Kết thúc các chương trình bơm thanh khoản cho thị trường
Trong khi nhiều người tin rằng việc Nới lỏng Định lượng* kết thúc sẽ dẫn đến lãi suất cao hơn, nhưng thiết kế của hệ thống ngân hàng thương mại và hệ thống tiền tệ toàn cầu của chúng ta lại gợi ý ngược lại. Lãi suất nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp và có xu hướng giảm bởi những diễn biến liên quan.
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) là cơ quan đầu tiên công bố kết thúc các chương trình ‘Nới lỏng Định lượng’, tiếp đến là Ngân hàng Anh, và cuối cùng là Ngân hàng Trung ương Âu Châu. Đến cuối tháng Ba, cả ba ngân hàng trung ương này dự kiến sẽ kết thúc chương trình mua tài sản quy mô lớn, ngoại trừ Ngân hàng Trung ương Âu Châu sẽ chỉ kết thúc chương trình khẩn cấp cho đại dịch.
Cho đến nay, chỉ có Ngân hàng Trung ương Anh bắt đầu tăng lãi suất ngắn hạn, nhưng Fed dự kiến sẽ làm theo tại cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang vào tháng Ba. Ngân hàng Trung ương Âu Châu sẽ bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản thường lệ trong quý II và vẫn chưa biết liệu Ngân hàng Trung ương Âu Châu có tăng lãi suất hay không trước khi kết thúc tất cả các hoạt động mua tài sản của mình.
Các chương trình mua tài sản quy mô lớn này được công nhận là đã cứu nền kinh tế toàn cầu khỏi vực sâu của đại dịch bằng cách làm tăng giá nhà và giá cổ phiếu, thậm chí tạo ra lạm phát giá tiêu dùng. Hàng ngàn tỷ dollar tràn vào hệ thống tài chính toàn cầu và sau khi vượt qua vòng xoáy giảm phát của đại dịch, các vòi bơm thanh khoản cuối cùng cũng bị đóng lại.
Các nhà đầu tư, những người rất lạc quan về giá cổ phiếu khi tin vào sức mạnh thần thoại của các ngân hàng trung ương trong việc tăng giá tài sản, dường như lại lạc quan hơn trong ngày hôm nay. Giá cổ phiếu giảm nhẹ hoặc giảm sâu đều đang được mua mạnh vì các nhà đầu tư tin rằng giá cổ phiếu thậm chí sẽ còn cao hơn trong tương lai.
Giá cổ phiếu tiếp tục tăng mà không có sự trợ giúp của việc bơm thanh khoản của ngân hàng trung ương là điều thiếu hợp lý, nhưng các nhà đầu tư vẫn tiếp tục đổ tiền vào cổ phiếu. Ngay sau khi Fed bắt đầu điều chỉnh giảm chương trình mua tài sản, mức đỉnh của của thị trường bắt đầu lộ dần.
Với đợt giảm mua tài sản tiếp theo bắt đầu vào tuần tới (14-20/2), các cổ phiếu sẽ được thử thách để xem chúng có thể phục hồi mà không cần sự trợ giúp của Fed hay không, hay là chúng sẽ tiếp tục giảm. Trong khi các nhà đầu tư vẫn lạc quan và cam kết đổ thêm tiền vào cổ phiếu, họ cũng hoàn toàn bị thuyết phục rằng lãi suất phải tăng khi các ngân hàng trung ương ngừng mua trái phiếu.
Một số hãng tin và chuyên gia đang báo cáo rằng các [tài sản] nợ chính phủ có thể giao dịch được trên thị trường sẽ sớm tăng giá khi các ngân hàng trung ương kết thúc chương trình mua tài sản và có khả năng bắt đầu giảm quy mô bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào chứng minh rằng sẽ có một lượng lớn [tài sản] nợ chính phủ đổ bộ vào thị trường, vì các chương trình Nới lỏng Định lượng không hơn gì một sự hoán đổi tài sản.
Việc hoán đổi tài sản xảy ra khi Fed mua Trái phiếu Ngân khố Hoa Kỳ hoặc Chứng khoán bảo đảm bằng vay mua nhà từ một ngân hàng thương mại. Ban đầu ngân hàng thương mại mua trái phiếu vì tuân theo quy định phải bảo đảm các khoản tiền gửi [của khách hàng] bằng các khoản cho vay hoặc chứng khoán được trả lãi. Tất cả những gì Fed đang làm với việc hoán đổi tài sản là giảm thời hạn trung bình của chứng khoán mà ngân hàng đang nắm giữ từ 3 đến 5 năm thành tài sản có thời hạn qua đêm.
Tất cả những gì Fed đang làm là buộc các ngân hàng thương mại phải mua một số lượng cụ thể Trái phiếu Ngân khố trung và dài hạn, và Chứng khoán Bảo đảm bằng vay mua nhà với thời hạn cụ thể. Bằng cách kết thúc Nới lỏng Định lượng, các ngân hàng thương mại sẽ được tự do mua chứng khoán ngân khố hoặc chứng khoán có thế chấp trong bất kỳ thời hạn nào để bảo đảm các khoản tiền gửi của họ.
Có rất ít hoặc không có bằng chứng cho thấy các ngân hàng thương mại sẽ không tiếp tục mua trái phiếu có loại và thời hạn tương tự nếu Fed không buộc họ phải làm như vậy. Cũng không có bằng chứng nào cho thấy các ngân hàng thương mại sẽ cần ít trái phiếu hơn hoặc bán bớt trái phiếu của họ, vì tiền mặt do khách hàng gửi cần được đảm bảo bằng một khoản bảo đảm có trả lãi dưới hình thức trái phiếu hoặc một khoản vay.
Lý do duy nhất khiến các ngân hàng bắt đầu bán trái phiếu là nếu tiền gửi đột ngột bắt đầu giảm, điều này khó xảy ra, hoặc tăng trưởng của hoạt động cho vay bắt đầu vượt xa mức tăng trưởng của tiền gửi. Mặc dù có thể tăng trưởng của hoạt động cho vay có thể tăng đáng kể, nhưng kể từ cuộc Đại khủng hoảng tài chính, tăng trưởng cho vay đã giảm nhiều so với tăng trưởng tiền gửi.
Ngay cả khi không có sự hỗ trợ của Fed, lãi suất sẽ khó có khả năng tăng đáng kể do nhu cầu đối với trái phiếu từ các ngân hàng thương mại có khả năng vẫn ở mức cao. Theo báo cáo H.8 hàng tuần của Fed về Tài sản và Nợ của tất cả các ngân hàng Thương mại, nhu cầu cho vay đang đi ngang. Ngay cả khi nhu cầu cho vay tăng lên, nhu cầu của nước ngoài đối với nợ của chính phủ Mỹ vẫn ở mức cao.
Do thâm hụt thương mại lớn và dai dẳng, USD chảy ra khỏi Hoa Kỳ để chuyển sang các đối tác thương mại nước ngoài của chúng ta. Nhiều USD trong số đó được tái chế trở lại Hoa Kỳ khi các đối tác thương mại nước ngoài của chúng ta mua Chứng khoán Ngân khố Hoa Kỳ như một cách để tạo lãi suất từ khoản tiết kiệm bằng USD của họ.
Với số lượng lớn tàu vẫn neo đậu ngoài khơi bờ biển California chờ dỡ hàng, thâm hụt thương mại có khả năng vẫn lớn trong tương lai gần. Ngay cả khi tăng trưởng cho vay tăng, nhu cầu nước ngoài đối với nợ chính phủ Mỹ dự kiến sẽ vẫn mạnh trong những tháng tới.
Trong khi nhiều người tin rằng việc Nới lỏng Định lượng kết thúc sẽ dẫn đến lãi suất cao hơn, thiết kế của hệ thống ngân hàng thương mại và hệ thống tiền tệ toàn cầu của chúng ta lại gợi ý ngược lại. Lãi suất nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp và có xu hướng giảm do nhu cầu liên tục từ các ngân hàng thương mại và các đối tác thương mại nước ngoài của chúng ta.
* Nới lỏng Định lượng: là một phương thức của ngân hàng trung ương để kích thích kinh tế bằng cách mua trái phiếu cùng những tích sản khác từ các ngân hàng thương mại.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Steven Van Meter, CFP, thiết kế và quản trị các chiến lược đầu tư độc đáo. Ông có một chương trình trên YouTube, nơi người hâm mộ trên toàn cầu theo dõi để biết suy nghĩ của ông về nền kinh tế toàn cầu, chính sách tiền tệ và thị trường.
Hoàn Nguyên biên dịch
Quý vị tham khoản bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: