Khảo sát Pew: 9 quốc gia gia tăng quan điểm tiêu cực về Trung Quốc do đại dịch
Gần đây, một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Pew (Pew) có trụ sở tại Hoa Kỳ cho thấy quan điểm tiêu cực về Trung Quốc đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ tại 9 quốc gia.
Trong 9 quốc gia này, Thụy Điển có tỷ lệ quan điểm tiêu cực về Trung Quốc cao nhất với 85%, tiếp theo là Úc (81%), Hàn Quốc (75%), Vương quốc Anh (74%), Hoa Kỳ (73%), Canada ( 73%), Hà Lan (73%), Đức (71%) và Tây Ban Nha (63%).
Pew đã thăm dò ý kiến của 14,276 người trưởng thành ở 14 quốc gia từ ngày 10/6 đến ngày 3/8 năm nay, và công bố kết quả khảo sát vào ngày 6/10.
Trong số tất cả các quốc gia, Nhật Bản có tỷ lệ người được hỏi có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc cao nhất, ở mức 86%, mặc dù đây không phải là mức cao lịch sử đối với quốc gia châu Á này. Trong khi đó, Úc chứng kiến bước nhảy vọt lớn nhất về quan điểm tiêu cực đối với Trung Quốc, tăng 24 điểm phần trăm so với một năm trước.
Bên cạnh đó, tại Hoa Kỳ, quan điểm tiêu cực về Trung Quốc tăng 13 điểm phần trăm so với năm ngoái. Và tỷ lệ này đã tăng 20 điểm kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào năm 2017.
Mối quan hệ Mỹ-Trung đã xấu đi nhanh chóng kể từ khi chính phủ TT Trump gia tăng áp lực đối với Trung Quốc về một số vấn đề, bao gồm các hoạt động thương mại, trộm cắp tài sản trí tuệ và đại dịch hiện nay.
Pew cũng đã khảo sát quan điểm của mọi người về cách Trung Quốc ứng phó với đại dịch COVID-19, do virus Vũ Hán (thường được gọi là virus corona mới) gây ra. Virus này có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán ở miền trung Trung Quốc, đã lây nhiễm cho hơn 7.5 triệu người và khiến hơn 211,900 người ở Hoa Kỳ tử vong.
Theo cuộc khảo sát, trong số tất cả những người được hỏi, trung bình 61% nói rằng Trung Quốc đã ứng phó tệ trong việc giải quyết dịch bùng phát. Chỉ trích nhiều nhất đối với phản ứng đại dịch của Trung Quốc là ba quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản cùng Hàn Quốc (đều ở mức 79%) và Úc (73%).
Trong khi đó, ở Hoa Kỳ, 64% [người được hỏi] cho biết Trung Quốc đã thực hiện tồi tệ, cao hơn Canada ba điểm phần trăm. Dẫn đầu các quốc gia châu Âu có đánh giá tiêu cực về phản ứng đại dịch của Trung Quốc là Đan Mạch với 72%.
Những người tham gia cuộc khảo sát cũng được hỏi về quan điểm trong cách giải quyết dịch bệnh của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và đất nước họ.
Hàn Quốc có quan điểm tiêu cực nhất về WHO với 80%, tiếp theo là Nhật Bản (67%), Ý (45%), Hoa Kỳ (44%) và Úc (43%).
Trong số 14 quốc gia, chỉ có Hoa Kỳ và Anh Quốc có đa số người được hỏi, với tỷ lệ hơn 50%, nói rằng chính phủ của họ đã thực hiện tồi tệ trong việc ứng phó với dịch bệnh.
Ban đầu, Bắc Kinh đã nỗ lực hết sức để che giấu sự lây lan của virus Vũ Hán ở Trung Quốc, với việc khiến cho 8 bác sỹ lên tiếng cảnh báo phải im lặng, sau khi họ cảnh báo trên mạng xã hội Trung Quốc về một dạng viêm phổi mới vào cuối tháng 12/2019, trong đó có bác sỹ nhãn khoa Lý Văn Lượng.
Ban đầu, vào ngày 14/1, WHO đã lặp lại tuyên bố của Bắc Kinh rằng “không có bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người”. Bắc Kinh đã không thừa nhận về sự lây lan của virus cho đến ngày 20/1.
Theo báo cáo của Pew, việc Bắc Kinh giải quyết kém việc bùng phát dịch cũng “thể hiện sự tín nhiệm của người dân” đối với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trung bình 78% người dân tại 14 quốc gia được khảo sát cho biết họ không tin tưởng hoặc không mấy tin tưởng vào việc ông Tập “hành động đúng đắn liên quan đến các vấn đề thế giới.”
Tại Hoa Kỳ, 55% cho biết họ hoàn toàn không tin tưởng và 22% nói rằng họ không tin tưởng nhiều vào ông Tập.
Trong số ba quốc gia châu Á được khảo sát, Nhật Bản tỏ ra ít tin tưởng nhất đối với ông Tập, với 53% nói không tin tưởng và 31% nói không mấy tin tưởng.
Ở châu Âu, Thụy Điển và Pháp có tỷ lệ người nói hoàn toàn không tin tưởng [ông Tâp] cao nhất, đều ở mức 56%.