Khai thác cát đã tàn phá hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc như thế nào
Trong hơn hai thập kỷ, các tàu nạo vét đã hút một lượng lớn cát từ dưới lòng hồ và trên bờ hồ Bà Dương ở tỉnh Giang Tây, miền đông Trung Quốc, khiến cho chức năng hoạt động của hệ sinh thái hồ này bị biến đổi nghiêm trọng.
Nhiều thập kỷ đô thị hóa diễn ra hàng loạt ở Trung Quốc đã thúc đẩy nhu cầu về cát để làm kính, bê tông và các vật liệu khác sử dụng trong xây dựng. Loại cát được ưa chuộng nhất cho ngành công nghiệp là đến từ sông và hồ chứ không phải là từ sa mạc và đại dương. Phần lớn cát được sử dụng để xây dựng các siêu đô thị của nước này đến từ hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc.
Reuters đã hợp tác với Earthrise Media, một nhóm vô vụ lợi chuyên phân tích hình ảnh vệ tinh, để lập bản đồ về những thay đổi đường bờ của hồ Bà Dương kể từ năm 1997, qua đó biểu thị lượng cát đã bị khai thác.
Hồ Bà Dương là một cửa xả lũ chính của sông Dương Tử, con sông thường chảy tràn vào mùa hè và có thể gây ra thiệt hại lớn cho mùa màng và tài sản. Vào mùa đông, nước của hồ này lại chảy ngược ra sông Dương Tử.
Việc khai thác cát trên sông chính, các phụ lưu và hồ của nó được cho là nguyên nhân gây ra mực nước thấp bất thường vào mùa đông trong hai thập kỷ qua. Việc này cũng khiến chính quyền khó khăn hơn trong việc kiểm soát lưu lượng nước vào mùa hè.
Vào tháng Ba, chính quyền Trung Cộng đã chuyển sang hạn chế các hoạt động khai thác cát ở một số khu vực và bắt giữ những người khai thác trái phép, nhưng họ đã đột ngột dừng một lệnh cấm toàn bộ việc khai thác cát.
Mực nước thấp có nghĩa là nông dân có ít nước để tưới tiêu hơn, đồng thời thu hẹp môi trường sống của chim và cá.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình từng mô tả hồ Bà Dương như một “quả thận” thiết yếu để lọc nguồn cung cấp nước cho đất nước. Hiện nay, hồ này trông khác nhiều so với hai thập kỷ trước.
Ngoài việc bị tàn phá bởi khai thác cát, hồ Bà Dương hiện còn phải đối mặt với một mối đe dọa môi trường mới. Các kế hoạch xây dựng một cửa cống dài 3km (1.9 dặm) làm gia tăng mối đe dọa lên hệ sinh thái của hồ, vốn là một khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia và là nơi cư trú của các loài nguy cấp như cá heo sông Dương Tử hay còn gọi là cá heo không vây.
Việc bổ sung một cửa cống để điều tiết lưu lượng nước sẽ phá vỡ sự lên xuống tự nhiên giữa hồ Bà Dương và sông Dương Tử, điều này có khả năng đe dọa đến các bãi bùn vốn là nơi dừng chân kiếm ăn của các loài chim di cư.
Mất đi sự lưu thông nước tự nhiên cũng có thể gây tổn hại đến khả năng vận chuyển các dưỡng chất của hồ Bà Dương, làm tăng nguy cơ tảo có thể tích tụ và phá vỡ chuỗi thức ăn.
Do Manas Sharma và Simon Scarr thực hiện
Với sự đóng góp của Reuters
Thiện Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: