Khóa học dành cho cha mẹ (P.12): Làm mẹ toàn thời gian là một công việc tài hoa
Nuôi dạy con cái có phải là một việc làm rất vui vẻ không? Người mẹ toàn thời gian có phải là những người học vấn thấp tìm không ra công việc không? Câu trả lời là không! Người mẹ toàn thời gian cần phải chuẩn bị rất nhiều kỹ năng, tuyệt đối không thua gì những nghề nghiệp tinh anh khác!
Nếu người lớn không có quan niệm đúng khi nuôi dạy con thì sẽ không làm tốt được việc này. Đặc biệt là khi đứa trẻ đi học tiểu học sẽ có khác biệt rất lớn so với lúc đi học mẫu giáo. Học tiểu học bắt đầu có bài tập và áp lực về tiến độ. Khi giáo viên phải theo kịp tiến độ dạy học, phụ huynh và đứa trẻ cũng phải đuổi theo.
Đến khi đứa trẻ vào lớp ba, lớp bốn thì yêu cầu về tư duy logic ngày càng cao, khả năng sử dụng ngôn ngữ cũng phải càng ngày càng tốt. Nếu đứa trẻ có vấn đề thì sẽ biểu hiện rõ rệt hơn là không theo kịp các bạn học.
Cha mẹ tinh anh nhưng con lại học hành kém cỏi
Từng có một gia đình có cha mẹ là những người nổi tiếng trong sự nghiệp và tự khởi nghiệp. Người mẹ sau khi sinh con đã không rời bỏ công việc, mà vẫn tiếp tục cùng chồng phát triển sự nghiệp kinh doanh. Bởi vì điều kiện kinh tế tốt nên đứa trẻ không thiếu bất kỳ hoàn cảnh giáo dục nào.
Đứa trẻ được đi học ở một ngôi trường rất tốt, nhưng việc học tập lại không thuận lợi. Cha mẹ cảm thấy rất kỳ lạ, người lớn cảm thấy thành tích của bản thân rất xuất sắc, cách giải quyết công việc cũng được người khác khen ngợi, khi nói chuyện thì rành mạch và có đạo lý. Tuy nhiên, đứa con tại sao giống như chưa được “khai khiếu” (mở mang trí huệ,) thành tích học tập cứ dần dần bị bỏ lại phía sau.
Khi gặp mặt, tôi nói với người mẹ rằng tốt nhất không nên đưa cháu đến bệnh viện. Người mẹ cũng không muốn đưa đi bệnh viện, bởi vì cô ấy là người rất nổi tiếng, nên cô e ngại tin tức bị truyền ra ngoài thì không tốt.
Chúng tôi hẹn nhau gặp ở quán ăn. Cô ấy sẽ dẫn con trai đến cùng ăn một bữa cơm tối. Ngày hôm đó, gia đình họ đã đến rất sớm và ngồi chờ tôi. Đứa trẻ mặc trang phục rất lịch lãm. Tôi và chồng cùng dẫn đứa con vừa mới biết đi đến.
Lúc người cha dắt con đi tự lấy thức ăn, người mẹ đó đã nói với tôi: “Sự hi sinh của cô quá lớn rồi.” Tôi cảm thấy bản thân việc nuôi con rất vui vẻ, tôi không hiểu người mẹ đó tại sao lại nói như vậy. Thế là tôi hỏi cô ấy vì sao lại cảm thấy sự hy sinh của tôi là rất lớn.
Cô ấy trả lời rằng, ‘Những người có hoàn cảnh giống như cô không có mấy người ở nhà tự nuôi con đâu, hơn nữa trước đây thành tích học tập của cô cũng rất tốt. Rất nhiều người có thành tích không tốt bằng cô nhưng hôm nay vị trí của họ đã cao hơn cô.’
Ý của cô ấy là hiện nay tôi ở nhà chăm sóc con thật tiếc quá! Cô ấy cảm thấy tiếc giùm cho tôi, cảm thấy sự hy sinh của tôi quá lớn.
Trên thực tế, người mẹ có quan điểm như vậy không phải chỉ có cô ấy. Trường hợp giống như tôi tốt nghiệp Đại học quốc gia Đài Loan (trường đại học tốt nhất Đài Loan), có ba bằng thạc sĩ và một bằng tiến sĩ, rất nhiều người đều cảm thấy nếu ở nhà tự nuôi con và từ bỏ công việc thì thật là quá đáng tiếc!
Tôi lại cảm thấy người lớn trong gia đình này có cách nghĩ như vậy chính là căn nguyên của những vấn đề phát sinh ở đứa trẻ.
Sáu kỹ năng của người mẹ toàn thời gian
Như lần trước chúng ta đã từng nói, nếu như một người mẹ có thể tìm được việc mà cô ấy muốn làm nhất trong cuộc đời này, thêm một chút kỹ năng nữa thì sẽ dễ dàng làm tốt việc nuôi dạy con cái.
Tôi đã hỏi người mẹ đó, cô biết rằng để làm một người mẹ tốt cần phải chuẩn bị những năng lực nào không?
Đầu tiên, người mẹ cần phải làm luật sư, biết một số khái niệm luật pháp cơ bản, không chỉ là bản thân không được phạm pháp, còn phải giáo dục con không được vi phạm pháp luật.
Thứ hai, người mẹ phải là một bác sĩ nhi khoa, khi đứa trẻ xuất hiện những triệu chứng như sốt, người mẹ phải biết chuyện gì đang xảy ra, biết cách ứng phó đúng đắn, tránh những phán đoán sai lầm, đừng làm chậm trễ việc trị liệu của đứa trẻ. Như vậy thì không cần phải thường xuyên đi bệnh viện, không chỉ là hao tốn thời gian, tiền bạc mà còn làm cho đứa trẻ không được thoải mái.
Thứ ba là phải trở thành giáo viên, biết dạy dỗ con cái như thế nào.
Thứ tư là phải trở thành nhà ẩm thực.
Thứ năm là phải trở thành một chuyên gia về chất lượng cuộc sống thực sự, còn phải là một giáo viên âm nhạc cho trẻ em nữa.
Thứ sáu, làm người mẹ cần phải phản ứng rất linh hoạt, nếu không khi đứa trẻ gặp phải nguy hiểm sẽ có thể mất đi sinh mạng.
Hơn nữa người mẹ không được oán hận và tâm thái phải ổn định. Nếu một người mẹ ngày nào cũng mang tâm thái oán hận và gấp gáp thì không thể chăm sóc tốt cho con được.
Nếu như làm tốt những việc này thì người mẹ toàn thời gian đó sẽ trở thành một nhân tài tuyệt vời. Tôi nói với người mẹ đó rằng, nếu như tôi là chủ của công ty, khi phỏng vấn tuyển dụng có thể sẽ ưu tiên những người phụ nữ đã từng làm mẹ toàn thời gian.
Tôi nói rằng bản thân đang rèn luyện những kỹ năng này, sau ba năm khi tôi đã luyện thành công những năng lực đó thì công ty nào lại không cần tôi chứ?
Người mẹ đó đột nhiên ngẩn người ra và không biết nói gì nữa.
Chợt nhận ra vấn đề
Khi chúng tôi dùng bữa xong, tôi đã cho họ một số lời khuyên về nuôi dạy con. Người mẹ đó cũng lặng lẽ nói với tôi rằng cuối cùng cô ấy đã hiểu được xuất phát điểm vấn đề của con mình, nó đến từ bản thân cô ấy.
Khi người mẹ đó còn nhỏ, cô ấy đã được cha mẹ giáo dục rằng cô chỉ có tương lai khi dấn thân vào ngành này. Cô chưa bao giờ có cơ hội để phát triển những gì cô ấy muốn làm nhất và giải quyết nó một cách tốt đẹp.
Như vậy, điều gì cô ấy muốn làm nhất ? Đó chính là bản thân sống hòa thuận với con của mình. Cô ấy thực sự là một người rất lương thiện và rất yêu trẻ con, cô đã từng rất muốn làm về giáo dục mầm non. Nhưng gia đình cô không cho phép, bời vì tiền lương của giáo viên mẫu giáo quá thấp, hơn nữa địa vị xã hội cũng rất thấp.
Cô ấy buộc phải nỗ lực vì mục tiêu của cha mẹ và gia đình, bản thân cô ấy rất bất bình và oán hận. Những việc này cuối cùng thể hiện ở đâu?
Chính là trên thân của con cô ấy. Con của cô ấy không có bạn, một cậu bé học đến lớp 3, lớp 4 ở trường rồi nhưng lại không có bạn. Việc học của cậu ấy làm sao có thể vui vẻ được? Những gì mà cậu ấy đã học được từ mẹ mình chính là phàn nàn và than thở.
Khi người mẹ này hiểu rằng làm một người mẹ toàn thời gian, cô ấy cần phải có nhiều kỹ năng và nỗ lực như vậy, cô ấy đột nhiên phá vỡ những quan niệm cô ấy đã tiếp thu từ khi còn là một đứa trẻ và được giải phóng ngay lập tức. Cô ấy nói với tôi trong nước mắt rằng cô ấy đã hiểu rồi.
Sau đó, cô ấy nói với tôi rằng cô ấy đã học được một phương pháp mới trong quá trình giáo dục con cái và tình trạng của đứa trẻ ngày càng tốt hơn. Hơn nữa, phương pháp này cũng khá hiệu quả khi áp dụng vào việc quản lý nhân viên của chính công ty cô ấy. Cô ấy trở nên rất vui vẻ và làm tốt cả công việc gia đình và công việc kinh doanh của mình.
Người mẹ đã thay đổi, đứa trẻ trở nên vui vẻ hơn và bắt đầu có bạn bè. Tâm cậu bé đã ổn định trong lớp học và việc học của nó trở nên tập trung hơn.
Nếu mỗi ngày người mẹ đều phải xa con trong thời gian dài vì lý do công việc, tốt nhất là người mẹ nên tự thu âm giọng nói của mình và đưa cho người chăm sóc trẻ, như bà ngoại, bảo mẫu v.v. Không ai khác có thể thay thế vai trò của người mẹ. Người mẹ có thể thu âm bất cứ chuyện gì, bao gồm đọc sách, kể chuyện, hát, còn có những cuộc trò chuyện hàng ngày v.v.
Đứa trẻ đã quen với giọng nói của người mẹ từ khi còn trong bụng mẹ. Một khi xa mẹ trong thời gian dài, trẻ sẽ cảm thấy bất an, không có cảm giác an toàn.
Có rất nhiều thứ có thể được lặp đi lặp lại với trẻ và cha mẹ, chẳng hạn như những bài nhạc thiếu nhi và kể chuyện đều có thể lặp lại nhiều lần.
Bạn cũng cần duy trì một thái độ lành mạnh. Khi gặp phải vấn đề khó giải quyết gì thì hãy dừng lại suy nghĩ một chút. Đây chính là lúc trí huệ được khai mở.
Bạn phải cảm ơn sự tồn tại của đứa trẻ, cảm ơn sự chăm sóc của những người xung quanh. Khi bạn có tâm thái như vậy thì mới có thể tĩnh tâm lại và không bị cảm xúc nhất thời chi phối nữa.
(Còn tiếp)
Tiến sĩ Trần Ngạn Linh có hơn 30 năm kinh nghiệm giúp đỡ các bậc cha mẹ và giáo viên ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Indonesia, Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu, và New Zealand. Cô đã giải quyết vô số vấn đề khó khăn. Nhiều phụ huynh và giáo viên xem cô Trần là nhà cố vấn trọn đời. Khả năng tư vấn của cô không chỉ giới hạn lĩnh vực nuôi dạy con trẻ và giáo dục, mà còn bao gồm nghiên cứu phát triển và thiết lập văn hóa doanh nghiệp cho các công ty tư nhân. Kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau giúp cho cô Trần có cái nhìn toàn diện và tổng quát hơn trong việc hướng dẫn các bậc cha mẹ và các giáo viên khác bồi dưỡng nên những nhân tài khỏe mạnh.
Tiến sĩ Trần có bằng tiến sĩ Tâm lý học chỉnh thể và Năng lượng y học của Đại học Y khoa Thân Tâm Hoa Kỳ (nay là Viện nghiên cứu Thân và Tâm), Thạc sĩ Học viện Đại học Y Đài Loan, Thạc sĩ Phát triển nhi đồng Đại học California (US), Thạc sĩ về Giáo dục năng khiếu của Đại học California và chứng chỉ lập trình máy điện toán. Video bài diễn văn trên truyền hình của cô được Thư viện Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc lưu giữ, và được China Airlines International phát sóng.
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 12
Tào Cảnh Triết biên tập
Bách Hợp biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: