Kết quả điều tra: các lãnh đạo Ngân hàng Thế giới, gồm cả Giám đốc IMF, đã ép buộc nhân viên tăng thứ hạng của Trung Quốc
Theo một cuộc điều tra liên quan hôm 16/09, các lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới, kể cả bà Kristalina Georgieva, khi đó là Giám đốc điều hành, còn hiện đang là giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã gây “áp lực quá mức” lên đội ngũ nhân viên để thúc đẩy thứ hạng của Trung Quốc trong báo cáo ‘Môi trường Kinh doanh năm 2018,’ của ngân hàng này.
Báo cáo (pdf) do hãng luật WilmerHale độc lập với ngân hàng chuẩn bị theo yêu cầu của ủy ban đạo đức của Ngân hàng Thế giới, liên quan đến bà Georgieva và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới lúc bấy giờ là Jim Yong Kim, và gây ra sự chú ý đến ảnh hưởng của Trung Quốc tại tổ chức này.
Xếp hạng của Trung Quốc trong báo cáo năm 2018, được công bố tháng 10/2017, lẽ ra phải thấp hơn 7 bậc, ở vị trí 85 thay vì duy trì ở vị trí 78, tổ chức cho vay cho biết trong một đánh giá được công bố vào tháng 12/2020.
Báo cáo của hãng luật WilmerHale đã phát hiện sự thúc đẩy cho Trung Quốc dường như là “kết quả của hai loại áp lực riêng biệt mà ban lãnh đạo ngân hàng áp dụng đối với nhóm Kinh doanh.”
Báo cáo kết quả điều tra cho thấy, bà Georgieva và một vị cố vấn chính đã gây áp lực buộc nhân viên phải “thực hiện những thay đổi cụ thể đối với các điểm dữ liệu của Trung Quốc” và nâng thứ hạng của quốc gia này vào thời điểm ngân hàng đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc để tăng vốn lớn.
Báo cáo này cũng nêu rằng, các nhân viên của Ngân hàng Thế giới cũng nhận được “áp lực trực tiếp và gián tiếp” từ các nhân viên cao cấp từ văn phòng của ông Kim để thay đổi phương pháp của báo cáo nhằm nâng cao điểm số của Trung Quốc, có thể là dưới sự chỉ đạo của ông Kim.
Bà Georgieva cho biết bà không đồng ý “về căn bản với những phát hiện và diễn giải” của báo cáo kết quả điều tra và đã báo cáo tóm tắt với ban điều hành IMF. Hai năm trước, bà Georgieva rời Ngân hàng Thế giới và trở thành người đứng đầu IMF.
Để đáp lại những phát hiện này, Ngân hàng Thế giới đã quyết định loại bỏ hoàn toàn loạt báo cáo “Kinh doanh”, theo một tuyên bố được công bố hôm thứ Năm (16/09). Bên cho vay này cho rằng báo cáo kết quả điều tra “đã nêu ra các vấn đề đạo đức, bao gồm cả cách cư xử của các cựu quan chức Hội đồng quản trị cũng như các nhân viên hiện tại và/hoặc trước đây của Ngân hàng.”
Bộ Tài chính Hoa Kỳ, cơ quan quản lý cổ phần chi phối của Hoa Kỳ trong IMF và Ngân hàng Thế giới, cho biết Bộ Tài chính đang phân tích cái mà họ gọi là “những phát hiện nghiêm trọng.”
Người phát ngôn của Bộ Tài chính Alexandra LaManna nói với Reuters: “Trách nhiệm chính của chúng tôi là duy trì tính toàn vẹn của các tổ chức tài chính quốc tế.”
Các kết quả điều tra
Báo cáo điều tra cho biết, động lực tăng điểm của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm ban lãnh đạo Ngân hàng “bận rộn với các cuộc đàm phán nhạy cảm” về việc tăng vốn lớn, và khi các quan chức Trung Quốc tiếp cận các quan chức cấp cao của Ngân hàng Thế giới vì lo ngại về điểm số của nước này.
Báo cáo cho thấy, bà Georgieva đã nói với các nhà điều tra của WilmerHale rằng “chủ nghĩa đa phương đang bị đe dọa và Ngân hàng đang gặp“ rắc rối rất lớn” nếu chiến dịch [tăng vốn] không đạt được mục tiêu.”
Trong năm 2018, Ngân hàng Thế giới công bố việc tăng vốn 13 tỷ USD đẩy cổ phần cổ phần của Trung Quốc lên 6.01% từ 4.68%.
Theo báo cáo điều tra, trong năm 2017, các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần nói với ông Kim và các quan chức cấp cao khác của Ngân hàng Thế giới rằng báo cáo Kinh doanh năm 2017 không phản ánh được những cải cách của Trung Quốc. Báo cáo “Kinh doanh” xếp hạng các quốc gia dựa trên môi trường pháp lý và quản lý, mức độ dễ dàng cho việc khởi nghiệp kinh doanh, tài chính, cơ sở hạ tầng, và các biện pháp môi trường kinh doanh khác.
Báo cáo lưu ý, một tháng trước khi báo cáo được công bố, các quan chức Trung Quốc đã tăng cường chiến dịch của họ. Hãng luật WilmerHale cho biết, trong một bữa tối giữa bà Georgieva và một quan chức Trung Quốc hôm 14/10/2017, ông này đã nhấn mạnh vai trò “người chịu trách nhiệm” của Giám đốc điều hành Georgieva tại Ngân hàng để “bảo đảm” những cải cách của Trung Quốc đã được ghi nhận trong báo cáo.
Báo cáo của hãng luật WilmerHale cho biết, khi dự thảo báo cáo [Kinh doanh] năm 2018 cho thấy Trung Quốc tụt 8 bậc xuống 85, các nhân viên cấp cao từ văn phòng của ông Kim đã triệu tập cuộc họp với lãnh đạo bộ phận Kinh doanh để thảo luận về những thay đổi phương pháp luận nhằm nâng cao thứ hạng của Trung Quốc, bao gồm cả việc kết hợp dữ liệu từ Đài Loan và Hồng Kông vào điểm số của đại lục. Tuy nhiên, cách tiếp cận đó sau đó đã bị loại bỏ vì lý do chính trị.
Cá nhân bà Georgieva sau đó đã tham gia, và trong một cuộc họp hôm 18/10/2017 đã nói bà ấy hiện đang giám sát vấn đề [về Trung Quốc]. Báo cáo nêu, trong cuộc họp này, bà đã trừng phạt giám đốc phụ trách Trung Quốc lúc bấy giờ của Ngân hàng vì đã “quản lý sai mối quan hệ của Ngân hàng với Trung Quốc và không đánh giá cao tầm quan trọng của báo cáo Kinh doanh đối với nước này.”
Theo các kết quả điều tra của hãng luật WilmerHale, bà Georgieva đã yêu cầu một người tên là “Mr. Djankov” hướng dẫn bản báo cáo Kinh doanh đến khi ra ấn bản cuối cùng và ông ấy đã làm việc với bộ phận Kinh doanh để “xác định những thay đổi đối với dữ liệu của Trung Quốc mà có thể làm tăng điểm số của nước này.”
Báo cáo cho biết, các nhân viên cuối cùng đã tìm thấy ba điểm dữ liệu có thể thay đổi để nâng cấp điểm số của Trung Quốc.
Báo cáo phát hiện, sau khi bà Georgieva được thông báo về những thay đổi, bà đã cảm ơn một nhân viên đã thực hiện “một chút cho chủ nghĩa đa phương.” Hãng WilherHale [cũng] cho biết, bà cũng đến thăm nhà của một giám đốc bộ phận Kinh doanh để lấy một bản cứng của báo cáo phản ánh xếp hạng mới của Trung Quốc, cảm ơn người quản lý này đã giúp “giải quyết vấn đề” với Trung Quốc.
Báo cáo nói rằng, các nhân viên trong nhóm Kinh doanh biết những thay đổi dữ liệu là không phù hợp nhưng “cảm thấy rằng họ không thể thách thức mệnh lệnh từ Chủ tịch hoặc Giám đốc điều hành của Ngân hàng mà khiến công việc của mình trở nên rủi ro”.
Cô Cathy He là một phóng viên ở New York tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước đây cô đã từng là luật sư của chính phủ ở Úc. Cô tham gia The Epoch Times vào tháng 02/2018.
Với sự đóng góp của Reuters
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: