Khó khăn tài chính càng nghiêm trọng khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đè nặng lên người đi làm
Người đi làm [ăn lương] ở Mỹ và trên toàn thế giới đang lên tiếng về mức độ khó khăn tài chính cao hơn khá nhiều so với năm ngoái (2022), do nền kinh tế đang chậm lại và lạm phát cao đã khiến ngày càng nhiều người thiếu tiền mặt và dự định bỏ việc để tìm kiếm công việc được trả lương cao hơn.
Theo nghiên cứu mới nhất về lực lượng nhân sự của PriceWaterhouse Coopers (PwC), bất chấp nền kinh tế đang suy yếu và người đi làm [ăn lương] cho biết về mức độ căng thẳng tài chính ngày càng tăng, dường như trào lưu “Đại Bỏ Việc” vẫn tiếp diễn.
Chỉ hơn một phần tư (26%) người đi làm [ăn lương] được PwC khảo sát dự trù sẽ thay đổi công ty trong 12 tháng tới với hy vọng tìm được công việc được trả lương cao hơn, tăng từ 19% vào năm ngoái.
Khoảng 42% cho biết họ đang dự trù sẽ yêu cầu tăng lương để bù đắp chi phí sinh hoạt cao hơn, tăng từ 35% vào năm ngoái.
Ông Bhushan Sethi, đồng lãnh đạo toàn cầu về hoạt động tổ chức và con người của PwC, cho biết trong một tuyên bố: “Với tình hình kinh tế bất ổn đang diễn ra, chúng tôi nhận thấy lực lượng nhân sự toàn cầu muốn được trả nhiều tiền hơn và công việc của họ có ý nghĩa hơn.”
Mặc dù áp lực lạm phát đã giảm bớt trong những tháng gần đây, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch, bòn rút [tiền bạc] các gia đình và làm suy giảm phúc lợi tài chính.
Thời buổi khó khăn lan rộng hơn
Người đi làm [ăn lương] ở Hoa Kỳ và các nơi khác ngày càng cảm thấy thiếu tiền mặt khi những thách thức về lạm phát và những khó khăn về kinh tế tiếp tục tác động đến túi tiền của họ.
“Khảo sát Lực lượng Nhân sự Toàn cầu về Hy vọng và Sợ hãi năm 2023” của PwC, đã khảo sát 54,000 người đi làm [ăn lương] ở 46 quốc gia, cho thấy ngày càng có nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc thanh toán hóa đơn hàng tháng hoặc không thể thanh toán hóa đơn trong hầu hết thời buổi này.
Tỷ lệ người đi làm [ăn lương] cho biết thời buổi này gia đình họ không thể thanh toán hóa đơn đã tăng gấp đôi từ 2% năm ngoái lên 4% vào năm 2023.
Đồng thời, tỷ lệ người đi làm [ăn lương] cho biết gia đình họ có thể thanh toán tất cả các hóa đơn hàng tháng và vẫn còn dư một số tiền để tích trữ hoặc chi tiêu tùy ý như các kỳ nghỉ đã giảm mạnh từ 47% xuống 38%.
Khoảng một phần năm người đi làm [ăn lương] đang làm nhiều công việc, với 69% nói rằng họ làm việc đó để kiếm thêm thu nhập và chỉ có 36% là để học các kỹ năng mới.
Vòng lặp hồi đáp tiêu cực
Những người đi làm [ăn lương] đang gặp khó khăn về tài chính cũng ít có khả năng đáp ứng những thách thức trong tương lai, gồm cả đầu tư vào phát triển các kỹ năng mới và thích ứng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI).
Những người phải chật vật thanh toán hóa đơn ít có khả năng (50%) để chủ động tìm kiếm những cơ hội phát triển kỹ năng mới như những người có thể thanh toán chi phí một cách thoải mái (62%).
Tương tự, những người đi làm [ăn lương] có sự an toàn về tài chính (57%) có nhiều khả năng mưu cầu sự hồi đáp và cải thiện hiệu suất của họ trong công việc so với những người đi làm [ăn lương] đang gặp khó khăn về tài chính (45%).
Hơn một phần ba (37%) người đi làm [ăn lương] an toàn về tài chính tin rằng AI sẽ nâng cao năng suất của họ, trong khi chỉ có 24% người đi làm [ăn lương] đang gặp khó khăn về tài chính cũng nghĩ như vậy.
Khoảng cách giữa những người có kỹ năng chuyên môn và những người không có kỹ năng là một vấn đề ngày càng lớn, cản trở năng suất và sự đổi mới đối với các các công ty và làm trầm trọng thêm căng thẳng tài chính của người đi làm [ăn lương].
Ông Bob Moritz, chủ tịch toàn cầu của PwC, cho biết: “Lực lượng nhân sự toàn cầu được chia thành hai nhóm — nhóm những người có kỹ năng có giá trị sẵn sàng tiếp tục học hỏi, và nhóm những người không có kỹ năng này.”
Ông nói thêm: “Chúng tôi đã nhận thấy rằng, những người không có những kỹ năng này thường kém an toàn hơn về tài chính và ít có khả năng tiếp cận đào tạo về các kỹ năng trong tương lai.”
Cuộc khảo sát của PwC cho biết các phương thức tuyển dụng lỗi thời đang cản trở sự tự tin của nhân viên vào khả năng khám phá những cơ hội mới của họ trong lực lượng nhân sự.
Trong một thị trường việc làm cạnh tranh, các nhà tuyển dụng không khai thác được những tài năng có giá trị do các phương pháp tuyển dụng và phát triển truyền thống tập trung vào văn bằng hơn là kỹ năng.
Nghiên cứu mới đây do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) hợp tác với PwC thực hiện cho thấy rằng việc áp dụng các phương thức tuyển dụng ưu tiên các kỹ năng có thể giúp hơn 100 triệu người trên toàn thế giới có được việc làm chất lượng cao hơn.
Thị trường lao động đang mất động lực
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng là 3.7%, nhưng dữ liệu thị trường lao động mới đây cho thấy tăng trưởng việc làm của Hoa Kỳ đã tăng tốc trong tháng Năm, cho thấy các điều kiện đang nới lỏng.
Báo cáo bảng lương ngành phi nông nghiệp hàng tháng mới nhất, được công bố vào đầu tháng Sáu, cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng từ mức thấp nhất trong 53 năm qua là 3.4% trong tháng Tư.
Ông Sal Guatieri, kinh tế gia cao cấp tại BMO Capital Markets ở Toronto, cho biết: “Các doanh nghiệp Mỹ vẫn đang ráo riết tuyển dụng, có khả năng đáp ứng nhu cầu ổn định của người tiêu dùng.”
Ông nói thêm, “Tuy nhiên, các lĩnh vực yếu kém khác trong báo cáo này cho thấy thị trường lao động đang mất dần động lực.”
Tăng trưởng tiền lương trong tháng Năm có sự giảm nhẹ, với thu nhập trung bình mỗi giờ giảm lại còn 4.3% so với mức 4.4% trước đó.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times