Khám phá bí mật hình thế hang Mạc Cao, Thánh địa của người tu hành
Hang Mạc Cao ở Đôn Hoàng là một trong bốn hang động lớn nhất ở Trung Hoa, cũng là kỳ tích văn minh lâu đời trong lịch sử. Trải qua hơn ngàn năm xây dựng, hang Mạc Cao đã hình thành nên một quần thể kiến trúc nghệ thuật văn hóa với 735 hang động, 4.5 mét vuông bích họa (tranh vẽ tường), 2,415 bức tượng màu, thực là thế giới Phật quốc huy hoàng, tráng lệ không nơi nào sánh kịp.
Mạc Cao là chỗ sa mạc cao ráo; quật, tức miếu trong hang động, là nơi tăng nhân tu hành, lễ Phật. Hang Mạc Cao được hợp thành bởi nhiều chùa miếu hang đá có lịch sử lâu đời, quy mô to lớn, nội dung phong phú. Sự từ bi của Phật, sự ảo diệu thăng thiên, sự kiền thành của chúng sinh, hoa văn đa sắc màu, tiên hoa thánh khiết, nở rộ bao la trong chốn u cảnh. Mỗi hang động đều có sắc màu riêng, ngoài tượng và bích họa, quy mô, kết cấu, kiểu dáng đều thể hiện phong cách nghệ thuật của nhiều thời đại khác nhau, và quỹ đạo đổi thay của việc truyền bá Phật Pháp về phía đông.
Hiểu được hình thái khác biệt như thế ở hang Mạc Cao chính là chúng ta dùng một loại phương thức khác để tìm hiểu thêm về văn hóa hang động.
Hang thiền – Tịnh thất Thiền tu
Thời Lưỡng Hán, theo sự khai mở và phát triển của con đường tơ lụa, từng đoàn tăng nhân ôm ý nguyện to lớn là tu hành và hoằng pháp, tiến vào Đông Thổ, mở đầu cho con đường truyền bá Phật giáo về phía Đông. Đôn Hoàng là đầu mút phía tây của hành lang Hà Tây, là trạm dừng đầu tiên du nhập Phật Pháp. Thời Ngũ đại và thời Thập lục quốc (mười sáu nước), Đôn Hoàng thuộc Lương Châu, là trung tâm Phật giáo phương Bắc. Rất nhiều cao tăng và đại đức dừng chân ở vùng đất này, cống hiến cả đời để thúc đẩy sự phát triển phồn vinh của Phật Pháp.
Kiến Nguyên năm thứ 2 trước thời Tần (năm 336), có một tăng nhân tên là Nhạc Tổn, vân du đến Đôn Hoàng. Ông dốc chí tu hành, một mực tìm kiếm nơi có thể thanh tĩnh tu luyện. Đi qua một hang có suối nước chảy qua, đến giữa núi Tam Nguy và Minh Sa, bỗng nhìn thấy trên núi Minh Sa có ánh sáng vàng kim rực rỡ, hiện ra pháp tướng trang nghiêm của ngàn vị Phật. Ông lĩnh ngộ được, đây chính là thánh địa mà bản thân đang kiếm tìm, bèn đục mở hang động đầu tiên trên vách núi cao chót vót.
Đây chính là mối duyên khởi của hang Mạc Cao. Phật giáo từ Ấn Độ truyền đến, cách tu hành và lễ bái của tăng lữ Ấn Độ cũng tự nhiên truyền vào vùng đất Trung Hoa rộng lớn. Việc đục mở hang đá rất phổ biến ở Ấn Độ. Do khí hậu nơi đó nóng nảy, mùa mưa kéo dài, tăng nhân đục hang trong núi, vừa mát mẻ dễ chịu lại tránh được mưa, thích hợp để ẩn cư tu hành.
Khí hậu phía bắc Trung Hoa và Ấn Độ khác biệt, nhưng mọi người vẫn nóng lòng muốn tu thiền trong hang động, cuối cùng có hang động do Lạc Tổn khai mở, gọi là “hang thiền”. Hang Mạc Cao hiện còn một hang đá có lịch sử sớm nhất, hang số 268 dựng thời Bắc Lương (hơn 1,600 năm trước) cũng thuộc loại này.
Đây là hang nhỏ có nhiều phòng, phòng chính chỉ cao bằng thân người, cấu trúc tổng thể có hình chữ nhật, đỉnh bằng. Chính giữa phòng là lối đi dài, hẹp không đến một mét, hai bên nam-bắc tổng cộng có bốn gian phòng nhỏ, mỗi gian chỉ chứa được một người ngồi, trong hang trang trí đơn giản, trong khám thờ Phật ở tường vách phía tây có một tôn tượng Phật ngồi xếp bằng, khuôn hình vuông vức, tĩnh hòa, áo cà sa màu đỏ ôm sát cơ thể; xung quanh dùng phép vẽ trộn màu của Tây Vực vẽ bầu trời, tượng Bồ Tát, vì hiện tượng phai màu nên hiện ra nét vẻ đơn sơ, chất phác, thể hiện đặc trưng kỳ lạ.
Hang thiền chủ yếu làm nơi để tăng nhân tọa thiền tu hành, quy mô hơi nhỏ và chú trọng tính thực dụng. Ngoài ra, hang Mạc Cao còn phân chia hai khu vực nam – bắc, những hang động có nhiều thành tựu nghệ thuật nổi tiếng chủ yếu tập trung ở khu phía nam, giống như điện đường lễ Phật. Hang ở khu phía bắc có mật độ dày mỏng không đều, không có các tượng điêu khắc hoặc vẽ màu, theo nghiên cứu của các học giả thì các hang này chuyên làm nơi để các tăng nhân sinh hoạt, tu hành, có hang thiền, hang cất chứa đồ (chứa lương thực), hang chôn cất (mai táng những người chết), giống như một tòa chùa miếu giản dị, đơn sơ, thể hiện nét đặc sắc của Phật giáo Ấn Độ thời kì đầu.
Hang trụ tháp trung tâm – Quán tượng tu thiền
Thời Nam Bắc triều, Phật giáo Trung Quốc hình thành sự sai biệt ở hai phương nam, bắc. Phật giáo phương Bắc là tín ngưỡng của toàn dân, chú trọng tu trì và sùng bái, hoạt động Phật giáo lấy tu hành, tọa thiền, tạo tượng làm chủ. Tu thiền cần quán tượng, quán tượng giống như nhìn thấy đức Phật, do đó hoạt động đúc tượng rất hưng thịnh.
Thời Phật Thích Ca Mâu Ni truyền pháp, không chủ trương thiết lập tượng thờ, tăng đồ dùng tháp Phật, cây Bồ đề, thủ ấn làm vật tượng trưng thay thế cho Đức Phật, tiến hành lễ bái, từ đó ở Ấn Độ đã xuất hiện “Hang Chi đề”. Chi đề tức là tháp, vốn là nơi để xá lợi Phật, tín chúng đi vòng quanh trong hang, quán tượng lễ bái. Hang Chi Đề theo sự truyền nhập của Phật giáo vào đất Hán liền được bản địa hóa biến thành hang trụ tháp trung tâm, cũng là loại hang mang tính chủ lưu thời Bắc triều.
Lấy hang số 254 làm ví dụ, trong khoảng trời đất nhỏ bé này, trụ tháp ở giữa hang là phần tuyệt mỹ nhất. Phối hợp cùng không gian phòng chính hình vuông, trụ tháp từ hình tròn đã biến thành hình vuông, bốn phía khám thờ dựng tượng, tranh vẽ trang trí với nhiều màu sắc đan xen, vô cùng hoa lệ. Khám chính của trụ tháp là khám tròn ở phía đông, bên trong có tôn tượng Di Đà ngồi xếp bằng. Ba phía còn lại có tượng Phật Đà thiền định. Trụ tháp không nằm ở phần trung tâm của gian chính mà hơi lệch về sau (phía tây), tạo thành khoảng không gian tiền thất (phía trước gian) rộng rãi, làm nơi tăng đồ tụ tập, lễ Phật, các không gian khác chủ yếu dùng để đi vòng quanh quán tượng Phật.
Hang động thời Bắc triều, phần nhiều chịu ảnh hưởng văn hóa nơi khác, nhưng sự xâm nhập của văn hóa Trung Hoa đã bắt đầu lộ ra. Ví như tạo hình dốc chữ “nhân” ở đỉnh hang tiền thất. Dốc chữ nhân là hình dáng điển hình trong kiến trúc dựng nhà gỗ truyền thống của Trung Hoa, phần đỉnh hang còn bố trí hai bên một “đòn tay”, hai thanh “xà ngang” theo kiểu “ăn mộng phần đầu” (thuật ngữ chuyên ngành gọi đây là giao nguyên), phảng phất đỉnh nhà Trung Nguyên trong hang động Phật giáo.
Hang điện đường – Đại điện lễ Phật
Thời nhà Tùy và nhà Đường, nam bắc thống nhất, Phật giáo trên đất Hán có được sự dung hợp, tất cả đều có đặc điểm “thiền lý đều trọng, định tuệ song tu”, bắt đầu thịnh hành việc lấy Tịnh Độ Tông làm đại biểu cho Phật giáo Đại thừa. Do thế nước cường thịnh, võ lực hùng mạnh, nghệ thuật phồn vinh, nhiều nhà hội họa, thợ thủ công từ Trung Nguyên, đặc biệt là đô thành Trường An đến Đôn Hoàng. Những kiểu tranh thời thượng, kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật ca múa, cũng dồn dập không dứt truyền vào Đôn Hoàng.
Hang Mạc Cao theo đó cũng có diện mạo mới, trong hang trụ tháp trung tâm, hình dáng trụ tháp không ngừng thay đổi: bốn mặt trụ tháp đảo ngược thành “kiểu núi Tu Di”; trụ tháp bỏ đi, thay bằng kiểu đàn thờ Phật; bỏ đi đàn thờ Phật chuyển sang hơi hướng hang động kiểu Trung Quốc hình vuông đẹp mắt.
Hang điện đường phảng phất kiểu xây dựng điện đường của Trung Quốc, có hình dạng cơ bản từ thời Đường đến các triều đại về sau, chính là kiểu hang đá thường thấy nhất ở Đôn Hoàng, kéo dài liên tục trong thời gian dài. Gian phòng chính bỏ đi trụ tháp, xây dựng đàn thờ Phật, khiến không gian bên trong trở nên rộng rãi hơn; đỉnh hang cũng thay đổi thành “kiểu đỉnh như cái đấu lộn ngược” thuộc phong cách Trung Quốc, giúp phân tán trọng lực bên trên, tăng thêm chiều cao cho gian phòng.
Đỉnh như cái đấu lộn ngược, là kiểu phần đỉnh dốc nghiêng về bốn phía, hình như cái đấu lộn ngược, khiến kết cấu hang động vững chắc hơn. Những thay đổi như trên đủ để dung nạp thêm nhiều tôn tượng, cùng tranh “kinh biến” khổ lớn trên toàn bộ vách động, trợ giúp cho hoạt động tụ họp, giảng kinh, lễ bái của tăng đồ, tín chúng, thể hiện được giáo nghĩa tư tưởng “phổ độ chúng sinh” của Phật giáo Đại thừa.
Thời Đường là thời kì hoàng kim của văn hóa Trung Hoa, cũng là thời đại đỉnh cao của nghệ thuật ở hang Mạc Cao. Hang số 220 ở Mạc Cao có niên đại thời Sơ Đường chính là tác phẩm mẫu mực thời kỳ này. Dưới ảnh hưởng của nghệ thuật Trung Nguyên, nhóm các thợ thủ công đã sáng tạo ra hang điện đường với hình hài vuông vức, ngay chính, không gian thoáng rộng, thông qua nghệ thuật đắp vẽ vô cùng tinh xảo, khắp hang triển hiện ra phong khí sôi động thời Đại Đường.
Vách chính trong hang (vách phía tây) dựng khám, trong đó hiện còn năm tôn tượng được thời sau trùng tu, ở giữa là Phật Thích Ca Mâu Ni, hai bên bài trí hai tượng đệ tử A Nan, Ca Diếp cùng hai tượng Bồ Tát. Ba bức tranh khổ lớn trên vách là phần tinh hoa nhất. Tranh “kinh biến” tức là dùng tranh vẽ để giải thích nội hàm kinh Phật, giúp tín chúng lý giải Phật Pháp.
Vách phía nam vẽ kinh Vô Lượng Thọ (giải thích về Tây phương Tịnh thổ), vách phía bắc vẽ kinh Dược Sư, phân biệt thế giới Tịnh thổ ở phương tây và phương đông, cũng là hình thức bố cục điển hình của tự viện vào thời nhà Đường. Hai bên vách phía đông có bố cục đối xứng giải thích kinh Duy Ma Cật. Từ đề tài tranh vẽ này có thể thấy được, loại tranh giải tích kinh điển Tịnh Độ tông là chủ thể của tranh trên vách động, trong hang đã xây nên thế giới Phật quốc cực kì phong phú và tương đối hoàn chỉnh.
Hang có tượng lớn – rộng lớn, trang nghiêm
Hang thiền, hang trụ tháp trung tâm, hang điện đường có đỉnh hình cái đấu lộn ngược, chính là ba loại hình dạng cơ bản trong hang Mạc Cao. Ngoài ra còn có loại hang rất đặc biệt, nổi tiếng về sự đồ sộ, tráng lệ và tuyệt mỹ, đặc điểm rõ ràng nhất chính là trong hang có tôn tượng Phật khổng lồ, khiến người xem bị choáng ngợp, loại hang này gọi là “hang Đại Tượng” (hang có tượng lớn)
Hiện nay, hang Mạc Cao có một kiến trúc mang tính bước ngoặt, đó là hang số 96 được dựng vào thời nhà Đường. Trải qua nhiều lần tu sửa, hang này nhìn từ bên ngoài có thể thấy nó tựa vào núi, mang kiểu cách lầu gác chín tầng màu đỏ son vượt ra giữa trời không, cũng được gọi là “Lầu chín tầng”. Trong hang tôn trí tượng Phật Di Lặc lớn nhất ở Mạc Cao, cao hơn 30 mét, hào quang rủ chiếu, hai chân rủ xuống tự nhiên, tạo hình chỉnh thể tròn đầy.
Tượng ở Mạc Cao đa phần là tượng màu làm từ đất sét, phần cốt bên trong làm bằng cây gỗ, mà tượng Phật này chính là đục đẽo ngay trong hang, lợi dụng vách đá trong gian chính, dự liệu trước phần thai đục ra hình thái cực lớn, lại bôi đất sét lên mà tạo tác. Có thể tưởng tượng được sự rộng lớn của công trình này. Vị trí đặt tôn tượng lớn này cũng rất phi thường, là tượng Phật lớn thứ ba ở Trung Quốc. Trên thế giới, đây là tượng Phật lớn nhất được điêu khắc trong nhà, cũng là tượng Phật lớn hàng đầu được đắp bằng đất sét có thai bằng đá.
Thời Đường còn xuất hiện hang có tượng lớn với hai tượng Phật nằm, là hang số 148 và 158, diễn giải cảnh đức Phật nhập niết bàn. Hai hang đá này đều có hình chữ nhật ngang, nửa phần sau dựng đàn thờ Phật hình chữ nhật cao hơn một mét, tượng Phật bài trí ở phía trên nó. Hai mắt Phật hơi khép, miệng tựa như đang cười, tay phải đặt nằm dưới đầu, hình dạng tổng thể rất uyển chuyển, mềm mại, khiến người ta có cảm giác tĩnh tại tường hòa.
Sau thân Phật nằm là quần thể nhiều tượng đệ tử Phật, thể hiện bằng hình thức đắp hoặc vẽ trên tường, phối với tháp chủ đề niết bàn là tranh diễn giải kinh, toàn bộ hang giải thích nội dung “Kinh Niết bàn”, tạo nên một thế giới niết bàn hoàn chỉnh. Vì thế, những hang này còn có tên gọi đặc biệt là “Hang Niết bàn”.
Sự thay đổi hình dạng ở hang Mạc Cao là quá trình dung hợp không ngừng của văn minh Trung Hoa và Phật giáo Ấn Độ, mới tạo nên kiến trúc hang động vô cùng tinh mỹ. Nó là nghệ thuật thần thánh, là tín ngưỡng được ngưng tụ, củng cố, là viên minh châu sáng chói mãi mãi giữa hoang mạc.
Vương Du Duyệt biên tập
Thiên Lý biên dịch
Quý độc giả xem bản gốc từ Epochtimes Hoa ngữ
Xem thêm: