Khám phá các di tích cổ đại dưới đáy biển tại Úc
THEO REUTERS, ngày 2/7/2020
Hôm 2/7, các nhà khoa học cho biết họ đã phát hiện các di chỉ khảo cổ dưới đáy biển, nằm ngoài khơi Tây Úc và có niên đại hơn 7,000 năm. Phát hiện này sẽ giúp họ tìm hiểu về sự phát triển văn hóa và công nghệ của những cư dân đầu tiên từng sinh sống tại đây.
Dấu vết của con người đã được tìm thấy tại hai di tích khảo cổ nằm sâu dưới đáy biển thuộc quần đảo Dampier Archipelago. Các nhà khảo cổ ở Tây Úc đã phát hiện hàng trăm công cụ làm bằng đá do thổ dân thời đó chế tạo.
Đây là các di tích dưới đáy biển đầu tiên được thừa nhận và chứng minh sự xuất hiện của nền văn minh nhân loại tại thềm lục địa Tây Úc, vốn nổi tiếng với nền lịch sử cổ đại phong phú và các tác phẩm chạm khắc nghệ thuật trên đá.
Reuters dẫn lời nhà địa chất học Mick O’Leary, đồng giám đốc dự án, cho biết: “Sắp tới, việc mà chúng tôi sẽ làm là … nghiên cứu về kỹ năng, công nghệ, cách họ chế tạo các công cụ này, để xem liệu chúng có đại diện cho một nền văn hóa khác mà chúng tôi chưa tìm ra được ở Úc hay không.”
Tại vùng biển Pilbara, các thợ lặn thuộc Đại học Flinders lặn xuống đáy biển ở độ sâu từ 2,4 mét đến 11 mét để thu gom các cổ vật tại khu vực từng là đất liền.
Nhà khảo cổ học Jonathan Benjamin, người đứng đầu dự án cho biết họ đã tìm thấy các công cụ cắt mài và búa làm bằng đá có niên đại từ hàng ngàn năm trước.
“Bạn có thể bắt đầu phục dựng những gì mà con người cổ đại đã làm và cách họ sinh sống,” ông Benjamin nói thêm.
Dữ liệu từ phát hiện này đang được phân tích để xác định niên đại chính xác, tuy nhiên việc định tuổi bằng cacbon-14 và phân tích về sự biến đổi của mực nước biển cho thấy di chỉ này có niên đại ít nhất 7,000 năm.
Ông Benjamin cho biết phần lớn các cổ vật vẫn đang nằm dưới đáy biển. Những món vớt lên đã được chụp quét để tiến hành các nghiên cứu tiếp theo, và sau đó trao cho các chủ sở hữu đất đai bản xứ, là Tập đoàn thổ dân Murujuga.