giúp cho cô Trần có cái nhìn toàn diện và tổng quát hơn trong việc hướng dẫn các bậc cha mẹ và các giáo viên khác bồi dưỡng nên những nhân tài khỏe mạnh.
Tiến sĩ Trần có bằng tiến sĩ Tâm lý học chỉnh thể và Năng lượng y học của Đại học Y khoa Thân Tâm Hoa Kỳ (nay là Viện nghiên cứu Thân và Tâm), Thạc sĩ Học viện Đại học Y Đài Loan, Thạc sĩ Phát triển nhi đồng Đại học California (US), Thạc sĩ về Giáo dục năng khiếu của Đại học California và chứng chỉ lập trình máy điện toán. Video bài diễn văn trên truyền hình của cô được Thư viện Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc lưu giữ, và được China Airlines International phát sóng.
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 20
Tào Cảnh Triết biên tập
Tử Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: