Kết quả thăm dò của Gallup: Người Mỹ cho rằng chính phủ là vấn đề số một hiện nay
Khảo sát lòng tin cho thấy người dân xem chính phủ là ‘phi đạo đức và không đủ năng lực’
Theo một cuộc thăm dò gần đây của Gallup, người Mỹ nói rằng chính phủ là vấn đề số một của họ, vượt qua lạm phát để đứng ở vị trí hàng đầu.
Trả lời cho câu hỏi: “Quý vị nghĩ vấn đề quan trọng nhất mà đất nước đang phải đối mặt hiện nay là gì?” 21% người Mỹ đã trả lời “Chính phủ,” tăng từ mức 15% hồi năm ngoái. Theo cuộc thăm dò vào tháng 01/2023 này của Gallup, những mối quan tâm hàng đầu khác của người Mỹ theo thứ tự là vấn đề nhập cư, nền kinh tế nói chung, sự đoàn kết của đất nước, mối quan hệ giữa các chủng tộc, nghèo đói, tội phạm, và sự suy giảm của gia đình.
“Kết quả này không có gì đáng ngạc nhiên,” ông Charles Steele, giáo sư kinh tế tại Đại học Hillsdale, nói với The Epoch Times. “Nếu chúng ta xem xét bốn vấn đề được trích dẫn nhiều nhất tiếp theo — lạm phát, nhập cư, kinh tế, và sự chia rẽ — thì mọi người biết rằng các chính trị gia và các quan chức đang làm cho những vấn đề đó trở nên tệ hơn chứ không phải là tốt hơn. Lạm phát là một ví dụ điển hình. Lạm phát hoàn toàn được tạo ra bởi chi tiêu của chính phủ và bởi chính sách tiền tệ mở rộng từ Cục Dự trữ Liên bang.”
“Có lẽ hầu hết người Mỹ nghĩ rằng chính phủ là vấn đề cấp bách nhất bởi vì hầu hết tất cả các vấn đề khác đều là một kết quả của chính sách kém cỏi và sự lãnh đạo mờ nhạt của chính phủ,” ông Chris Talgo, giám đốc biên tập tại Viện Heartland, nói với The Epoch Times. “Nếu chính phủ ông Biden không chi hàng ngàn tỷ dollar, sau những ngày tồi tệ nhất của đại dịch, thì lạm phát sẽ thấp hơn. Nếu chính phủ ông Biden không mở cửa biên giới, nạn nhập cư bất hợp pháp sẽ không phải là thảm họa như hiện nay. Và, nếu chính phủ ông Biden không dốc toàn lực vào các sáng kiến DEI của mình, thì rất có thể tội phạm sẽ không khủng khiếp như hiện tại.” Các sáng kiến DEI đề cập đến sự đa dạng, công bằng, và hòa nhập.
Người Mỹ ‘mất lòng tin sâu sắc’ vào chính phủ
Cuộc thăm dò của Gallup diễn ra sau một cuộc thăm dò của Pew Research hồi tháng 06/2022, cuộc thăm dò lần ấy cho biết: “Người Mỹ vẫn vô cùng nghi ngờ và không hài lòng sâu sắc với chính phủ của họ. Chỉ có 20% người được hỏi nói rằng họ tin chính phủ ở Hoa Thịnh Đốn sẽ làm điều đúng đắn.”
Trong khi báo cáo của Pew cho thấy đa số người Mỹ đánh giá cao chính phủ trong việc ứng phó với thiên tai và chống khủng bố, thì chỉ có 37% tán thành hiệu quả kinh tế của chính phủ. Trước khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, 54% người Mỹ tán thành hiệu quả kinh tế của chính phủ.
Phong vũ biểu Niềm tin Edelman năm 2023 (pdf), một cuộc khảo sát quốc tế thường niên, cho thấy sự ngờ vực ngày càng tăng đối với các chính phủ trên toàn cầu, với một sự sụt giảm đáng kể trong hai năm qua, trùng khớp với thời gian xảy ra đại dịch COVID-19. “Chính phủ được xem là phi đạo đức và không đủ năng lực,” báo cáo này nêu rõ.
Về những lý do có thể có đằng sau xu hướng này, báo cáo nói trên cho biết “sự lạc quan về kinh tế đang sụp đổ trên toàn thế giới, với 24 trong số 28 quốc gia chứng kiến số người nghĩ rằng gia đình họ sẽ khá giả hơn trong 5 năm tới ở mức thấp nhất mọi thời đại. … Những người ở nhóm phần tư thu nhập cao nhất sống trong một thực tế về niềm tin khác với những người ở nhóm phần tư dưới cùng, với khoảng cách hơn 20 điểm ở Thái Lan, Hoa Kỳ, và Saudi Arabia.” Niềm tin vào truyền thông cũng đã suy giảm nhanh chóng.
“Tôi tin rằng đại dịch COVID-19 là một bước ngoặt trong lịch sử Hoa Kỳ,” ông Ivan Pongracic, giáo sư kinh tế tại Đại học Hillsdale, nói với The Epoch Times. “Chính phủ đã thực hiện những hành động chưa từng có trong đại dịch, và người Mỹ dường như háo hức tin tưởng rằng chính phủ luôn nghĩ đến những lợi ích tốt nhất của chúng ta khi đánh giá và áp dụng các chính sách đó. Nhưng trong năm qua, mọi chuyện ngày càng trở nên rõ ràng rằng thực tế không phải vậy.”
“Thay vào đó, xã hội của chúng ta đã bị tổn hại rất nhiều ở hầu hết mọi khía cạnh do những chính sách đó,” ông Pongracic nói. “Các đợt phong tỏa đã dẫn đến một sự mất mát lớn trong học tập và một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần không thể vãn hồi đối với con em của chúng ta,” cũng như mức sống giảm sút và tổn thất tiền tiết kiệm hưu trí khi đồng dollar tiếp tục mất giá.
Các chính sách liên bang làm giàu cho những người thân cận nhất với Hoa Thịnh Đốn
Việc người Mỹ ngày càng mất lòng tin vào chính phủ có thể không phải là tin vui đối với chính phủ Tổng thống (TT) Biden, vốn đã chi hàng ngàn tỷ dollar để mở rộng các chương trình và trợ cấp liên bang, mở rộng phạm vi hoạt động của các cơ quan liên bang để bao gồm cả “khí hậu và công lý xã hội” và theo đuổi một chính sách năng lượng công nghiệp để thay thế ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch Mỹ bằng phong năng và quang năng. Chính phủ TT Biden đã áp đặt các chính sách cưỡng chế trong đại dịch COVID-19, bao gồm các quy định bắt buộc về đeo khẩu trang và chích ngừa. Và mặc dù những nỗ lực của họ đã bị bác bỏ tại các tòa án liên bang, nhưng chính phủ này vẫn tiếp tục đấu tranh để khôi phục các quy định bắt buộc về đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng. Yêu cầu chích ngừa bắt buộc đối với những người không phải là công dân Hoa Kỳ nhập cảnh hợp pháp vào quốc gia vẫn được áp dụng.
“Nếu người dân Mỹ thực sự tin rằng điều đó được thực hiện với các mục đích tốt, thì họ có thể sẵn sàng tha thứ,” ông Pongracic nói. “Nhưng những gì chúng ta chứng kiến là đại dịch này đã dẫn đến sự chuyển giao của cải có thể là lớn nhất từ trước đến nay từ những người có thu nhập trung bình và thấp sang những người có thu nhập cao, hầu hết những người hưởng lợi này đều liên quan mật thiết đến các chính sách của chính phủ.”
Trích dẫn các ví dụ về lợi nhuận bất thường (windfall profit) mà các ngành công nghiệp công nghệ và dược phẩm thu được, ông Pongracic nói thêm rằng “chúng ta đang ngày càng nhận ra mối liên hệ thân hữu rõ rệt giữa chính phủ và các ngành đó, với việc tuyển dụng quay vòng giữa họ. … Có vẻ như người dân Mỹ đang xem chủ nghĩa thân hữu đó với sự ghê tởm tột độ, đặc biệt là khi chủ nghĩa thân hữu đó dường như là cốt lõi của hầu hết mọi thứ mà Hoa Thịnh Đốn làm.”
Trình bày tại một hội nghị Đánh giá Quốc gia về chính phủ và kinh tế hồi tuần trước (23-29/01), ông Jason Trennert, Giám đốc điều hành của Strategas, một công ty tư vấn tài chính, lưu ý rằng “10 trong số 15 mã bưu chính (zip code) giàu có nhất nằm ở bên trong và xung quanh Hoa Thịnh Đốn.”
Người dẫn chương trình Fox News Larry Kudlow, vốn cũng có mặt tại sự kiện đó, cho biết quy mô của chính phủ liên bang tính theo tỷ lệ phần trăm GDP đã tăng từ mức trung bình lịch sử là 18% lên mức 24% của hiện nay. Nếu tính cả các chính phủ tiểu bang và địa phương, thì tỷ lệ đó lên tới 44%.
Ngoài sự phát triển của chính phủ, ông Kudlow chỉ trích việc sắp xếp nhân sự của các cơ quan liên bang có tư tưởng cấp tiến, chẳng hạn như Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), “ngay lúc này hiện đang được một thiếu niên cánh tả điều hành,” có lẽ ám chỉ đến Chủ tịch FTC Lina Khan.
Mất tự do
Việc mở rộng quyền hạn của chính phủ tương ứng với việc mất tự do và xâm phạm các quyền tự do dân sự.
Theo Chỉ số Tự do Nhân loại thường niên mới nhất được công bố hôm 26/01 của Viện Fraser, “sự tự do của con người bị suy giảm nghiêm trọng sau đại dịch virus corona. Hầu hết các lĩnh vực tự do đều giảm sút, trong đó có sự suy giảm đáng kể về pháp quyền; quyền tự do đi lại, biểu đạt, lập hội và hội họp; và tự do buôn bán.” Báo cáo lưu ý thêm rằng “Các khu vực pháp lý trong nhóm phần tư có tự do hàng đầu được hưởng thu nhập bình quân đầu người (48,644 USD) cao hơn đáng kể so với các khu vực ở các nhóm khác; thu nhập bình quân đầu người ở nhóm phần tư tự do ít nhất là 11,566 USD.”
“Tự do là một điều quý giá và sự gia tăng quyền lực của chính phủ đe dọa điều đó,” ông Steele nói. “Nhiều người Mỹ nhìn vào sự bành trướng của chính phủ với tâm trạng báo động. Đó là một điều nguy hiểm và không giúp chúng ta an toàn hơn.”
Giải pháp cho vấn đề ‘chính phủ’
“Chi tiêu của chính phủ và các chính sách liều lĩnh của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) là nguyên nhân gây ra lạm phát,” ông Christoper Whalen, cựu quan chức Fed và chủ tịch của Whalen Global Advisors, nói với The Epoch Times. “Chúng ta cần bãi bỏ Humphrey-Hawkins ngay lập tức và cắt giảm chi tiêu.”
Humphrey-Hawkins là một đạo luật năm 1978, còn được gọi là Đạo luật Toàn dụng Lao động và Tăng trưởng Cân bằng, yêu cầu Fed can thiệp vào nền kinh tế Mỹ để tối đa hóa việc làm và theo đuổi các mục tiêu công bằng, đồng thời mở ra cơ hội cho sự can thiệp nhiều hơn của chính phủ vào khu vực tư nhân. Nhưng sự leo thang gần đây trong việc chính phủ can thiệp vào các lĩnh vực như năng lượng xanh, xe điện, và thậm chí là cả sản xuất lương thực, đã khiến nhiều kinh tế gia cảnh báo rằng điều này, cũng giống như hầu hết các nỗ lực khác trong chính sách công nghiệp của chính phủ, sẽ chỉ thúc đẩy tình trạng kém hiệu quả, công nghệ lạc hậu, và mức sống thấp hơn.
Ông Trennert nói: “Chính sách công nghiệp tốt nhất là không có chính sách công nghiệp nào cả.”
“Một điều có thể nhanh chóng xoay chuyển tình thế này là cắt giảm quy định và tệ quan liêu,” ông Steele nói. “Quy định ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người Mỹ và việc giảm thiểu quy định sẽ là một cách nhanh chóng để khôi phục tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Một nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ có nghĩa là thu nhập tăng lên và lạc quan hơn nhiều. Chính phủ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho điều đó bằng cách gắn bó với vai trò đúng đắn của mình là giữ hòa bình trong nước và bảo vệ chúng ta khỏi các thế lực thù địch ngoại bang.”
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times