Khóa học dành cho cha mẹ (P.10): Cai sữa cho trẻ theo cách tự nhiên tốt hơn là cưỡng chế
Nếu nuôi con bằng sữa mẹ thì làm sao cho con dứt sữa?
Cô Trần Ngạn Linh sẽ tư vấn cho bạn.
Sữa mẹ rất quan trọng đối với trẻ, nhưng nên nuôi con bằng sữa mẹ trong thời gian bao lâu? Lúc cho trẻ dứt sữa, có những bà mẹ bôi ớt, dầu mát lên đầu ti, hoặc là ăn thức ăn cay để cho sữa mẹ thay đổi mùi vị. Những cách làm này có đúng không? Phương pháp nào mới là tốt cho cả hai mẹ con?
Trẻ con nên bú sữa mẹ trong thời gian bao lâu? Có những báo cáo Nhi khoa nói rằng nếu như có thể duy trì tình trạng ổn định thì nên cho trẻ bú sữa mẹ ít nhất là sáu tháng. Bởi vì bú sữa mẹ từ sáu tháng trở lên thì đường tiêu hóa của trẻ có thể duy trì tình trạng khỏe mạnh cho đến lúc trẻ đi học tiểu học. Cũng có nghiên cứu phát hiện ra rằng sữa mẹ vẫn cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho đến lúc trẻ được một tuổi.
Khi đi học mẫu giáo, bắt đầu chơi cùng rất nhiều những đứa trẻ khác, trẻ sẽ dễ dàng lây nhiễm qua lại. Những đứa trẻ được bú sữa mẹ sẽ giảm đi những nguy cơ này. Bú sữa mẹ có thể bảo vệ sức khỏe của trẻ tốt hơn, đường ruột của trẻ không dễ bị viêm, như vậy không cần phải nghỉ học.
Lúc dứt sữa cho con, người mẹ có thể bắt đầu từ việc thay đổi chế độ ăn uống. Trung y nói rằng các loại thức ăn ngũ cốc có thể giúp lợi sữa, cũng có những loại thức ăn làm giảm sữa, nhưng không phải lúc nào cũng có tác dụng đối với tất cả mọi người, tốt nhất bạn hãy hỏi mẹ của bạn nên ăn loại thức ăn nào để làm giảm sữa mẹ.
Khi sữa của người mẹ giảm đi thì đứa trẻ sẽ không đủ no, nên muốn ăn thêm những loại thức ăn khác. Cách này sẽ làm giảm sữa mẹ một cách từ từ và sau đó dứt sữa. Nếu như sữa mẹ lúc nào cũng nhiều mà giảm không được, ngoài việc điều chỉnh chế độ ăn uống ra, người mẹ cũng có thể vắt bỏ.
Tôi cho rằng không nên dùng các loại thức ăn kích thích như ớt, mù tạt, dầu mát để dứt sữa, vì đây là những trải nghiệm rất đau khổ đối với em bé của chúng ta. Vốn dĩ thời gian bú sữa mẹ là khoảng thời gian tốt đẹp đối với trẻ, bây giờ dùng những chất kích thích để cưỡng bức trẻ ngưng bú, khiến mạch logic cảm xúc của trẻ bị tổn thương, sinh ra cảm giác sợ hãi không mong muốn và khó khăn để ổn định lại.
Những khổ nhọc của người mẹ khi cho con bú đều sẽ được đền đáp.
Tôi phải nhấn mạnh rằng nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ tốt cho trẻ, mà còn tốt cho sức khỏe của người mẹ. Theo những số liệu của khoa sản phụ cho thấy việc nuôi con bằng sữa mẹ làm giảm 5 lần nguy cơ ung thư vú.
Khoa học hiện nay càng lúc càng hướng về với tự nhiên, gọi là “Organic.” Những nghiên cứu khoa học có khuynh hướng quay về với tự nhiên đã phát hiện ra rằng, nếu như cơ thể của người mẹ không có bất cứ trở ngại nào đặc thù, hoặc là bệnh lý nào đặc thù, cũng không phải làm việc quá mệt nhọc, khi người mẹ vẫn còn sữa thì nên tiếp tục cho con bú.
Có nghiên cứu khoa học phát hiện ra nếu như người mẹ bằng lòng nuôi con bằng sữa mẹ, dù là lúc mới bắt đầu sẽ có cảm giác rất đau thậm chí có thể bị viêm, nhưng người mẹ vẫn không bỏ cuộc vì cho rằng đây là thiên chức của mình, thì tử cung của cô ấy sẽ thu nhỏ lại hơn và nhanh hơn nhiều so với những người mẹ không cho con bú sữa mẹ.
Ông trời rất công bằng và từ bi, khi người mẹ cho con bú là bỏ ra một phần công sức và chịu sự khó nhọc nhưng sẽ được “đền đáp” nhiều hơn. Ít nhất là có hai lợi ích: một là giúp cho cơ thể trở nên thon gọn, hai là giúp cho tử cung co nhỏ tốt hơn và nhanh hơn, sau này nguy cơ những bệnh phụ khoa liên quan đến tử cung cũng giảm đi.
Trong sự phát triển khoa học của nhân loại thường có những lần “phản tỉnh,” họ phát hiện ra một số phương pháp mà trước đây cho rằng nhất định là đúng, kỳ thực không nhất định là đúng. Trong việc sinh con và nuôi dạy con cái cũng vậy, một số phương pháp mưu cầu nhanh chóng có hiệu quả lại xảy ra tác dụng phụ, đem lại cho cha mẹ những phiền phức lớn về sau. Một ví dụ là việc sinh mổ cũng dễ dàng gây ra tổn thương cho người mẹ.
Tôi lấy một ví dụ, một người bạn của tôi là bác sĩ phải đi phẫu thuật ngay vào ngày hôm sau, nên tôi đến thăm cô ấy. Khi đến nhà, tôi phát hiện ra gian bếp gần như bị bỏ lâu ngày không sử dụng, trên đó có rất nhiều thuốc. Tôi được sinh ra trong một gia đình nghề y nên biết rất nhiều bác sĩ ghét uống thuốc. Cho nên tôi biết rất rõ cô ấy đã không còn phương pháp nào, mới phải uống rất nhiều thuốc như vậy.
Người bạn này bị tình trạng tử cung ứ huyết không thải ra được đã mười mấy năm rồi, điều này khiến cô ấy rất khó chịu. Cô là mẹ của hai đứa con, sau khi sinh đứa con thứ hai thì tử cung không thu nhỏ được, ngược lại còn phù lên giống như bụng mang thai 3, 4 tháng.
Lúc mới bắt đầu không tìm được nguyên nhân, cô ấy đã uống rất nhiều các loại thuốc như thuốc hạ sốt, thuốc giảm viêm, thuốc giãn cơ, cuối cùng uống cả thuốc an thần, loại thuốc nào cũng dùng qua. Tuy nhiên vấn đề vẫn không được giải quyết, ngược lại triệu chứng càng ngày càng nhiều, sức miễn dịch của cơ thể càng ngày càng kém, hiện tượng kháng thuốc càng ngày càng rõ rệt, nên thường xuyên phải đổi thuốc, vì vậy nhà bếp mới có nhiều thuốc như vậy.
Thì ra lần cuối cùng cô ấy sinh con là phải sinh mổ. Khi khâu bụng sau phẫu thuật, đường khâu không được tốt dẫn đến sản dịch của cô ấy mấy lần không thải sạch được. Khi sản dịch không ngừng tích lũy ở đó sẽ dẫn đến tình trạng đau như vậy trong mười mấy năm qua. Cảm giác đau đớn như vậy có đáng không?
“Bát tự” của ngày sinh không phải “vạn năng”, cần phải xem đứa trẻ này có sẵn những gì?
Hiện nay có một số người Hoa vì muốn “bát tự” trong ngày sinh của con mình được tốt, để vận mệnh tốt đẹp, họ quyết định ngày nào tháng nào sẽ sinh con bằng phương pháp mổ. Tôi cho rằng điều này không có lợi cho người mẹ. Thậm chí là đối với tương lai của đứa con cũng không chỉ dựa vào “bát tự” của ngày sinh mà quyết định được, còn phải xem đứa trẻ có sẵn những gì, thích hợp với điều gì.
Cha của tôi là một người rất có trí huệ. Khi tôi còn nhỏ, tôi nói với ông rằng khi lớn lên tôi sẽ làm một việc rất lớn, ông ấy nói với tôi rằng con không có vốn liếng đó, cha của con cũng không có những điều kiện đó.
Vậy vốn liếng đó là gì? Ông nói rằng: nếu con muốn làm việc lớn thì con phải làm quan mới được, nhưng cá tính của con không thích hợp. Không phải năng lực của con không đủ mà là cá tính của con không thích hợp. Vì con quá thẳng tính nên không thích hợp với chốn quan trường.
Việc lớn đó là gì? Lúc tôi còn nhỏ, ở sau nhà chúng tôi có một mảnh ruộng lớn. Tôi thường nhìn thấy những người nông dân khi trời chưa sáng đã phải ra đồng, làm lụng cực khổ. Nhưng khó nhọc cả một năm trời đến cuối năm, lại có một số rau quả không thể thu hoạch được, họ để cho hàng xóm xung quanh tuỳ tiện đến hái về mà ăn. Thì ra việc mướn nhân công để thu hoạch và chi phí vận chuyển cao hơn cả tiền bán rau, vậy nên đành bỏ hoang phí.
Lúc đó tôi nhìn thấy tình hình này, cảm thấy rất đồng cảm với những người nông dân, tôi nghĩ rằng khi lớn lên sẽ giúp đỡ họ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cha của tôi nói, từ lúc nhỏ con đã không phải là một đứa trẻ có tầm nhìn nhỏ hẹp, suy nghĩ toàn là những việc lớn, sau này nhất định sẽ làm việc lớn. Nhưng nhà chúng ta không có gốc gác làm quan, cũng không phải kiểu người đó, tính cách của con cũng không thích hợp làm quan, con phải xem xét lại.
Lúc 5 tuổi tôi học mẫu giáo, 6 tuổi vào tiểu học, tính ra là đi học sớm. Vì mẹ của tôi quá bận, không có thời gian chăm sóc tôi. Lúc bắt đầu chỉ là gửi ở trường, không tính là chính thức nhập học. Nhưng vì thành tích của tôi nằm trong danh sách ba người đầu, nên đã chính thức được vào học.
Cha của tôi phát hiện ra, mặc dù lúc đó tôi còn rất nhỏ nhưng đã có rất nhiều bạn nhỏ thích đến tìm tôi để hỏi cách giải quyết vấn đề. Nếu như bạn nhỏ nào bị thương, trầy da chảy máu, chúng không đi tìm cô hộ lý mà lại đi tìm tôi. Còn nữa, lúc tôi đọc sách thì sách sinh học căn bản không cần xem, quyển sách còn y như mới nhưng thành tích thi cử lại vô cùng tốt. Cha của tôi động viên tôi học y và theo con đường này mà giúp đỡ người khác.
Trở thành một bác sĩ, và sau này làm công tác giáo dục, đây đều là những việc quan trọng và có ý nghĩa, vì vậy, tôi rất vui vẻ trong công việc và cha tôi cũng rất ủng hộ.
(Còn tiếp)
Tiến sĩ Trần Ngạn Linh có hơn 30 năm kinh nghiệm giúp đỡ các bậc cha mẹ và giáo viên ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Indonesia, Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu, và New Zealand. Cô đã giải quyết vô số vấn đề khó khăn. Nhiều phụ huynh và giáo viên xem cô Trần là nhà cố vấn trọn đời. Khả năng tư vấn của cô không chỉ giới hạn lĩnh vực nuôi dạy con trẻ và giáo dục, mà còn bao gồm nghiên cứu phát triển và thiết lập văn hóa doanh nghiệp cho các công ty tư nhân. Kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau giúp cho cô Trần có cái nhìn toàn diện và tổng quát hơn trong việc hướng dẫn các bậc cha mẹ và các giáo viên khác bồi dưỡng nên những nhân tài khỏe mạnh.
Tiến sĩ Trần có bằng tiến sĩ Tâm lý học chỉnh thể và Năng lượng y học của Đại học Y khoa Thân Tâm Hoa Kỳ (nay là Viện nghiên cứu Thân và Tâm), Thạc sĩ Học viện Đại học Y Đài Loan, Thạc sĩ Phát triển nhi đồng Đại học California (US), Thạc sĩ về Giáo dục năng khiếu của Đại học California và chứng chỉ lập trình máy điện toán. Video bài diễn văn trên truyền hình của cô được Thư viện Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc lưu giữ, và được China Airlines International phát sóng.
Mời bạn xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 10
Tào Cảnh Triết biên tập
Bách Hợp biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: