Khóa học dành cho cha mẹ (P.11): Vì bị hiểu nhầm từ lúc nhỏ, lớn lên trở thành xã hội đen
Trốn học, gia nhập xã hội đen, sau khi trưởng thành bị truy nã, có nhà nhưng không về được – thời niên thiếu của người cha này rốt cuộc đã trải qua những điều gì? Con của ông ấy có phải vì thông minh, có suy nghĩ riêng, thích chơi trò quyền lực tranh đấu, mà cũng gặp phải những đả kích và xa lánh không?
Cảm giác bất an thời thơ ấu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống sau này, mà những người càng thông minh thì càng nhớ rõ chi tiết những sự việc lúc nhỏ.
Cách làm vô ý của cha mẹ, thậm chí là cách ngưng cho con bú, đều có thể đem lại cho đứa trẻ những cảm giác không an toàn, phá vỡ thế giới tốt đẹp cũng như logic bình thường của chúng. Cảm giác bất an đó sẽ ảnh hưởng tới đứa trẻ một khoảng thời gian dài về sau.
Tôi từng tiếp nhận một cuộc gọi từ bệnh viện nói rằng có một trường hợp rất khó xử lý, bệnh viện thực sự không thể giúp người bệnh đó thêm được nữa. Họ được người khác giới thiệu và tìm đến tôi. Bệnh nhân này là một cô bé, mẹ của cô ấy phát hiện ra con gái mình rất dễ nói dối, thậm chí nói dối rất nghiêm trọng. Hơn nữa, giá trị quan của cô bé đã có sự sai lệch, cô bé nghĩ rằng không cần phải học tập mà chỉ cần kiếm tiền là được rồi, có thể làm bất cứ công việc gì thậm chí những công việc mà người lớn cảm thấy rất đáng sợ.
Người mẹ cảm thấy rất khó dạy dỗ đứa trẻ này và cũng không biết phải làm thế nào. Bởi vì đứa trẻ này là bệnh nhân của bệnh viện, mẹ của cô ấy đề xuất yêu cầu này thì bệnh viện tìm đơn vị phúc lợi xã hội để giải quyết. Sau đó, đơn vị phúc lợi phát hiện nó không phải gặp vấn đề về trị liệu y học, mà phải kết hợp trị liệu y học, hoàn cảnh xã hội và giáo dục. Lúc đó đứa trẻ này đã đi học rồi vì vậy họ tìm đến tôi.
Cha của cháu bé này là xã hội đen
Trước lúc bắt đầu trị liệu tôi đề ra một số điều kiện, đầu tiên là phải đến thăm gia đình của cô bé; thứ hai là phải đến trường học để phối hợp với giáo viên; thứ ba là phải gặp được cha của cô bé. Lúc đó cha của cô bé đang bị tòa án truy nã buộc phải trốn chạy ở bên ngoài, vì vậy tôi muốn gặp được ông ấy là một chuyện không dễ dàng.
Nhờ kinh nghiệm lâu năm và những trí huệ mà các bậc tiền bối đã để lại, tôi phát hiện ra nếu như một sự việc gì có lợi ích đối với con người, chỉ cần không bỏ cuộc, không ngừng nỗ lực về hướng đó thì sự việc này thường sẽ thành công.
Sau này, tôi bắt đầu phụ đạo đối với gia đình này, lúc đó cha của cô bé đang chạy trốn nên không tìm được ông ấy. Ông ấy có lúc nửa đêm về nhà với tâm trạng áy náy rồi dẫn đứa con duy nhất này ra ngoài ăn một bữa thật ngon, sáng sớm hôm sau thì rời khỏi.
Cha của cô bé rất hào phóng, có lúc tốn 3000 đài tệ (khoảng 2.5 triệu vnd) cho một bữa ăn, điều này khiến cho người mẹ rất khó giáo dục đứa trẻ. Buổi sáng cô ấy đưa 30 đài tệ tiền ăn sáng thì đứa bé không quan tâm chút nào, bởi vì tối hôm trước mới ăn một bữa 3000 đài tệ, bữa sáng 30 đài tệ thực sự không nuốt nổi, người mẹ này vì vậy mà cảm thấy rất khổ não.
Trong quá trình tiếp tục giúp đỡ họ, có một buổi tối, tôi gọi điện thoại đến nhà để gặp người mẹ, vừa đúng lúc người cha về nhà và tiếp điện thoại.
Tâm tư của ông trùm xã hội đen
Tôi tự giới thiệu mình là ai, tin rằng người cha này cũng cảm nhận được thành ý của tôi. Bởi vì lúc đó tôi đã làm rất nhiều việc mà vốn dĩ không phải trách nhiệm của tôi.
Tôi không chỉ phụ đạo cho đứa trẻ này, mà còn phụ đạo những đứa trẻ khác trong lớp của cô bé. Hơn nữa, tôi đã dùng đến tài nguyên của mình, mời cả những bạn học của cô bé, giúp đỡ cả trường học, còn toàn bộ khu vực nơi cô bé sinh sống nữa. Cha của đứa trẻ có thể cảm nhận được điều này.
Lúc đó trong điện thoại, tôi nói rằng cần tìm mẹ của cô bé có chút chuyện, người cha nói có thể cho anh ấy năm phút để trò chuyện không? Thế là chúng tôi đã nói chuyện.
Lúc đó, vụ án của người cha đã có phán quyết, tuy rằng không truy cứu tội trạng của anh ấy, nhưng anh ấy phải tiếp nhận trị liệu tâm lý và chính phủ trả tiền để anh ấy tham gia một số khóa học. Người cha đó đi được một vài lần thì không đi nữa, khóa học đó không phát huy được tác dụng.
Anh ấy nói với tôi vì sao lại đi trên con đường này, là bởi vì lúc nhỏ thường có những cảm xúc bất an, lúc nhỏ thường bị trêu chọc, bị hiểu lầm.
Tôi nói rằng người lớn không hiểu được rất nhiều hành vi và cử chỉ của những đứa trẻ thông minh. Người lớn có thể sẽ dùng tiêu chuẩn của bản thân lập tức phê bình, thậm chí là trêu cười chúng. Ví dụ khi chúng lên lớp có thể hỏi một số những câu hỏi mà giáo viên không thể trả lời nổi. Hoặc là đột nhiên suy nghĩ kỳ lạ, nói với bạn rằng điều đó không phải như vậy mà trên thực tế thì khác.
Có một số giáo viên hoàn toàn không thể tiếp nhận những học trò như vậy, họ cực kỳ không thích và cho rằng chúng đến chỉ để quậy phá. Những giáo viên như vậy có thể trong lời nói, cách sắp xếp chỗ ngồi, thậm chí là trong ánh mắt cũng bài xích đứa trẻ đó.
Người cha đó từ lúc nhỏ đã là một đứa trẻ rất thông minh, có cách nghĩ riêng, cũng có lòng tự trọng. Anh không chịu nổi sự xem thường và bài xích của giáo viên, cuối cùng ngay cả bậc sơ trung (trung học cơ sở) cũng chưa tốt nghiệp và nghỉ học từ đó.
Sau này anh ấy xảy ra mâu thuẫn với người vợ, khi sắp phải ly hôn anh ấy viết thỏa thuận ly hôn. Khi tôi nhìn thấy thỏa thuận ly hôn này, tôi đã rất bất ngờ phát hiện ra tiếng Trung của chính mình còn không tốt bằng người cha đó. Anh ấy viết quá hay, lối hành văn mà anh ấy sử dụng không phải là thứ mà những người thông thường có thể viết ra được, trong khi anh ấy vẫn chưa tốt nghiệp trung học.
Anh ấy không được công nhận ở trường học, cảm giác bất an của anh ấy không được thấu hiểu và lý giải, thế là anh ấy bắt đầu bỏ học và trốn học. Anh ấy bị thu hút bởi những người trong xã hội đen trên bề mặt rất nói nghĩa khí, ở nơi đó anh ấy đã tìm được vũ đài của chính mình.
Vì thông minh hơn người, nên những sự việc mà người khác không làm được khi anh ấy tham gia thì có thể giải quyết được, từ từ anh ấy trở thành một ông trùm xã hội đen. Anh ấy không còn con đường quay đầu nữa và khiến cho gia đình rất đau khổ.
Cảm giác bất an thời thơ ấu sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc đời của mỗi người về sau, thậm chí có nghiên cứu phát hiện ra, những đứa trẻ càng thông minh thì càng nhớ rõ chi tiết sự việc lúc còn nhỏ.
Sự bất an của anh ấy còn có một lý do, đó là cảm giác không có nơi trở về. Với quá nhiều lo lắng và hiểu lầm như vậy, tâm trạng của anh ấy càng ngày càng phức tạp, lúc nào cũng cảm thấy bản thân không thuộc về nhóm người này, lúc nào cũng vội vàng, dao động.
Hậu quả khi đứa trẻ bị khiếp sợ
Tôi khuyên phụ huynh không nên hù dọa trẻ khi nó còn nhỏ. Có một từ chúng ta thường dùng là “dọa khiếp đảm”, thực sự khi kinh sợ quá mức sẽ ảnh hưởng đến gan mật (đảm), ảnh hưởng sự cân bằng sinh lý của trẻ.
Khi đứa trẻ bị kinh sợ thì “đảm khí” (khí của đảm) sẽ bị tổn thương, chức năng của gan mật không được thông suốt. Gan mật có một chức năng sinh lý quan trọng đó là phụ trách tiêu hóa chất béo, khi “đảm khí” (chức năng gan mật) bị tổn thương, chất béo không được tiêu hóa một cách dễ dàng thì sau bữa ăn dễ cảm thấy bị đầy bụng.
Để bữa ăn thêm ngon miệng thì lúc nấu ăn chúng ta thường sẽ thêm một ít dầu, hoặc phô mai, giống như pizza. Khi đứa trẻ ăn xong sẽ cảm thấy bị đầy bụng. Vì vậy mà tâm trạng trở nên bí bách, người lớn lại không biết vì sao.
Khi đứa trẻ còn rất nhỏ, người lớn thường sẽ không nghĩ rằng những sự việc tiêu cực như vậy có ảnh hưởng lớn và lâu dài về sau, có thể họ nghĩ những điều này sẽ từ từ được bù đắp trở lại.
Tôi cho rằng một số trẻ có thể tự mình hồi phục, một số lại che giấu cảm xúc này ở trong lòng. Trong quá trình trưởng thành của mỗi đứa trẻ, nhất định sẽ trải qua những tổn thương và đả kích, nhưng nếu như hoàn cảnh xung quanh có thể động viên, cởi mở, hướng dẫn cho chúng, thì những đứa trẻ đó sẽ không sợ thất bại và đả kích, nó sẽ luôn vui vẻ và lạc quan.
Phụ huynh cần phải học tập
Khi người lớn được học tập và rèn luyện thì sẽ trở thành những người cha, người mẹ có trí tuệ và phương pháp, có thể hiểu được ý nghĩa đằng sau mỗi cử chỉ của con mình và ứng phó một cách phù hợp, điều này rất quan trọng.
Khi tôi đi học đại học, có một môn học gọi là “sự phát triển của trẻ em”. Vào ngày đầu tiên khi giáo viên lên lớp, cô cầm cuốn sách giáo khoa và chỉ vào trang bìa với hình ảnh một đứa trẻ rất dễ thương, sau đó hỏi học sinh: ai cho rằng trẻ con là như vậy hãy giơ tay, kết quả là những người giơ tay đều là những người chưa từng nuôi con. Kỳ thực những người từng nuôi con đều biết trẻ con không phải lúc nào cũng dễ thương. Người giáo viên đó muốn phá vỡ quan niệm của sinh viên, để sinh viên biết được sự thiếu sót của mình và phải học tập thật nhiều.
Vị giảng viên Đại học đó khi sinh con thì tuổi cũng đã cao, nhưng cô vẫn kiên trì nuôi con bằng sữa mẹ, đây là một tấm gương rất tốt. Cô còn hướng dẫn các sinh viên phải biết rõ khi làm cha mẹ chúng ta phải làm những việc gì, và thêm một số kỹ năng nữa thì có thể trở thành người cha người mẹ rất tốt.
(Còn tiếp)
Tiến sĩ Trần Ngạn Linh có hơn 30 năm kinh nghiệm giúp đỡ các bậc cha mẹ và giáo viên ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Indonesia, Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu, và New Zealand. Cô đã giải quyết vô số vấn đề khó khăn. Nhiều phụ huynh và giáo viên xem cô Trần là nhà cố vấn trọn đời. Khả năng tư vấn của cô không chỉ giới hạn lĩnh vực nuôi dạy con trẻ và giáo dục, mà còn bao gồm nghiên cứu phát triển và thiết lập văn hóa doanh nghiệp cho các công ty tư nhân. Kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau giúp cho cô Trần có cái nhìn toàn diện và tổng quát hơn trong việc hướng dẫn các bậc cha mẹ và các giáo viên khác bồi dưỡng nên những nhân tài khỏe mạnh.
Tiến sĩ Trần có bằng tiến sĩ Tâm lý học chỉnh thể và Năng lượng y học của Đại học Y khoa Thân Tâm Hoa Kỳ (nay là Viện nghiên cứu Thân và Tâm), Thạc sĩ Học viện Đại học Y Đài Loan, Thạc sĩ Phát triển nhi đồng Đại học California (US), Thạc sĩ về Giáo dục năng khiếu của Đại học California và chứng chỉ lập trình máy điện toán. Video bài diễn văn trên truyền hình của cô được Thư viện Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc lưu giữ, và được China Airlines International phát sóng.
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 11
Tào Cảnh Triết biên tập
Bách Hợp biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: