Kêu gọi tẩy chay phim Hoa Mộc Lan của Disney do liên kết với chính quyền Tân Cương
Hãng Disney đang thu hút sự chú ý khi thực hiện các cảnh quay cho bộ phim hành động “Hoa Mộc Lan” ở vùng Tân Cương, Trung Quốc, nơi có hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi đang bị giam giữ.
Trong phần danh sách những cá nhân, tổ chức đã tham gia thực hiện bộ phim, Disney đã cảm ơn một số cơ quan chính phủ ở khu vực tây bắc Trung Quốc, bao gồm cả Cục an ninh công cộng ở Turpan, một thành phố ở phía đông Tân Cương, cũng như Bộ phận tiếp dân của Ủy ban Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ CPC Tân Cương, là bộ phận tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc ở Tân Cương.
Vào tháng 10 năm ngoái, Cục an ninh công cộng thành phố Turpan đã bị đưa vào danh sách đen thương mại của Bộ thương mại Hoa Kỳ vì liên quan đến việc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Kể từ năm ngoái, bộ phim đã phải đối mặt với những lời kêu gọi tẩy chay sau khi nữ diễn viên chính gốc Hoa Lưu Diệc Phi bày tỏ sự ủng hộ đối với cảnh sát Hồng Kông, vốn chịu cáo buộc đã có các hành vi bạo lực đối với những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.
Vào cuối tuần qua, bộ phim mang tên “Bản Ballad của Mộc Lan” đã được công chiếu trên kênh Disney +, là bộ phim của Hollywood kể về một câu chuyện lịch sử, nói về một nữ anh hùng Trung Quốc cổ đại cải trang thành nam giới để phục vụ trong quân đội thay cho người cha đau ốm của cô.
Disney đã không phản hồi yêu cầu bình luận.
Hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi và những người Hồi giáo thiểu số khác đang bị giam giữ trong các trại giam trên khắp Tân Cương. Đây được cho là một phần trong chiến dịch trấn áp “chủ nghĩa cực đoan” của Bắc Kinh. Những người sống sót trong các trại giam đã kể lại việc họ bị tra tấn, hãm hiếp và tuyên truyền chính trị khi họ bị giam giữ. Người dân Tân Cương cũng phải tuân thủ một hệ thống giám sát mở rộng bằng mạng lưới camera an ninh được nâng cao bởi trí tuệ nhân tạo, các trạm kiểm soát và thu thập dữ liệu sinh trắc học.
Grant Major, thiết kế sản xuất của phim, gần đây đã nói với tạp chí Architectural Digest rằng nhóm sản xuất đã dành nhiều tháng ở trong và xung quanh Tân Cương để nghiên cứu trước khi bắt đầu quay. Vào năm 2017, Niki Caro, đạo diễn của phim, đã đăng một bức ảnh chụp quang cảnh sa mạc rộng lớn lên trang Instagram cá nhân kèm địa điểm được đánh dấu là “Châu Á/Urumqi”- thủ phủ của Tân Cương, với chú thích “Ngày 5 – trinh sát Trung Quốc.”
Sau khi những tiết lộ này xuất hiện trên mạng xã hội vào cuối tuần qua, các nhà hoạt động đã tăng cường kêu gọi tẩy chay bộ phim.
“Nó chỉ thêm tồi tệ hơn! Giờ đây, khi bạn xem Hoa Mộc Lan, bạn không chỉ nhắm mắt làm ngơ trước sự tàn bạo của cảnh sát và sự bất công về chủng tộc (do những gì các diễn viên chính đại diện), bạn còn có khả năng đồng lõa với việc tống giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi,” Hoàng Chi Phong, nhà hoạt động ủng hộ dân chủ nổi tiếng ở Hồng Kông đã viết trên Twitter vào ngày 6/9.
Vào hôm thứ Ba (8/9), tại quốc hội Anh , ông Iain Duncan Smith, Nhà lập pháp Bảo thủ Anh đã nói rằng việc Disney làm việc với cơ quan an ninh Tân Cương là “kinh khủng.”
“Thật đáng xấu hổ khi họ làm ngơ. Thật đáng xấu hổ khi họ hành động như những kẻ biện hộ cho một chế độ hiện nay không tồn tại bất đồng ý kiến,” ông Smith nói về các công ty phương Tây hợp tác với chính quyền Trung Quốc.
Disney không phải là công ty Mỹ duy nhất gây ra phản ứng dữ dội do có các mối liên hệ với Tân Cương. Vào tháng 7, một cuộc điều tra của kênh truyền hình thể thao ESPN tiết lộ rằng các huấn luyện viên Trung Quốc tại Học viện đào tạo trẻ của Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia (NBA) ở Tân Cương đã lạm dụng thể chất các cầu thủ. NBA sau đó xác nhận rằng họ đã chấm dứt mối quan hệ với học viện nhưng không nói rõ có phải do hành vi vi phạm nhân quyền hay không.
Vào tháng 2/2019, hãng Thermo Fisher Scientific, nhà sản xuất thiết bị phòng thí nghiệm có trụ sở tại bang Massachusetts thông báo rằng họ sẽ ngừng bán các trình tự DNA cho Tân Cương, sau khi nhận được chỉ trích từ các nhà lập pháp Hoa Kỳ rằng các sản phẩm của họ đã được chính quyền Trung Quốc sử dụng để xác định danh tính người dân trong các chiến dịch trấn áp.
Áp lực cũng gia tăng buộc các thương hiệu quần áo quốc tế phải cắt đứt quan hệ với các nhà máy ở Tân Cương, đặc biệt là sau khi các nhà nghiên cứu hồi tháng 3 phát hiện ra rằng hàng chục nghìn người Duy Ngô Nhĩ đã được chuyển đến làm việc tại các nhà máy trên khắp Trung Quốc trong điều kiện bị cưỡng bức lao động. Những cơ sở này đã sản xuất hàng hóa cho 83 thương hiệu toàn cầu.
Bên cạnh đó, chính quyền Trump đã leo thang các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền Trung Quốc vì sự ngược đãi của họ ở Tân Cương. Một số quan chức Trung Quốc và nhóm bán quân sự trong khu vực đã bị trừng phạt, trong khi hàng chục tổ chức và công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen không được làm ăn với các công ty Mỹ.
Tác giả: Cathy He