Kết quả thăm dò của BofA: Các nhà đầu tư giảm phân bổ cổ phiếu xuống mức thấp nhất
Một cuộc thăm dò mới cho thấy các nhà đầu tư đã cắt giảm việc phân bổ cổ phiếu xuống mức thấp nhất kể từ khi Lehman Brothers sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008–09.
Theo khảo sát hàng tháng mới nhất của Bank of America (BofA) về các nhà quản lý quỹ toàn cầu, kỳ vọng của các nhà đầu tư đối với tăng trưởng quốc tế và lợi nhuận doanh nghiệp đã giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ khi nền kinh tế Hoa Kỳ sụp đổ hơn một thập niên trước. Cuộc khảo sát này cũng đã phát hiện rằng mức độ giữ tiền mặt của các nhà đầu tư đã tăng lên mức cao nhất trong 21 năm.
Cuộc thăm dò ý kiến của các nhà quản lý quỹ đã mô tả tình hình này là “các nhà đầu tư từ bỏ hoàn toàn.”
Hiện đang có sự đồng thuận tại Wall Street về một cuộc suy thoái, với việc hầu hết các nhà đầu tư đồng ý rằng có thể xảy ra suy thoái kinh tế.
Ngoài ra, 58% các nhà quản lý quỹ thừa nhận rằng họ đang chấp nhận rủi ro thấp hơn bình thường. Đây cũng là một mức cao kỷ lục.
Trong khi đó, nghiên cứu của BofA chỉ ra rằng các nhà đầu tư muốn các doanh nghiệp củng cố bảng cân đối kế toán của họ hơn là chi tiêu nhiều hơn cho chi phí vốn hoặc mua lại cổ phần.
Nhìn về phía trước, “rủi ro” lớn nhất của nền kinh tế toàn cầu là lạm phát vẫn tiếp tục tăng cao, suy thoái kinh tế toàn cầu, các ngân hàng trung ương [thực hiện các biện pháp] cứng rắn, và các sự kiện tín dụng có hệ thống. Nhưng các nhà đầu tư không quá lo lắng về cuộc xung đột quân sự Ukraine-Nga hay việc COVID-19 xuất hiện trở lại.
Các nhà đầu tư tổ chức cũng đánh giá các giao dịch đông nhất trên thị trường tài chính hiện tại. Báo cáo tháng Bảy của BofA lưu ý rằng đồng USD có giao dịch đông nhất, tiếp theo là mua dầu thô, hàng hóa, và tài sản theo tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, và quản trị). Đồng thời, các nhà đầu tư tỏ ra lạc quan nhất đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mặt hàng tiêu dùng, và năng lượng, và hầu hết đều bi quan đối với các mặt hàng không thiết yếu, các tiện ích, và các ngân hàng.
Khi nói đến Cục Dự trữ Liên bang, những người trả lời khảo sát tin rằng nếu Chỉ số Giá Chi tiêu cho Tiêu dùng Cá nhân (PCEPI) giảm xuống dưới 4%, thì đó sẽ là lý do rất có thể để Fed “tạm dừng” việc tăng lãi suất hoặc “xoay trục” chính sách tiền tệ trong năm nay. PCEPI là thước đo lạm phát ưa thích của ngân hàng trung ương.
PCEPI đã tăng 6.3% so với cùng thời kỳ năm ngoái vào tháng Năm, giảm nhẹ so với mức cao nhất mọi thời đại là 6.6% vào tháng Ba.
Bất chấp bản chất bi quan chung của các nhà đầu tư trên thị trường này, nghiên cứu của BofA chỉ ra rằng chỉ báo tăng/giảm của Fed đang ở “trạng thái giảm tối đa”. Trạng thái này gợi ý một sự thay đổi trong thị trường chứng khoán có thể sẽ xảy ra, vì “tâm lý thể hiện cổ phiếu/tín dụng sẽ tăng trong những tuần tới.”
Các chỉ số chuẩn hàng đầu gần đây đang có động lực tích cực. Ví dụ, trong tháng qua, Chỉ số Công nghiệp Dow Jones đã tăng khoảng 4.5%, Chỉ số tổng hợp Nasdaq tăng 7.6% và Chỉ số S&P 500 đã tăng khoảng 5.3%.
Mặc dù chỉ số US Dollar Index (DXY) đã tăng khoảng 11.3% tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số đo lường đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ đã giảm gần 2% trong tuần qua.
Ông John Lynch, Giám đốc Đầu tư của Comerica Wealth Management, cho biết, đồng USD mạnh lên đã ảnh hưởng đến tiền tệ và dòng chảy thương mại, ảnh hưởng đến các thị trường phát triển và thị trường mới nổi.
Ông Lynch nói: “Người ta ước tính rằng gần 40% doanh thu của S&P 500 đến từ bên ngoài Hoa Kỳ. Do đó, sức mạnh của đồng USD gây áp lực giảm đối với cả doanh số và thu nhập, những yếu tố vốn cũng bị ảnh hưởng bởi sự dịch chuyển tiền tệ.”
Dầu thô đã giảm hơn 1% trong tháng qua, do giá dầu thô Tây Texas và dầu Brent dao động quanh mức 100 USD/thùng.
Bà Nancy Tengler, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc đầu tư của Laffer Tengler Investments, cho biết trong khi chứng khoán đã tăng trở lại trong những phiên gần đây, thì những lo ngại về suy thoái vẫn còn phổ biến.
Bà Tengler ám chỉ lợi suất Trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 và 10 năm bị đảo ngược ở mức âm-25 điểm căn bản, mức đảo ngược sâu nhất trong hơn hai thập niên. Đây được coi là một trong những chỉ số đáng tin cậy nhất về các cuộc suy thoái trong tương lai vì nó đã dự đoán chính xác gần như mọi cuộc suy thoái kinh tế trong 70 năm qua.
Bà cũng chỉ ra đồng, một kim loại công nghiệp quan trọng đã giảm 26.5% cho đến nay trong năm nay.
Bà Tengler viết trong một ghi chú nghiên cứu: “Việc bán tháo theo các hợp đồng kỳ hạn kim loại đồng đang cho thấy sự suy giảm về kinh tế và một cuộc suy thoái tiềm tàng. Chúng tôi đã cảnh báo về sự suy giảm chỉ trong khoảng một năm nay. Nhưng hiện tại, chúng ta đã có một trong những chỉ báo chính về suy thoái. Đường cong lợi suất đã đảo ngược.”
“Tuy nhiên, chúng tôi cho là việc tin rằng một cuộc suy thoái sắp diễn ra là điều hợp lý. Tất nhiên, câu hỏi là khi nào và mức độ nghiêm trọng ra sao. Và liệu thị trường đã định giá sự suy thoái [vào giá giao dịch] hay chưa. Quan điểm của chúng tôi đã được ghi nhớ ở nhiều bài bình luận trong vài tháng qua. Nếu [suy thoái] không được định giá đầy đủ, chúng tôi nghĩ rằng thị trường đang rơi gần đến đáy hơn, quay lại các mức thấp nhất của mùa xuân.”
Nhưng ông Jim Besaw, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản GenTrust, cho biết một số chỉ số cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ có thể đã rơi vào một cuộc suy thoái.
Ví dụ, ước tính mô hình GDPNow của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta đang chạy ở mức âm 1.6% trong quý hai/2022. Nếu chính xác, đây sẽ là quý thứ hai liên tiếp có GDP âm, đây là định nghĩa kỹ thuật của suy thoái.
Ông Mike Wilson của Morgan Stanley đã khẳng định trong một lưu ý cho khách hàng rằng ngay cả khi Hoa Kỳ tránh được suy thoái, “chúng tôi không tin rằng thị trường [trạng thái] giá xuống này đã kết thúc.”
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).