Khi xảy ra động đất có nên lập tức chạy ra khỏi nhà? 4 hành vi nguy hiểm cần chú ý
Những năm gần đây, động đất xảy ra nhiều trên gắp thế giới. Mới đây, vào lúc 1h41 sáng ngày 23/3, nhiều người dân Đài Loan bị đánh thức bởi cơn địa chấn mạnh 6.6 độ richter, thậm chí có người sợ hãi bỏ chạy ra ngoài. Vậy phải làm gì để được an toàn khi có động đất xảy ra? Có 4 loại hành vi được cho là nguy hiểm.
Điều gì sẽ xảy ra nếu một trận động đất xảy ra đột ngột?
Nửa đêm xảy ra động đất đột ngột thì phải làm sao?
- Nhanh chóng lấy điện thoại di động, thoát ra bên ngoài, thông báo tình trạng trên mạng xã hội
- Trốn trong “tam giác vàng” gần tủ quần áo cho đến khi trận động đất kết thúc.
- Nhanh chóng ra khỏi giường và mở cửa phòng, sau đó tìm thứ gì đó để chặn cửa tránh việc khung cửa không bị biến dạng và bị mắc kẹt trong nhà.
- Tiếp tục nằm trên giường, khuỵu gối, dùng gối bảo vệ đầu và cổ.
Và câu trả lời đúng là phương án 4.
Ông Thái Tông Hàn (Cai Zonghan), Trưởng phòng Phòng cháy chữa cháy của Sở Cứu hỏa thành phố Cao Hùng, Đài Loan, cho biết nếu động đất xảy ra mà mọi người vẫn đang nằm trên giường, thì tuyệt đối không được vội vàng ra khỏi giường, vì tốc độ rung lắc có thể khiến một người ngã và bị thương. Việc cần làm lúc này là quỳ trực tiếp trên giường và dùng gối để bảo vệ đầu và cổ.
Ông Thái nói rằng, khi xảy ra động đất, cho dù người đó đang ở đâu, phương pháp chính xác và đáng tin cậy nhất là tuân theo nguyên tắc “DCH”: Nằm xuống (Drop), Che chắn (over), Ổn định (Hold on).
Khi động đất xảy ra, trước tiên hãy đặt khuỷu tay và đầu gối của bạn trên mặt đất ở tư thế quỳ gối để tránh bị ngã, đồng thời dùng cánh tay bảo vệ đầu và cổ để tránh bị thương do đồ vật rơi xuống. Nếu có bàn gần đó, hãy núp dưới gầm bàn và dùng hai tay giữ lấy chân bàn.
Nếu không có bàn gần đó, thực hiện DCH ngay tại chỗ hoặc bên cạnh, tùy thuộc vào tình hình xung quanh, gần một cái cột tương đối chắc chắn, gần một góc không có đồ đạc lớn hoặc chỉ có đồ đạc thấp. Và lưu ý cần tránh xa những nơi có tấm kính lớn, đèn chiếu sáng,… có thể bị rơi, rớt.
4 hành vi nguy hiểm tại thời điểm xảy ra động đất
Ông Thái Tông Hàn nói rằng, lúc xảy ra động đất mà chạy ra ngoài trời, trốn trong “tam giác vàng”, chạy ra để mở cửa… là những hành vi nguy hiểm.
Hành vi nguy hiểm 1: Vội vàng chạy ra khỏi nhà khi có động đất.
Nhiều người nhanh chóng chạy ra khỏi nhà khi xảy ra động đất. Tuy nhiên, trong quá trình chạy thoát thân này rất dễ bị thương do vật rơi, vật văng vào người. Ngoài ra, lúc này khó đứng vững, rất dễ bị ngã trong lúc chạy. Ngay cả khi bạn thoát ra ngoài nhà, các vật dụng ở bên ngoài như chậu hoa, bảng hiệu… cũng có thể rơi vào người gây chấn thương.
Mặc dù một số người sẽ giữ nguyên vị trí khi xảy ra động đất, nhưng sau khi rung lắc một lúc, họ rất dễ cảm thấy lo lắng và muốn chạy ra ngoài trời. “Không nên làm như vậy”, ông Thái Tông Hàn nhấn mạnh, bạn nên giữ nguyên vị trí và đợi trận động đất kết thúc. Ông giải thích rằng nếu động đất không lớn thì không cần phải ra ngoài, nếu động đất thực sự lớn thì sẽ khó đi ra ngoài thuận lợi mà còn tăng nguy cơ bị thương.
Hành vi nguy hiểm 2: Trốn trong “Tam giác vàng”
“Tam giác vàng” dùng để chỉ khi một tòa nhà sụp đổ, trần nhà sập xuống và va vào những đồ đạc lớn, tạo ra một khoảng trống hình tam giác bên dưới, nơi mọi người có thể ẩn náu.
Lý thuyết này dựa trên kinh nghiệm làm các thí nghiệm sập tòa nhà và “Sự kiện ngày 11/9”. Tuy nhiên, ông Thái Tông Hàn chỉ ra rằng, “vấn đề là phương pháp thí nghiệm và tình huống ngày 11/9 là khác với tình huống động đất”.
Khi một trận động đất đủ lớn để làm sập một tòa nhà, kịch bản thường xảy ra là: các vật dụng trong nhà rơi xuống trước, đồ đạc lớn bị lật đổ hoặc dịch chuyển, và dần dần bị sụp đổ ở trạng thái nghiêng.
Trong sự cố ngày 11/9, cấu trúc của tòa nhà bị phá hủy ngay lập tức, và tòa nhà bị lệch tầng; thí nghiệm là cho nổ các trụ của tòa nhà bằng cách cho nổ tòa nhà, khiến trần nhà bị đè trực tiếp xuống. Mặc dù cả hai sẽ tạo ra một không gian “tam giác vàng”, nhưng một không gian như vậy là khó có thể đoán được chắc chắn.
Lấy tủ bếp làm ví dụ, nếu trần nhà bị sập xuống, thì rất khó để phán đoán phần tủ bếp bên nào sẽ tạo thành không gian sinh tồn. Hơn nữa, khi động động đất người dân khó có thể di chuyển từ vị trí hiện tại đến bên cạnh các đồ đạc lớn, nếu động đất mạnh thì càng khó di chuyển.
Vì vậy, nếu không thể biết trước cường độ động đất và hướng sụp đổ, xác suất sống sót của việc thực hiện DCH khi động đất xảy ra sẽ cao hơn so với việc trốn mình trong “tam giác vàng”.
Hành vi nguy hiểm 3: Chạy ra mở cửa vì lo sợ khung cửa bị biến dạng.
Cường độ của trận động đất sẽ gây biến dạng khung cửa là 5 độ richter trở lên, mức độ này cũng là lúc bắt đầu gây thương vong: người bị vật rơi trúng hoặc bị ngã, bị thương khi đang di chuyển, và nghiêm trọng nhất là xảy ra tình huống sập nhà.
Do đó, trong quá trình cố gắng mở cửa, bạn đang tiếp xúc với môi trường nguy hiểm. Ngoài ra, nếu khung cửa thực sự bị biến dạng không mở được và có người bị mắc kẹt, thì cũng không ngay lập tức đe dọa đến an toàn tính mạng.
Hành vi nguy hiểm 4: Cố ý quay lại bếp và tắt bếp.
Trong trận động đất, nếu chẳng may có người đang nấu ăn cạnh bếp ga thì có thể tắt lửa ngay. Nếu không có trong bếp thì không nên chạy lại bếp để tắt lửa, mà nên trú ẩn tại chỗ trước.
Làm thế nào để bảo vệ mình trong các tình huống động đất khác nhau?
Khi động đất xảy ra, nếu một người đang tắm, lái xe ô tô, đi thang máy… thì phải có các biện pháp để tự bảo vệ mình.
Đang tắm, đang đi vệ sinh: Khi đang tắm thì xảy ra động đất, vì trên người đang có sữa tắm và nước đọng trên sàn nhà, cho nên di chuyển vội vàng có thể dễ bị trượt hoặc va đập vào đầu. Cho dù mọi người đang ở trong phòng tắm hay nhà vệ sinh, vẫn nên trú ẩn tại chỗ khi động đất xảy ra, tránh xa các mảnh kính, gương và chậu rửa lớn có thể bị vỡ. Nếu chẳng may bạn có chậu rửa mặt, khăn tắm, v.v., bạn cũng có thể dùng nó để bảo vệ đầu
Khi đi mua sắm tại các cửa hàng bách hóa, siêu thị: Nguyên tắc là trú ẩn tại chỗ, bảo vệ đầu của bạn và cố gắng tránh các kệ hàng và đèn có thể bị đổ.
Khi đang ở trong rạp chiếu phim: Tùy theo không gian, bạn có thể ngồi xổm trước ghế hoặc cúi gập người trên ghế, dùng tay bảo vệ đầu. Đừng vội chạy ra lối ra trong khi bạn đang hoảng sợ, vì rất có thể bị thương do xô đẩy.
Đi thang cuốn và thang máy: Nếu bạn đang đi thang cuốn, hãy giữ chặt tay vịn để tránh bị ngã. Nếu một người đang ở trong thang máy, hãy nhanh chóng nhấn nút của từng tầng, để thang máy có thể dừng ở tầng gần nhất càng sớm càng tốt.
Trong trường hợp bị mắc kẹt trong thang máy do thang máy hỏng do rung lắc, ông Thái Tông Hàn nhắc nhở rằng thang máy hiện nay được trang bị hệ thống thông gió, không phải là không gian bịt kín, vì vậy chỉ cần giữ bình tĩnh và chờ cứu hộ.
Khi đang lái xe: Tấp xe từ từ sang một bên đường, sau đó dừng lại và ở trong xe. Đừng vội vàng bước ra khỏi xe, vì thân xe được coi là không gian bảo vệ.
Tô Quan Mễ thực hiện
Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: