Khóa học dành cho cha mẹ (P.19): Buổi phỏng vấn một học sinh violin [2]
Nguồn gốc của từ “Lãnh đạo”
Giáo dục là dạy cách làm người, đặc biệt là khi đứa trẻ còn nhỏ. Nếu anh ta đã là sinh viên đại học rồi thì có thể không còn cơ hội nữa. Vì vậy, chúng tôi luôn nói với các bậc cha mẹ rằng đứa trẻ càng nhỏ thì cha mẹ càng phải chú ý, càng phải quan tâm hơn. Bạn biết từ “lãnh tụ” có nguồn gốc như thế nào không? Tại sao sau khi hiểu được ý nghĩa của từ “lãnh tụ” thì một học sinh violin thì trở nên tự tin hơn. Cô Trần làm thế nào để huấn luyện em học sinh này trở nên “Tôn sư trọng đạo”?
Tôi nói với đứa trẻ rằng mọi đứa trẻ được học ở trường này đều là những người đi đầu trong các lĩnh vực. Đây là mục tiêu của trường. Sau đó, tôi hỏi cậu rằng tại sao trong văn hóa truyền thống Trung Quốc xem “Leader” là “lãnh tụ” (từ lãnh còn có nghĩa là cổ áo, từ tụ còn có nghĩa là tay áo)? Tại sao không dùng từ khác?
Điều dễ làm hư hỏng con người nhất
Lãnh tụ chính là người quyền cao chức trọng, có cơ hội sắp xếp rất nhiều nguồn lực con người, cũng chính là một người có quyền lực. Tất nhiên, cậu ấy không hiểu tại sao.
Tôi liền hỏi cậu ấy hai vị trí nào của quần áo dễ bẩn nhất. Cậu ấy trả lời rằng cổ áo và tay áo. Tôi nói đúng rồi, lần tới khi bạn mặc quần áo, hãy quan tâm đến cổ áo và tay áo trước thì về cơ bản quần áo đó khá ổn rồi.
Tôi còn giải thích cho cậu ấy hiểu, vì đây là hai vị trí mà quần áo dễ bị bẩn nhất. Có nghĩa là khi bạn có quyền lực nhất thì bạn sẽ trở thành lãnh tụ. Lúc đó, khi dẫn dắt mọi người tiến về phía trước, bạn phải biết đâu là mục tiêu. Khi quyền lực nằm trong tay bạn thì chính là lúc bạn dễ bị “vấy bẩn” nhất.
Bởi vì, bạn có cơ hội lớn nhất nắm giữ được nhiều tiền nhất. Bạn sẽ có cơ hội lớn nhất để chỉ huy người khác. Thậm chí, bạn còn có thể định đoạt tương lai của người khác. Vì vậy, bạn sẽ đối mặt với các loại điều kiện lợi ích khác nhau. Nếu có người thực sự muốn làm điều gì đó xấu với bạn thì trước tiên anh ta nhất định phải gây ô nhiễm cho bạn. Do đó, người đứng đầu không có nghĩa là người có quyền lực và trách nhiệm cao nhất, mà là người dễ bị ô nhiễm nhất khi ở vị trí này.
Đứa trẻ đó chưa bao giờ nghe lời giải thích như vậy. Nhưng khi nghe tôi giải thích, trong mắt cậu ấy có thể thấy được có chút ngạc nhiên và đồng thời có chút phấn khích. Cậu ấy là anh cả ở nhà, là người luôn ở phía trước và dìu dắt những đứa em của mình. Nhưng sự giáo dục mà cậu nhận được trước đây là điểm số, điểm số và áp lực thường xuyên, đều là không ngừng cải thiện điểm số. Chỉ có điểm số mà không ai tâm sự tới cậu bé cả.
Cải biến một người ngay lập tức
Khi tôi nói với cậu ấy những điều này, cậu ấy rất sẵn lòng tiếp nhận. Dù sao cậu ấy cũng là một đứa trẻ rất thông minh. Sau đó, tôi nói với cậu, hãy cầm áo khoác lên và cho tôi thấy một nhà lãnh tụ thực sự trông như thế nào.
Tôi nhờ người trợ giảng đưa cậu vào trong một phòng có gương và đóng cửa lại để cậu ấy trong đó tùy cậu làm gì cũng được. Sau đó đưa cậu ấy ra ngoài.
Cậu bé ở trong phòng rất lâu. Sau khi đợi 5 phút, cậu ấy bước ra ngoài thì toàn toàn giống như một người khác. Áo khoác chỉnh tề, mỗi đường đều ngay ngắn, nếp nào ra nếp đó. Con người này đã lập tức trở nên ngay chính.
Cậu ấy cứ như vậy mà đi ra, vô cùng anh tuấn. Lúc ấy, tôi vô cùng cảm động và muốn nói “Ôi, đẹp trai quá!”
Kỳ thực, tôi chưa hề nói cậu ấy phải làm thế nào, nhưng cậu ấy đã biết cách làm rồi.
Đây là sự thay đổi bắt đầu từ nội tâm của cậu. Khi cậu ấy bước ra, có rất nhiều sinh viên khoa âm nhạc ở bên ngoài, vô cùng ồn ào. Nhưng dường như cậu ấy không bị những con người và âm thanh ấy quấy nhiễu. Cậu ấy đi từng bước vô cùng tự tin đến phía trước tôi.
Cậu ấy nói với tôi: “That’s fine”. Tôi hỏi cậu đã chuẩn bị tốt chưa? Cậu ấy gật đầu với tôi, biểu thị là đã chuẩn bị tốt rồi. Cậu ấy nói “chúng ta đi nhé”, chính là cùng đi đến phòng phỏng vấn. Nhưng tôi vẫn chưa đồng ý: “vẫn chưa được, cậu hãy trở về đi”.
Cậu ấy quay lại chỗ ban đầu, tôi nói: “chúng ta đi nào”, cậu ấy lại bước thẳng tới, nhưng tôi nói hình như vẫn chưa được.
Chuyện này lặp đi lặp lại hai ba lần, nhưng cậu ấy không hề tức giận và không có chút nào không hài lòng. Điều này rất quan trọng. Vì nếu cậu ấy có tâm lý phản nghịch và chán ghét thì giáo viên trong tương lai của cậu ấy sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Kỹ thuật âm nhạc đạt đến một cấp độ nhất định, khi muốn đề cao lên thì vô cùng cùng khó, cần phải không ngừng tập đi tập lại. Hơn nữa, giáo viên thường không có thời gian để giải thích cho bạn lý do mà sẽ trực tiếp chỉ cho bạn làm theo hướng dẫn của mình.
Như vậy cần lặp lại bao nhiêu lần? Nếu ở thời điểm này, cậu ấy không nghe lời thì tôi rất có lỗi với giáo viên dạy nhạc của cậu ấy.
Tây phương cũng dạy về “tôn sư trọng đạo”
Bởi vì trường nhạc đó nhấn mạnh cách ứng xử và trí huệ trong văn hóa truyền thống. Tôi nói với em nam sinh ấy rằng trong văn hóa truyền thống coi trọng “tôn sư trọng đạo”, ngay cả ở Tây phương cũng là như vậy.
Tôi nói rằng bởi vì bản thân đã từng đọc sách và giảng dạy ở Mỹ, xã hội phương Tây thực sự khác với ấn tượng của những người Trung Quốc thông thường. Xã hội chủ lưu ở Mỹ vô cùng chú trọng luân lý và quy phạm lễ nghi, học sinh không được gọi thẳng tên của giáo viên.
Tôi kể rằng khi giảng dạy ở Mỹ, tôi đã bị trường học góp ý vì để học sinh gọi trực tiếp tên của mình. Ngôi trường cô đã từng dạy là ngôi trường đào tạo ra những học sinh có năng khiếu. Ở đây có rất nhiều học sinh của xã hội thượng lưu vô cùng giàu có, thậm chí là có sinh viên đã lớn tuổi.
Một số giáo viên lâu năm đã từng nói riêng với tôi rằng họ vô cùng phiền não với một số hành xử của phụ huynh người Hoa, chính là họ quá độc đoán. Họ đã coi mục tiêu cuộc đời của bản thân trở thành mục tiêu của con cái họ. Các bậc cha mẹ người Hoa không hề tôn trọng sự phát triển thực sự và thiết yếu của con cái mình, cũng như không chú trọng quá nhiều đến sự phát triển của trẻ qua từng giai đoạn kể từ khi trẻ còn nhỏ.
Cậu bé đó cũng được nuôi dưỡng theo cách này, nhưng vẫn may là trải qua sự hướng dẫn thích hợp thì cậu ấy sẵn lòng thay đổi. Tôi nói cậu ấy phải tôn sư trọng đạo, khi ra ngoài gặp giáo viên thì phải đứng thẳng và cúi chào giáo viên, lúc đi thì phải để giáo viên đi trước. Sau quá trình huấn luyện, cậu ấy đều làm tốt được, hơn nữa thể hiện sự cảm kích từ trong nội tâm đối với giáo viên.
Lúc tôi đưa cậu xuống lầu đã nói cậu ấy khi đi cầu thang không được nhảy. Khi xuống lầu mà gặp người đi phía trước thì cần đi phía sau bên trái người đó và không được vượt qua người đó. Cho dù sốt sắng đến đâu cũng không được vội vàng vượt qua người đó, duy trì một trạng thái an toàn và ổn định là điều vô cùng quan trọng.
Tôi còn nhấn mạnh rằng khi đến cửa thì cần giúp giáo viên mở cửa. Tôi cũng chỉ cho cậu ấy cách để mở cửa an toàn hơn. Cậu ấy đã làm theo, hơn nữa còn làm vô cùng tốt.
Tôi hỏi cậu ấy tại sao muốn đến ngôi trường này? Cậu ấy trả lời rằng giá trị quan của cậu ấy quá khác biệt với những học sinh khác ở trường học hiện tại và cậu không thích nói lời thô tục. Ở nhà còn có một đứa em trai luôn gây gổ với mình. Cậu cảm thấy môi trường ở trường này vô cùng tốt, vô cùng thuần tịnh .v.v.
Tôi cảm thấy những lời này rất giống với những gì người lớn nói, cảm giác đứa trẻ này đã bị cha mẹ nhồi nhét quá nhiều rồi. Có thể thấy điều đó biểu hiện ra rất vi tế từ nét mặt và ánh mắt của cậu.
Thế là tôi nói với cậu ấy rằng có thể tiếp nhận cậu, nhưng cậu cần làm một bài tập về nhà. Vậy đây là dạng bài tập gì? Bài tập về nhà này ảnh hưởng như thế nào đến cậu bé? Mời các bạn đón xem câu trả lời ở kỳ sau.
(Còn tiếp)
Tiến sĩ Trần Ngạn Linh có hơn 30 năm kinh nghiệm giúp đỡ các bậc cha mẹ và giáo viên ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Indonesia, Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu, và New Zealand. Cô đã giải quyết vô số vấn đề khó khăn. Nhiều phụ huynh và giáo viên xem cô Trần là nhà cố vấn trọn đời. Khả năng tư vấn của cô không chỉ giới hạn lĩnh vực nuôi dạy con trẻ và giáo dục, mà còn bao gồm nghiên cứu phát triển và thiết lập văn hóa doanh nghiệp cho các công ty tư nhân. Kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau giúp cho cô Trần có cái nhìn toàn diện và tổng quát hơn trong việc hướng dẫn các bậc cha mẹ và các giáo viên khác bồi dưỡng nên những nhân tài khỏe mạnh.
Tiến sĩ Trần có bằng tiến sĩ Tâm lý học chỉnh thể và Năng lượng y học của Đại học Y khoa Thân Tâm Hoa Kỳ (nay là Viện nghiên cứu Thân và Tâm), Thạc sĩ Học viện Đại học Y Đài Loan, Thạc sĩ Phát triển nhi đồng Đại học California (US), Thạc sĩ về Giáo dục năng khiếu của Đại học California và chứng chỉ lập trình máy điện toán. Video bài diễn văn trên truyền hình của cô được Thư viện Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc lưu giữ, và được China Airlines International phát sóng.
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 19
Tào Cảnh Triết biên tập
Tử Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: