Keanu Reeves có một thông điệp dành cho Trung Quốc
Tấm chân tình mà Hollywood dành cho Trung Quốc đã được biết đến rộng rãi. Nhưng tình cảm của các diễn viên Hollywood dành cho Trung Quốc thì không.
Trong những năm gần đây, các diễn viên Mỹ như Michael Douglas, Michael Pitt, Frank Grillo (từng đóng một vai chính trong “Chiến Lang 2”, bộ phim Trung Quốc có doanh thu cao nhất trong lịch sử), Bruce Willis, và Adrien Brody đều đã góp mặt trong các phim truyện đánh bóng tên tuổi cho Trung Quốc.
Tất nhiên, người ta không thể thảo luận về các diễn viên và những phim truyện làm lợi cho Trung Quốc nếu không thảo luận về John Cena, một người đã táo bạo gọi Đài Loan là một quốc gia. Vì lần “lỡ lời” đó, mà anh ta đã xin lỗi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Luôn miệng. Bằng tiếng Quan Thoại lưu loát. Chỉ là những lời xin lỗi, xin lỗi, rồi lại xin lỗi. Màn trình diễn của Cena đã xứng đáng đạt giải Oscar.
Rất may, có một diễn viên không quan tâm đến việc xin lỗi ĐCSTQ. Người đàn ông đó là Keanu Reeves. Khi nói đến Trung Quốc, không giống như các diễn viên kể trên, rõ ràng là ngôi sao “The Matrix” (“Ma Trận”) đã chọn viên thuốc màu đỏ (red pill: một thuật ngữ bắt nguồn từ phim Ma Trận, nghĩa là lựa chọn nhìn thấy những sự thật không mấy dễ chịu trong cuộc sống) thay vì viên màu xanh lam (blue pill: một thuật ngữ bắt nguồn từ phim Ma Trận, nghĩa là lựa chọn phớt lờ đi sự thật và tiếp tục sống một cuộc sống an nhàn).
Sinh ra tại Beirut, hiện 57 tuổi, Reeves không chỉ là một diễn viên xuất sắc. Nam tài tử cũng là một nhạc sĩ tài năng. Ngày 03/03/2022, anh sẽ biểu diễn tại buổi Hòa Nhạc Từ Thiện thường niên lần thứ 35 tại Tibet House US, cùng với những nghệ sĩ như Patti Smith, Trey Anastasio, và Jason Isbell.
Được thành lập theo yêu cầu của Đức Đạt Lai Lạt Ma vào năm 1987, Tibet House là một tổ chức giáo dục bất vụ lợi có trụ sở tại New York, cam kết bảo tồn và bảo vệ các truyền thống triết học, nghệ thuật, và văn hóa cổ xưa của Tây Tạng.
Như tôi đã trình bày trước đây, ĐCSTQ quan tâm đến Tây Tạng vì một lý do rất cụ thể — tài nguyên thiên nhiên của vùng này. Cao nguyên Tây Tạng, nơi có hơn 46,000 sông băng, là một trong những nơi có trữ lượng nước ngọt lớn nhất thế giới. Được gọi là “tháp nước” của Á Châu, gần một phần tư tỷ người ở 10 quốc gia khác nhau trên khắp Á Châu — Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Miến Điện (Myanmar), Nepal, Pakistan, Thái Lan, và Việt Nam — dựa vào “tháp” này để lấy nước. Không còn nghi ngờ gì nữa, ĐCSTQ muốn kiểm soát nguồn cung cấp nước của lục địa này, do đó, họ bị ám ảnh về việc kiểm soát Tây Tạng.
Giữ chủ kiến
Người dân Tây Tạng đang tuyệt vọng. Trong khi hầu hết thế giới khoanh tay đứng nhìn, thì anh Reeves, khá khen cho nam tài tử này, đã sẵn sàng giữ vững lập trường. Không có gì đáng ngạc nhiên khi anh chẳng được người Trung Quốc mến mộ.
Như The Hollywood Reporter đã đưa tin gần đây, nam tài tử đã “hứng chịu sự phẫn nộ” của hàng triệu người theo chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc. “Tiểu Phấn Hồng”, một nhóm các chiến binh kỹ thuật số trẻ tuổi, hiếu chiến, sô-vanh hiện đang đề nghị rằng Reeves, và tất cả các tác phẩm trong tương lai của anh, nên bị cấm ở Trung Quốc. Ngôi sao điện ảnh này đang nhanh chóng trở thành “nhân vật không được hoan nghênh trong làng giải trí Trung Quốc” — điều này khiến cho sự sẵn lòng bảo vệ Tây Tạng của anh càng trở nên ấn tượng hơn.
Có danh tiếng được định giá ở đâu đó trong khoảng 380 triệu USD, nên Reeves không cần phải biểu diễn. Anh không cần phải làm một điều gì cả. Nhưng anh đã ngỏ ý để làm một điều gì đó. Và đó là điều đáng để ăn mừng.
Suy cho cùng, đã lâu lắm rồi kể từ khi có một tên tuổi chân chính nặng ký của Hollywood trụ vững trước Trung Quốc. Trên thực tế, đó là điều tuyệt vời nhất trong 30 năm qua.
Năm 1993, Richard Gere, khi đó là một trong những ngôi sao lớn nhất ở Hollywood, đã xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo trên khắp thế giới — đặc biệt là ở Trung Quốc. Tại lễ trao giải Oscar, Gere đã lên sân khấu để trao giải cho đạo diễn nghệ thuật xuất sắc nhất. Tuy nhiên, trước khi công bố người chiến thắng, ông Gere, một Phật tử tại gia và là bằng hữu lâu năm của Đức Đạt Lai Lạt Ma, đã hoàn toàn không trình bày như trong kịch bản, mà chỉ trích việc ĐCSTQ chiếm đóng Tây Tạng cũng như “tình hình nhân quyền tồi tệ, kinh hoàng” của nhà cầm quyền này. Vì nói ra sự thật, nên Gere đã bị trừng phạt nghiêm khắc. Ủy ban [trao giải Oscar] đã lựa chọn cấm ông tham gia các giải Oscar trong tương lai, một lệnh cấm vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Rõ ràng là Gere đã phải trả giá đắt cho sự trung thực của mình. Năm 2017, nam diễn viên này đã nói với The Hollywood Reporter rằng đã từng có (và bây giờ vẫn còn) “những bộ phim mà tôi không thể tham gia vì người Trung Quốc sẽ nói, ‘Không phải là phim có ông ấy.’” Ông cho biết thêm rằng, “Gần đây tôi đã gặp một sự cố khi có người nói rằng họ không thể tài trợ cho một bộ phim có tôi vì nó sẽ khiến người Trung Quốc khó chịu.”
Một năm trước khi diễn ra cuộc phỏng vấn khá ảm đạm này, nhạc sĩ Lady Gaga, một diễn viên đáng gờm theo đúng nghĩa của cô, đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma. Vì điều này, mà cô thấy mình đang trên cùng một chiếc thuyền như ông Gere. Nghệ sĩ này hiện đã bị cấm lưu diễn hoặc bán sản phẩm ở Trung Quốc.
Điều đó đưa chúng ta trở lại với nam tài tử Reeves. Anh giữ vững lập trường để làm gì? Tại sao anh lại gây nguy hiểm cho sự nghiệp diễn xuất của mình?
Khi nói đến điện ảnh, chúng ta không quên rằng thị trường Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới. Đối với Reeves, dường như có nhiều thứ quan trọng hơn tiền. Năm 2019, The New Yorker đã đăng một bài viết thú vị, có nhan đề “Keanu Reeves Is Too Good For This World” (“Keanu Reeves Quá Tốt Cho Thế Giới Này”). Thật khó để không đồng tình sau khi đọc bài báo này. Rõ ràng là anh ấy dường như quá tốt đối với Hollywood, một nơi đầy rẫy những người ra vẻ đức độ và những mối bận tâm hời hợt.
Trong khi nhiều diễn viên vờ như mình ủng hộ một điều gì đó, thì Reeves lại thực sự đang làm như vậy. Anh rất đáng được khen ngợi vì điều này.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được những hãng tin như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những tờ báo danh tiếng khác xuất bản. Ông cũng viết về tâm lý và các mối quan hệ xã hội, rất quan tâm đến vấn đề rối loạn chức năng xã hội và sự thao túng của truyền thông.
Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: