Kể từ tháng Chín, Trung Cộng sẽ thực hiện các quy định an toàn hàng hải mới
Từ ngày 01/09, Trung Cộng sẽ bắt đầu thực hiện “Luật An toàn Giao thông Hàng hải” mới được sửa đổi. Gần đây, Trung Cộng đã tuyên bố rằng theo luật này, [có] 5 loại tàu ngoại quốc đi vào vùng “lãnh hải” của Trung Quốc phải báo cáo với phía Trung Quốc. Chuyên gia quân sự chiến lược của Đài Loan, ông Tô Tử Vân đã bày tỏ với The Epoch Times rằng, Trung Cộng có thể sẽ áp dụng rập khuôn quy định mới này đối với các đảo đang tranh chấp, [từ đó tiếp tục] vi phạm luật pháp quốc tế đồng thời làm gia tăng xung đột trong khu vực.
Trung Cộng đã thông qua “Luật An toàn Giao thông Hàng hải” mới được sửa đổi vào ngày 29/04 năm nay, và sẽ bắt đầu thực hiện luật này vào ngày 01/09.
Ngày 27/08, tài khoản công khai WeChat chính thức “Hàng hải Trung Quốc” của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc đã đưa ra thông báo rằng: Bắt đầu từ ngày 01/09, “căn cứ theo quy định của Luật An toàn Giao thông Hàng hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, các tàu thuyền có lai lịch ngoại quốc tiến vào vùng lãnh hải của Trung Quốc cần phải báo cáo với cơ quan quản lý an toàn hàng hải.”
Thông báo nêu rõ, phạm vi áp dụng của việc yêu cầu [báo cáo] này bao gồm 5 loại tàu: tàu ngầm; tàu chạy bằng năng lượng nguyên tử; tàu chở chất phóng xạ; tàu chở hàng rời [vận chuyển] các chất độc hại, nguy hiểm như các loại dầu, hóa chất, khí hóa lỏng; cùng các tàu khác có thể gây nguy hiểm cho hoạt động an toàn giao thông hàng hải của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa theo quy định của pháp luật, luật hành chính hoặc Quốc vụ viện.
Nội dung báo cáo liên quan đến tàu thuyền bao gồm: tên tàu, hô hiệu (mã hiệu gọi tàu), số IMO, mã nhận dạng dịch vụ thông tin di động hàng hải; ngày giờ và vị trí hiện tại của tàu, tên cảng đã đậu trước đó, ngày giờ khởi hành; tên của cảng tiếp theo, ngày giờ dự kiến đến; số điện thoại vệ tinh của tàu; tên chính thức của hàng hóa nguy hiểm đang vận chuyển, số UN (nếu không có số UN, đánh dấu N/A), loại chất ô nhiễm (nếu không sử dụng, đánh dấu N/A), và tải trọng của tàu (tấn).
Chuyên gia: Các quy định mới của Trung Cộng sẽ làm gia tăng xung đột trong khu vực
Ông Tô Tử Vân, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng thuộc Viện nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan và là một chuyên gia quân sự chiến lược, trong một cuộc phỏng vấn hôm 30/08 với ký giả của Epoch Times ấn bản Hoa ngữ, ông cho biết, những quy định mới của Luật An toàn Giao thông Hàng hải của Trung Cộng cùng với Luật Cảnh sát Hàng hải có hiệu lực vào ngày 01/02/2021 sẽ làm gia tăng xung đột ở trong khu vực, tình huống [này] đã làm dấy lên những lo ngại.
Ông Tô cho biết, Trung Cộng có thể sẽ vi phạm luật pháp quốc tế khi áp dụng rập khuôn “Luật An toàn Giao thông Hàng hải” đối với các đảo nhân tạo và bãi đá ngầm ở Biển Đông.
Ông nói: “Theo luật pháp quốc tế, có hai vấn đề đối với các đảo nhân tạo và bãi đá ngầm – thứ nhất là quyền sở hữu đang bị tranh chấp, và thứ hai là các đảo và bãi đá ngầm này là đá ngầm nửa chìm nửa nổi, nghĩa là nó ở dưới biển sau khi thủy triều lên và chỉ lộ ra sau khi thủy triều xuống, về căn bản thì Trung Cộng không thể đòi hỏi các quyền lợi lãnh hải như vậy đối với các đảo và bãi đá ngầm này. Nếu Bắc Kinh bắt đầu áp dụng cái gọi là Luật An toàn Giao thông Hàng hải đối với các đảo nhân tạo và bãi đá ngầm từ ngày 01/09, thì khi các quốc gia khác tiến vào trong [phạm vi] 12 hải lý xung quanh các đảo và bãi đá ngầm này, Trung Cộng có thể sẽ gây khó dễ hoặc gây ra xung đột.”
Các tài liệu công khai cho thấy Trung Cộng đã cải tạo và tiến hành xây dựng trên các hòn đảo nhân tạo đang tranh chấp ở Biển Đông với quy mô to lớn. Hôm 13/07, tờ The Washington Times cho biết, các hình ảnh vệ tinh cho thấy quân đội Trung Cộng đã vi phạm lời hứa khi khai triển [hệ thống] cảnh báo điện tử, trực thăng lên thẳng và phi cơ giám sát trên hai hòn đảo nhân tạo đang tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời bắt đầu các chuyến bay thường lệ. Các đảo và bãi đá ngầm này đều là một phần của Quần đảo Spratly (Trung Quốc gọi là Quần đảo Nam Sa, Việt Nam gọi là Quần đảo Trường Sa), và có rất nhiều quốc gia và khu vực tuyên bố có chủ quyền với quần đảo này, bao gồm Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia.
Ông Tô nói thêm rằng Luật An toàn Giao thông Hàng hải của Trung Cộng cùng với Luật Cảnh sát Hàng hải được thông qua hồi tháng Hai năm nay sẽ làm gia tăng một số xung đột ở trong an ninh khu vực.
Luật Cảnh sát Hàng hải của Trung Cộng quy định: “Khi các quyền lợi của Trung Quốc ở trên biển bị các tổ chức và cá nhân ngoại quốc xâm phạm bất hợp pháp, hoặc khi đối mặt với tình thế nguy hiểm cấp bách của một vụ xâm phạm bất hợp pháp, cơ quan cảnh sát biển Trung Quốc có quyền sử dụng vũ khí.”
Ông Tô nói rằng: “Trung Cộng là bên đầu tiên mở rộng quá mức khái niệm lãnh hải này, và điều này cũng không thỏa đáng khi áp dụng cho các đảo nhân tạo và bãi đá ngầm. Thứ hai, đối với việc các tàu khác tiến vào ‘lãnh hải,’ Trung Cộng có thể là bên đầu tiên sử dụng vũ lực. Cả hai điều này đều không phù hợp với các quy tắc quốc tế.”
Nhà lập pháp Đài Loan: Đây là hành vi thiếu khôn ngoan “hại người hại mình” của Trung Cộng
Ông Vương Định Vũ, một nhà lập pháp Đài Loan đã viết trên Facebook vào ngày 30/08 rằng: “Biện pháp mới của Trung Cộng về căn bản chính là một hành vi thiếu khôn ngoan hại người hại mình.”
Ông Vương nói: “Nếu như lãnh hải của Trung Quốc tuân thủ các quy tắc quốc tế và được công nhận, thì không có vấn đề gì lớn cả. Nhưng nếu đó là vùng lãnh hải mà chỉ mỗi Trung Quốc công nhận trong khi không tuân thủ các quy tắc quốc tế, ví dụ như ở Biển Đông, việc tự mình vẽ ra một mảnh đất rồi nói là địa bàn của mình, còn lập ra các quy tắc, quả thật là một hành vi ngang tàng bạo ngược!”
Ông cho biết, “Trên thực chất, [Trung Cộng] đòi hỏi tàu thuyền của các quốc gia khác phải ở trên ‘hải phận quốc tế’ hoặc ‘vùng biển kinh tế’ của riêng nước đó, nếu tàu bè đi qua vùng biển do tự Trung Cộng nhận định là lãnh hải thì phải thông báo cho Bắc Kinh, đây là hành động gây ra tranh chấp một cách vô trách nhiệm.”
Ông nói rằng tàu thuyền của các quốc gia khác nhau (đặc biệt là chiến hạm, tuần dương hạm và tàu công vụ) sẽ không hề quan tâm chú ý đến các quy định đơn phương và vô lý này của Trung Quốc, sau đó vấn đề nan giải này sẽ quay trở lại Trung Quốc. “Lẽ nào … quân đội Trung Cộng sẽ khai hỏa? Hay là không dám ra tay trước các cường quốc như Hoa Kỳ mà chỉ dám uy hiếp các nước nhỏ yếu thôi?”
Ông Vương Định Vũ nói: “Cách làm này của Trung Cộng đã tạo thêm những biến số bất an cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tạo ra phiền phức cho các quốc gia khác, và một lần nữa khẳng định danh hiệu của Trung Quốc (Trung Cộng) là kẻ gây rối quốc tế.”
Hồ Vũ Long biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: