Khảo sát của ECB: Thêm nhiều công ty EU tìm cách chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc
“Rủi ro địa chính trị là yếu tố được nhắc đến thường xuyên nhất đằng sau các quyết định (tái) chuyển dịch sản xuất về Liên minh Âu Châu.”
Theo một cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB), bốn trong 10 công ty Âu Châu hoạt động tại Trung Quốc muốn chuyển dịch sản xuất ra khỏi nước này vì rủi ro đối với chuỗi cung ứng.
Theo cuộc khảo sát được công bố hôm 06/11 của ECB, 42% các công ty Âu Châu muốn chuyển đến các quốc gia gần gũi hơn về mặt chính trị, hay còn gọi là “chuyển sản xuất về các nước thân thiện” trong 5 năm tới. Chuyển sản xuất về các nước thân thiện bao gồm việc chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia có lợi thế về chính trị hoặc kinh tế nhằm giảm thiểu rủi ro địa chính trị.
ECB đã khảo sát 65 công ty lớn của Liên minh Âu Châu liên quan đến các quyết định về địa điểm và nguồn sản xuất đầu vào cũng như cách họ ứng phó với các rủi ro trong chuỗi cung ứng.
Cuộc khảo sát cho thấy gần một nửa số công ty xem “rủi ro địa chính trị là yếu tố được viện dẫn thường xuyên nhất đằng sau các quyết định (tái) chuyển dịch hoạt động sản xuất về Liên minh Âu Châu” vì họ nghĩ là rủi ro là yếu tố chính cho quyết định di chuyển theo kế hoạch của họ.
Cuộc khảo sát cho thấy: “Đối với những quốc gia gây ra hoặc có thể gây ra rủi ro cho chuỗi cung ứng trong lĩnh vực của họ nói chung, hai phần ba số người được hỏi đã đề cập đến Trung Quốc.”
55% các công ty lấy nguồn nguyên liệu quan trọng từ một quốc gia cụ thể hoặc một số ít quốc gia, và gần như tất cả đều nói rằng những nguồn cung này hiện phải đối mặt với rủi ro cao. ECB cho biết: “Phần lớn trong số này xác định Trung Quốc là quốc gia đó, hoặc một trong những quốc gia đó và tất cả đều xem đây là một rủi ro đang leo thang.”
“Trung Quốc là nguồn cung cấp đầu vào quan trọng chủ yếu và cũng là quốc gia được nhắc đến thường xuyên nhất liên quan đến các rủi ro được nhận thấy,” báo cáo lưu ý.
Về nguồn cung ứng nguyên liệu chính, 80% công ty muốn tìm nguồn đầu vào từ các quốc gia lân bang, các quốc gia lân cận hoặc/và từ các quốc gia bằng hữu, so với 55% trong 5 năm qua. Xu hướng này nêu bật nỗ lực của các công ty EU nhằm giảm thiểu rủi ro địa chính trị ngày càng tăng và tăng cường an ninh chuỗi cung ứng.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy 60% công ty cho biết những thay đổi về địa điểm sản xuất và nguồn cung đầu vào đã làm tăng giá trong 5 năm qua nhưng dự đoán xu hướng này sẽ giảm trong tương lai.
‘Thử thách và khó lường’
Cuộc khảo sát trên phản ánh xu hướng của các doanh nghiệp EU tại Trung Quốc. Phòng Thương mại Liên minh Âu Châu tại Trung Quốc (EuroCham), trong báo cáo Khảo sát niềm tin kinh doanh năm 2023 của Trung Quốc, cũng nêu bật môi trường kinh doanh đang ngày càng tồi tệ ở nước này.
Báo cáo cho thấy 64% số người được hỏi cho biết hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc trở nên khó khăn hơn vào năm ngoái.
Báo cáo cho biết: “Sự suy giảm tâm lý kinh doanh diễn ra trong ba năm qua là rất đáng kể và không thể đảo ngược chỉ sau một đêm.”
11% các công ty Âu Châu đã chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi Trung Quốc, và 20% đã cân nhắc thực hiện điều đó. Ngoài ra, 38% đã quan sát thấy “khách hàng và nhà cung cấp Trung Quốc chuyển đầu tư ra khỏi” đất nước.
Hơn nữa, 53% số người được hỏi cho biết họ vẫn chưa có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc vào năm 2023, tăng 15% so với một năm trước. 75% đã xem xét lại chiến lược chuỗi cung ứng của họ trong hai năm qua.
Báo cáo cho biết: “Do môi trường kinh doanh ngày càng thử thách và khó lường hơn của Trung Quốc, chiến lược đầu tư và hoạt động của các công ty Âu Châu đang được điều chỉnh cho phù hợp.”
Hai lý do hàng đầu khiến các doanh nghiệp EU chuyển dịch hoặc cân nhắc đến việc rời khỏi Trung Quốc bao gồm giảm thiểu tác động của việc tách rời Trung Quốc và tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng của họ. Xu hướng này cho thấy các nhà đầu tư có ý định “giảm thiểu rủi ro và xây dựng khả năng phục hồi, thay vì vì lý do kinh doanh thuần túy.”
Bà Jens Eskelund, chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Âu Châu tại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố vào thời điểm đó: “Các xu hướng tiêu cực mà chúng tôi thấy trong cuộc khảo sát năm nay liên quan và phản ánh cả những thách thức gần đây — do những bất ổn trong môi trường chính sách của Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị gia tăng — lẫn sự tồn tại dai dẳng của các rào cản tiếp cận thị trường lâu dài.”