Bắc Kinh có kế hoạch chặn vốn tư nhân tham gia vào ngành dịch vụ tin tức
Trung Quốc đang xem xét các hạn chế đối với nguồn vốn phi công cộng tham gia vào lĩnh vực truyền thông tin tức.
Một chuyên gia về Trung Quốc nói rằng hành động này sẽ hủy hoại các hãng thông tấn tư nhân và các ký giả.
Hôm 08/10, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã công bố danh sách “những lĩnh vực bị cấm” về quyền tiếp cận thị trường cho năm 2021 (pdf) để lấy ý kiến của công chúng. Tài liệu dài 78 trang này bao gồm chủ đề hạn chế “vốn ngoài khu vực nhà nước” tham gia vào việc thu thập, biên tập, phát sóng tin tức và tham gia vào việc thành lập và hoạt động của các tổ chức tin tức.
Các nhà quản lý đang đề nghị cấm vốn tư nhân trong một loạt các hoạt động kinh doanh hàng ngày của các hãng thông tấn. Thông tấn China News Service của nhà nước cho biết, nguồn vốn tư nhân không thể được sử dụng để điều hành các trang, tần số vô tuyến, kênh, chương trình, tài khoản chính thức của các hãng thông tấn trên mạng xã hội, đăng lại tin tức của các tổ chức ngoại quốc, cũng như để tổ chức các diễn đàn, hội nghị thượng đỉnh, và các sự kiện trao giải trong ngành.
Vốn tư nhân cũng sẽ không được phép sử dụng để phát trực tiếp các sự kiện lớn liên quan đến “quan điểm, ý kiến công chúng, hoặc giá trị về chính trị” trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, y tế, thể thao, công nghệ và giáo dục.
Đề nghị ban hành hành lệnh cấm này sẽ bao gồm các dịch vụ tin tức, tạp chí, đài truyền hình, và các nhà cung cấp dịch vụ tin tức internet.
Mười một năm trước, hôm 01/01/2010, cơ quan báo chí và xuất bản hàng đầu của Trung Quốc đã “khuyến khích vốn của ngoài nhà nước” tham gia vào lĩnh vực truyền thông một cách có trật tự, cũng như hợp tác với các công ty xuất bản nhà nước và mở rộng hoạt động kinh doanh của họ trong thị trường ngoại quốc.
Nhà bình luận Văn Chiêu (Wen Zhao) của Trung Quốc hiện đang sống tại Toronto đã mô tả bản danh sách được đề nghị trên kênh YouTube của mình hôm 11/10 như một bản án tử hình đối với các hãng thông tấn tư nhân và nhân viên truyền thông độc lập của Trung Quốc.
Ông Văn nói: “Danh sách này là dấu hiệu về hành động bịt miệng lớn hơn của các nhà chức trách Trung Quốc nhằm chuẩn bị cho những ‘cơn bão lớn hơn sắp tới’, đề cập đến những bất ổn xã hội và kinh tế tiềm tàng trong tương lai.
Ông đặc biệt đề cập đến hai tổ chức tin tức tư nhân có ảnh hưởng, Caixin Media và Guancha, mà ông tuyên bố đang bị đe dọa.
Chuyên gia cho biết những hạn chế mới sẽ là một đòn nặng nề đối với hãng truyền thông đa phương tiện Caixin, được thành lập vào tháng 12/2009. Hãng truyền thông này đã có được sự nổi tiếng vô song nhờ các cuộc điều tra chống tham nhũng, trong khi hợp tác với người đứng đầu cơ quan giám sát hàng đầu của Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Vương Kỳ Sơn, đồng minh thân cận nhất của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Tuy nhiên, ông Văn cho biết, hãng truyền thông này bắt đầu đối mặt với những thách thức khi ông Tập dần dần xa lánh ông Vương trên chính trường.
Chuyên gia này nói: “Caixin phải từ bỏ nguyên tắc thu thập và biên tập tin tức độc lập nếu muốn tồn tại.”
Không giống như Caixin, Guancha là một trang web cánh tả ủng hộ Bắc Kinh chuyên thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc của độc giả Trung Quốc trong nước. Tuy nhiên, theo nhà phân tích, hãng này cũng sẽ gặp rủi ro vì không thuộc sở hữu nhà nước.
Cuối tháng 08/2021, chính quyền Trung Quốc đã thực hiện một làn sóng đàn áp các ký giả cá nhân. Theo báo cáo của các hãng thông tấn của nhà nước, các cơ quan quản lý đã xử lý 2,929 tài khoản, trong đó có 1,793 tài khoản đã bị đóng, và gán cho những tài khoản tung ra tin tức kinh tế tiêu cực là “những tài khoản bóp méo thông tin thị trường tài chính.”
Ông Frank Yue là một ký giả tại Canada của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề Trung Quốc. Ông cũng có bằng Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn học Anh tại Đại học Ngoại Ngữ Thiên Tân, Trung Quốc.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: