Kế hoạch mới nổi tiếng của Trung Quốc đã bắt đầu kìm hãm tăng trưởng
Như độc giả của chuyên mục này chắc đã biết, nền kinh tế Trung Quốc ngày nay đang có nhiều thứ chống lại chính nó. Nổi bật trong số các trở ngại tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc là COVID-19, nhân khẩu học già hóa, và sự chuyển dịch hoạt động thuê ngoài của phương Tây sang các nền kinh tế khác.
Giờ đây, bằng chứng đã bắt đầu chồng chất về việc kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” của Bắc Kinh, với trọng tâm là sản xuất để xuất cảng, đã gia nhập danh sách [trở ngại] này. Có thể chắc chắn rằng đây không phải là ý định của Trung Cộng và ông Tập Cận Bình khi thông qua kế hoạch, nhưng đó là cách mọi thứ đang diễn ra.
Kế hoạch Sản xuất-tại-Trung Quốc đánh dấu bước ngoặt lớn thứ hai trong chiến lược tăng trưởng của Trung Quốc. Con đường ban đầu để phát triển, được đặt ra vào cuối những năm 1970 khi Trung Quốc lần đầu tiên chấm dứt bị cô lập và tham gia vào nền kinh tế toàn cầu, là sản xuất vô số hàng hóa giá rẻ, tương đối đơn giản để xuất cảng sang các nước phát triển-quần áo, giày dép, đồ chơi, những thứ đại loại như vậy. Trong hơn 20 năm, chiến lược đó đã hỗ trợ sự phát triển bùng nổ ở Trung Quốc. Vào cuối những năm 1990, những nhà tư tưởng sáng suốt trong giới lãnh đạo Trung Quốc có thể thấy rằng cách tiếp cận tăng trưởng dựa vào xuất cảng này khiến Trung Quốc dễ bị tổn thương trước Hoa Kỳ và các nền kinh tế khác và dù sao cũng không thể có tác dụng vô thời hạn. Trước sự thúc giục của các nhà tư tưởng này, Trung Quốc đã thực hiện bước ngoặt đầu tiên trong chiến lược tăng trưởng của mình. Chính sách đã nỗ lực mở rộng nền kinh tế bằng cách phát triển phương diện [thị trường] nội địa cho các nhà sản xuất và cả dịch vụ.
Trong khoảng một năm trở lại đây, ông Tập đã tài trợ cho một bước ngoặt khác trong chiến lược tăng trưởng này. Trái ngược với những hiểu biết sâu sắc vào cuối những năm 1990, kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” của ông đặt trọng tâm của Trung Quốc vào lĩnh vực sản xuất. Kế hoạch này khác với cách tiếp cận trước đó ở chỗ nó tập trung vào các sản phẩm phức tạp hơn – ví dụ như xe điện, hàng không vũ trụ, trí tuệ nhân tạo (AI), và thiết bị sinh trắc học—nhưng [lại] đang sản xuất. Định hướng xuất cảng cũ cũng đã quay trở lại. Chắc chắn, phần lớn sản lượng được hình dung sẽ có mục đích sử dụng ở quốc nội, nhưng kế hoạch này cũng nói rõ rằng mục tiêu của Trung Quốc là trở thành điểm đến [để đặt sản xuất] cho các sản phẩm như vậy trên quy mô toàn cầu.
Cực kỳ quan trọng là Bắc Kinh, để phục vụ cho cách tiếp cận mới này, tìm cách không khuyến khích sản xuất hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Năm ngoái, ông Jack Ma, người sáng lập công ty tiêu dùng khổng lồ Alibaba Group, đã phàn nàn rằng các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc đang từ chối các khoản vay để tài trợ cho việc mở rộng công ty của ông và những công ty khác tương tự. Kể từ đó, Bắc Kinh đã sử dụng quyền lực pháp lý rộng lớn của mình để hạn chế sự mở rộng của các công ty khác hướng vào thị trường ở nội địa. Chẳng hạn, Bắc Kinh đã ngăn cản sự phát triển của công ty gọi xe Didi, và đã kìm hãm sự phát triển rất phổ biến của các doanh nghiệp dạy thêm. Bắc Kinh cũng hạn chế lĩnh vực phát triển bất động sản từng phổ biến một thời và thậm chí cả việc sản xuất theo dây chuyền cũ bên ngoài các lĩnh vực được ưa chuộng theo quy hoạch hiện tại.
Có thể về lâu dài, các lĩnh vực được nhấn mạnh trong “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế đất nước, nhưng cùng lúc, sự kiềm chế của Bắc Kinh ở những lĩnh vực khác đã làm suy giảm triển vọng tăng trưởng. Ví dụ, sản lượng thép của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng, cũng tương tự như sản lượng than. Những sự sụt giảm này không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung, mà việc làm bị mất trong những lĩnh vực này đã lan rộng sự yếu kém đó ra những lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Các hạn chế đối với lĩnh vực phát triển bất động sản thậm chí còn cắt giảm [nền kinh tế] sâu hơn. Tuyên bố rằng “nhà được xây để ở chứ không phải để đầu cơ”, chính quyền đã tăng tỷ lệ thế chấp và cấm các công ty cổ phần tư nhân huy động vốn để phát triển khu dân cư. Tất nhiên, tuyên bố chính thức này là vô nghĩa. Suy cho cùng, hoạt động đầu cơ, không thể có kết cục tốt trừ khi ai đó muốn sống trong sự phát triển. Nhưng ngay cả khi các nhà chức trách nói những điều vô nghĩa, họ có quyền lực, và các hành động của họ đã làm giảm 4% hoạt động xây dựng năm nay.
Sự đình trệ trong lĩnh vực xây dựng đã ảnh hưởng đến doanh số bán vật liệu, các loại thiết bị, và đồ nội thất, trong khi tình trạng mất việc làm trong tất cả các lĩnh vực này đã lan rộng sự yếu kém còn tồi tệ hơn trong nền kinh tế. Sự thiếu hụt phát triển cũng khiến các chính quyền địa phương mất nguồn thu đáng kể và khiến nhiều dự án cơ sở hạ tầng đã được dự kiến trông kém hấp dẫn hơn nhiều so với trước đây. Theo đó, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng cũng đã giảm khoảng 10% so với năm ngoái và những năm trước đó, ngay lập tức làm mất tác dụng của các biện pháp tăng trưởng tổng thể và từ chối cung cấp cho nền kinh tế các tuyến đường bộ, liên kết đường sắt, nhà ở, bến cảng và các cơ sở khác cần thiết cho tăng trưởng dài hạn và phát triển, bao gồm cả các mặt hàng xuất cảng được ưa chuộng bởi kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”.
Theo cách liên kết của toàn bộ các nền kinh tế phức tạp, những khoản cắt giảm này, mặc dù dường như không liên quan nhiều đến những điểm nhấn trong kế hoạch của Trung Quốc, nhưng sẽ cản trở nỗ lực mà ông Tập và Trung Cộng đã chọn để nhấn mạnh. Đó không phải là điều mà bất cứ ai, đặc biệt là các nhà hoạch định ở Bắc Kinh, có thể lường trước được. Tình huống này gợi nhớ đến những hiểu biết sâu sắc của nhà kinh tế học vĩ đại người Áo Friedrich von Hayek khi ông tuyên bố rằng không một cá nhân hoặc cơ quan lập kế hoạch nào có thể nghĩ ra được tất cả các tương tác cần thiết ngay cả trong một nền kinh tế đơn giản, và rằng cách duy nhất mà tất cả các bộ phận có thể hỗ trợ lẫn nhau là thông qua sự tương tác tự phát của hàng triệu người ra quyết định đưa ra các quyết định nhỏ trong các lĩnh vực hẹp mà họ quen thuộc—nói cách khác, là thị trường. Theo đó, những nỗ lực thu hẹp nền kinh tế của Trung Quốc sẽ gây ra tác hại, có thể là còn nhiều hơn, là trợ giúp.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Milton Ezrati là một biên tập viên cộng tác với The National Interest, một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Con người tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested, công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Cuốn sách mới nhất của ông là “Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live” (“Ba Mươi Ngày Mai: Ba Thập Kỷ Tiếp Theo của Toàn Cầu Hóa, Nhân Khẩu Học, và Cách Chúng Ta Sẽ Sống.”)
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: