Khảo sát: Hơn 60% CEO dự đoán sẽ suy thoái, 15% nói đã suy thoái
Theo khảo sát mới nhất của công ty nghiên cứu kinh doanh The Conference Board, phần lớn các CEO đang lo lắng về một cuộc suy thoái tiềm tàng sắp tới, trong khi nhiều người cũng lo lắng về vấn đề lợi nhuận biên bị dồn ép.
Cuộc khảo sát ngày 17/06 cho biết (pdf), hơn 60% CEO toàn cầu đang dự kiến một cuộc suy thoái tại địa điểm hoạt động chính của họ trong vòng 12 đến 18 tháng tới. Tâm lý này được chia sẻ bởi các giám đốc điều hành C-suite khác. 15% CEO cho rằng khu vực của họ đã rơi vào suy thoái.
Niềm tin của các CEO đang giảm đáng kể do các yếu tố khác nhau như rủi ro địa chính trị gia tăng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng mới, giá năng lượng cao, cuộc chiến ở Ukraine và lệnh phong tỏa COVID-19 ở Trung Quốc đang gây ra “áp lực đi xuống” đối với tăng trưởng kinh tế. Báo cáo cho biết, cùng với các chính sách tài khóa và tiền tệ hạn chế, những yếu tố này đang thúc đẩy “kỳ vọng suy thoái.”
“Ở Hoa Kỳ, các thước đo niềm tin của các CEO đã giảm xuống 42, mức chưa từng thấy kể từ khi bắt đầu có COVID-19, trong khi mức độ niềm tin ở Âu Châu giảm xuống 37. Mức độ niềm tin của các CEO thuộc các công ty đa quốc gia phương Tây và không phải của Trung Quốc ở Trung Quốc, nơi thực hiện đo lường niềm tin lần đầu tiên, là thấp nhất, ở mức 34. Báo cáo cho biết số liệu dưới 50 biểu thị phản ứng tiêu cực hơn là tích cực.
Theo như The Conference Board có liên quan, suy thoái toàn cầu không phải là “trường hợp căn bản” của khảo sát. Thay vào đó, lạm phát đình trệ trong một thời gian ngắn, trên toàn thế giới hoặc ở một vài nền kinh tế lớn, có “khả năng xảy ra lớn hơn” so với suy thoái trong 18 tháng tới, tổ chức này cho biết.
The Conference Board dự kiến GDP toàn cầu sẽ tăng 2.9% vào năm 2022 và 2.3% vào năm 2023. Tuy nhiên, công ty cảnh báo rằng một sự kiện cực đoan duy nhất hoặc sự kết hợp của một số sự kiện bất lợi nhỏ hơn có thể “đẩy thế giới trở lại suy thoái.”
Các doanh nghiệp cũng lo lắng về lạm phát dẫn đến tình trạng biên lợi nhuận bị dồn ép, một tình huống khi chi phí đầu vào tăng nhanh hơn giá bán của một sản phẩm.
Hơn 51% CEO cho biết họ đang quản lý lạm phát bằng cách chuyển sang tăng giá sản phẩm ở hạ nguồn; 47.1% CEO đang cắt giảm chi phí, 36.3% đang hấp thụ việc tăng giá đầu vào vào biên lợi nhuận của họ, 29.8% đang tìm kiếm nguyên liệu thô thay thế và 22.9% đang thay đổi nhà cung cấp.
Một số ngân hàng đầu tư lớn cũng đưa ra lo ngại về suy thoái kinh tế. Các nhà chiến lược tại JP Morgan đang dự đoán khả năng suy thoái ở Hoa Kỳ là 85% và ở Liên minh Âu Châu là 80%. Wells Fargo ước tính Hoa Kỳ sẽ rơi vào “suy thoái nhẹ” vào giữa năm tới.
Ông Frank Sorrentino, Giám đốc điều hành của ConnectOne Bank, một công ty cho vay có trụ sở tại New Jersey, có quan điểm phản đối và khá tự tin về sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Ông Sorrentino nói với CNN: “Các doanh nghiệp vẫn nhìn thấy một bức tranh kinh tế tốt mặc dù có những tin tức tiêu cực này.”
Ông nói, “Không giống như năm 2008 và các cuộc suy thoái trước đó, vẫn có một thị trường lao động mạnh mẽ. Nhiều người đang nói rằng có lẽ điều này sẽ không quá tệ … Và bảng cân đối kế toán của công ty chưa bao giờ tốt như thế này trước những cuộc suy thoái trước đây.”
Anh Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.