Khích lệ lòng can đảm của kẻ thù
Một lần nữa, một đảng viên Dân Chủ lại ung dung ngồi trong Tòa Bạch Ốc, và một lần nữa, Trung Đông lại đang ngồi trên chảo lửa. Lời tuyên bố này, nghe có vẻ kỳ lạ, thậm chí có ý thiên vị. Nhưng lịch sử đã chứng minh điều này trong suốt nửa thế kỷ qua.
Phải nói rằng, khu vực này từ lâu đã sục sôi những thù hận về sắc tộc và tôn giáo. Và chắc chắn đã có những đợt bùng phát bạo lực định kỳ trong những thời kỳ mà Đảng Cộng Hòa giành quyền kiểm soát [chính phủ Hoa Kỳ], chẳng hạn như vụ đánh bom Beirut năm 1982, khi ông Ronald Reagan còn là tổng thống. Nhưng sự kiểm soát của Đảng Dân Chủ đối với chính phủ Hoa Kỳ có vẻ gần như là để bảo đảm cho một sự hỗn loạn trong khu vực này và chúng ta đang chứng kiến điều này dưới thời chính phủ ông Biden.
Dưới thời ông Trump, Trung Đông tương đối yên bình trong vòng bốn năm. Thật vậy, trái với những dự đoán thông thường, ông Trump đã thiết lập một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và một số địch thủ lâu năm của họ. Ông John Kerry, một đảng viên trung thành lâu năm của Đảng Dân Chủ, hiện là đặc phái viên khí hậu dưới thời ông Biden, đã từng cảnh báo rằng sẽ chẳng có thỏa thuận nào khả thi ở Trung Đông nếu không có sự tham gia của người Palestine. Ông Trump đã cho thấy sự lố bịch của lời khẳng định này. Israel hiện đang có mối bang giao với Bahrain, Jordan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và thậm chí cả Ả Rập Xê-út.
Trớ trêu thay, chính sự chuyển dịch quyền lực mạnh mẽ này ở Trung Đông đã phần nào khiến người Palestine nổi cơn thịnh nộ. Sự cố châm ngòi cho cơn thịnh nộ đó bắt nguồn từ một cuộc tranh chấp giữa những người tị nạn Palestine từ chối rời đi nơi khác và những cư dân Israel tuyên bố rằng họ có giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với những ngôi nhà nơi những người tị nạn kia đang sinh sống. Sự việc vốn thông thường chỉ là một vụ tranh chấp bất động sản như thế này đã leo thang thành những vụ đụng độ lớn giữa quân đội Israel và những kẻ khủng bố Hamas đang kiểm soát Dải Gaza.
Sự tự tin của Hamas trong việc bắn hỏa tiễn vào các trung tâm dân sự ở Israel—những hỏa tiễn sẽ gây ra sự tàn phá lớn hơn nhiều nếu không có công nghệ đánh chặn của Israel—một phần được thúc đẩy bởi kỳ vọng rằng Israel không còn có thể trông cậy vào đồng minh truyền thống của mình là Hoa Kỳ nữa. Tại sao vậy? Bởi vì những kẻ Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông này biết rằng chính phủ Biden chịu ơn phe cánh tả hay cấp tiến của họ, một phe do những nhân vật như Dân biểu Ilhan Omar (Dân Chủ-Minnesota), Dân biểu Rashida Tlaib (Dân Chủ-Michigan), và Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez (Dân Chủ-New York) lãnh đạo.
Những nhân vật cánh tả này công khai đứng về phía Palestine. Họ coi Israel như một kẻ chiếm đóng thuộc địa trên đất của người Palestine. Bản thân điều này thật đáng mỉa mai. Chính những kẻ nói rằng người Mỹ bản địa [được phép] sở hữu các chứng thư quyền sở hữu đối với [đất đai] Hoa Kỳ bởi vì họ là những cư dân ban đầu, lại từ chối công nhận chứng thư quyền sở hữu của người Do Thái trên vùng đất mà họ là cư dân ban đầu. Bất cứ lúc nào khi chính phủ ông Biden dứt khoát từ chối hậu thuẫn Israel, như ông Trump đã làm, thì bằng như khích lệ và khiến cho những kẻ khủng bố Hamas trở nên táo bạo hơn.
Nhưng đây không phải là một câu chuyện mới. Chính là Chính phủ ông Carter đã đưa chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan lên sân khấu thế giới, bằng cách góp phần hạ bệ vua Shah của Iran. Cùng với việc thoái vị của vua Shah vào năm 1979 và ông Ayatollah Khomeini lên nắm quyền, những kẻ Hồi giáo cực đoan lần đầu tiên đã nắm được quyền kiểm soát một nhà nước lớn. Ông Khomeini là nhà lãnh đạo Hồi giáo đầu tiên gọi Hoa Kỳ là Satan Vĩ đại và khuyến khích các cuộc tấn công liều chết chống lại Hoa Kỳ nhân danh tử vì đạo, và “death to America” tiếp tục là khẩu hiệu chỉ thị của cuộc cách mạng Iran thậm chí trong suốt bốn thập kỷ tồn tại đầy tính độc hại của nó.
Ông Carter đã coi vua Shah như là một nhà độc tài với cảnh sát mật vụ và tuyên bố rằng ông, đứng về mặt lương tâm, không thể nào ủng hộ ông vua này. Bằng cách rút lại sự ủng hộ của Hoa Kỳ, bằng cách rút tấm thảm Ba Tư dưới chân vua Shah, ông Carter đã bảo đảm cho sự hạ bệ và thay thế vua Shah bằng một kẻ thù địch hơn nhiều với các lợi ích của Hoa Kỳ, ở đây là ông Khomeini. Hành động của ông Carter đã cổ vũ những kẻ cực đoan Iran chiếm Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Tehran và bắt cóc các nhân viên trong đó làm con tin. Đáng chú ý là, các con tin này chỉ được thả vào ngày cựu Tổng thống Reagan lên nhậm chức, một số người nói rằng lý do là vì lo sợ không biết ông Reagan có thể gây ra những gì cho Iran nếu cuộc khủng hoảng con tin này kéo dài.
Tiếp đến những năm nắm quyền của ông Clinton, khoảng thời gian mà chúng ta biết rằng những hạt giống của sự kiện 11/09 đã được gieo mầm. Năm 1996, trùm khủng bố Osama bin Laden đã tuyên chiến chống lại Hoa Kỳ và cùng năm đó, những kẻ Hồi giáo cực đoan đã cho nổ một quả bom lớn tại khu quân sự Khobar Towers ở Ả Rập Xê Út. Ông Clinton đã lên án hành động này nhưng không làm gì cả. Hai năm sau, tổ chức Al Qaeda đã tiến hành các cuộc tấn công bằng bom nhằm vào các đại sứ quán Hoa Kỳ ở Kenya và Tanzania, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Ông Clinton đã ra lệnh thực hiện một cuộc phản công nửa vời vào một cơ sở ở Sudan và một cuộc đột kích vào một doanh trại của tổ chức Al Qaeda ở Afghanistan mà hóa ra là một khu đất mà phần lớn đã bị bỏ hoang. Ngay cả khi, vào tháng 10/2000, Al Qaeda đã dàn xếp một cuộc tấn công liều chết vào khu trục hạm mang hỏa tiễn hành trình U.S.S Cole của Hoa Kỳ, làm nổ một lỗ sâu 40 foot (khoảng 12.19m) trên thân tàu và gây thiệt mạng 17 thủy thủ, ông Clinton về cơ bản đã không làm gì cả.
Một điều phi lý là sau đó ông Clinton còn cho rằng ông đã nỗ lực hết sức để bắt được trùm khủng bố bin Laden. Tuy nhiên, từ năm 1996, khi bin Laden chuyển từ Sudan đến Afghanistan, cho đến tận năm 2000, một năm trước vụ tấn công 11/09, hắn ta không hề lẩn trốn sâu. Hắn ta đã thuyết giáo trong nhà thờ Hồi giáo Kandahar. Hắn nói chuyện công khai trên điện thoại vệ tinh của mình. Thậm chí hắn đã thực hiện các cuộc phỏng vấn trên truyền thông, bao gồm một cuộc phỏng vấn với nhà báo Peter Arnett của CNN và một cuộc phỏng vấn với phóng viên John Miller của ABC News. Chẳng lạ sao khi những nhân vật truyền thông này có thể tìm thấy bin Laden mà không phải là chính phủ ông Clinton? [Vì vậy], không ngạc nhiên khi bin Laden cảm thấy mình đã được khích lệ lòng dũng cảm để tấn công vào Hoa Kỳ một cách tàn nhẫn và thảm khốc đến như vậy.
Lại tiếp đến ông Obama, người mà bản thân đã đối mặt với cuộc khủng hoảng Trung Đông vào năm 2011, còn được gọi là Mùa xuân Ả Rập. Đây là một cuộc cách mạng bản địa, một phản ứng đối với tình trạng đàn áp và tham nhũng đang rất phổ biến ở các quốc gia Hồi giáo ở Bắc Phi và Trung Đông. Tuy nhiên, kết quả đáng chú ý nhất của Mùa xuân Ả Rập là sự sụp đổ của một đồng minh lớn của Hoa Kỳ, ông Hosni Mubarak của Ai Cập, bị ứng cử viên của nhóm Hồi giáo cực đoan, Tổ chức Anh em Hồi giáo (The Muslim Brotherhood) thay thế. Trong khi đó, bản thân trong nội bộ chính quyền Iran đã có những biến động nhưng họ vẫn tồn tại một cách nguyên vẹn và không bị tổn hại.
Ông Obama đã đóng một vai trò tích cực không chỉ trong việc khích lệ Tổ chức Anh em Hồi giáo mà còn trong việc rút lại sự ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho ông Mubarak. Cũng giống như ông Carter, ông Obama đã làm điều đó với những lý do được cho là đạo đức. Ông Obama nói rằng ông phải ủng hộ tiến trình dân chủ ở Ai Cập, ngay cả khi nó tạo ra một kết quả có hại cho những lợi ích của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vào năm 2009, khi xảy ra các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ cũng lớn không kém ở Iran, ông Obama đã im lặng. Ông đã từ chối ủng hộ phong trào dân chủ này, phong trào mà cuối cùng đã bị những kẻ Hồi giáo đè bẹp. Điểm mấu chốt là: ông Obama, giống như ông Carter và ông Clinton, đã theo đuổi các chính sách làm suy yếu các đồng minh của Hoa Kỳ và các lợi ích của Hoa Kỳ, đồng thời tiếp sức cho những kẻ công khai đối địch với Hoa Kỳ.
Vì vậy, lần này chúng ta có thể trông đợi điều gì từ chính phủ ông Biden? Chắc chắn không phải là một sự suy xét từ những bài học trong quá khứ. Tôi e rằng điều chúng ta có thể trông đợi là đội ngũ này sẽ cư xử như Đảng Dân Chủ. Họ sẽ run rẩy và trì hoãn theo cái cách mà sẽ làm nản lòng đồng minh Israel của chúng ta và khuyến khích những kẻ Hồi giáo cực đoan liên kết với Chính quyền Palestine ở Bờ Tây và Hamas ở Dải Gaza. Israel có khả năng tồn tại và thậm chí có thể chiếm ưu thế, nhưng nếu họ có làm được điều đó thì cũng chẳng phải là nhờ vào sự trợ giúp của đội ngũ chính sách đối ngoại vô dụng đó, những kẻ đang điều khiển màn kịch này trong khi ông Biden thì ngồi bất động và nhìn vu vơ vào khoảng không.
Dinesh D’Souza là tác giả, nhà làm phim và người dẫn chương trình hàng ngày trên chương trình phát thanh Dinesh D’Souza.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Dinesh D’Souza thực hiện
Tịnh Nhi biên dịch
Xem thêm: