Kế hoạch mới của ông Tập Cận Bình nhằm tái phân bổ của cải khiến các nhà đầu tư không yên tâm
Lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình giải thích lý thuyết của ông về Chính trị trong Kinh tế Chỉ Huy là tạo ra “một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại vĩ đại thịnh vượng, mạnh mẽ, dân chủ, văn hóa tiên tiến, hài hòa và tươi đẹp.”
Trong một bài phát biểu năm 2016, ông nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp rằng ngoài việc kiếm tiền, các doanh nghiệp phải yêu Tổ quốc và yêu Đảng Cộng sản. Hiện ông đang hoàn thiện sự can thiệp vào một hệ thống mà các công ty sẽ phục vụ lợi ích của nhà nước, tham gia vào các sáng kiến như Chiến lược Tái sinh Nông thôn và Sáng kiến Vành đai và Con đường. Đổi lại, nhà nước sẽ hỗ trợ hoạt động của các công ty này, theo hình thức hợp tác phân chia lợi nhuận.
Chính sách công nghiệp dường như là cốt lõi của nền kinh tế mới của ông Tập, khi đất nước tiến gần hơn tới chủ nghĩa tư bản nhà nước. Ông đang mở rộng vai trò của các công ty thuộc sở hữu nhà nước, kêu gọi cho việc chính quyền trung ương kiểm soát nhiều hơn khu vực tư nhân và đầu tư tư nhân, đồng thời phân bổ thị phần cho các ngành công nghiệp trong nước như vi mạch bán dẫn và pin xe điện.
Ông cũng khuyến khích thành lập nhiều công ty “sở hữu hỗn hợp” hơn, trong đó các công ty tư nhân mua cổ phần trong các công ty thuộc sở hữu nhà nước và ngược lại. Mặc dù các từ đối tác và hợp tác đang được sử dụng, những thay đổi chính sách gần đây của Trung Quốc cho thấy sự ưu tiên của khu vực công hơn khu vực tư nhân. Sự ưu tiên này dường như là sự đảo ngược các chính sách tư nhân hóa và tự do hóa kinh tế của ông Đặng Tiểu Bình vào những năm 1980 đã dẫn đến phép màu kinh tế Trung Quốc, biến Trung Quốc từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành nước giàu thứ hai.
Những biện pháp này, theo ông Tập, đang được thực hiện để tăng khả năng tự cung tự cấp và sự thịnh vượng chung của đất nước. Tầm nhìn mới của ông về một Trung Quốc thịnh vượng và bình đẳng kiểu cào bằng hơn có nghĩa là có những người đã đạt được thành công về kinh tế, chăm sóc cho những người chưa thành công. Tại cuộc họp của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương của Trung Cộng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc xác định rằng thịnh vượng chung là chìa khóa để hoàn thành công cuộc xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại. Để đạt được mục tiêu này, cần có kế hoạch thắt chặt các quy định về thu nhập cao, điều chỉnh thu nhập quá mức và để các nhóm thu nhập cao trả lại cho xã hội.
Thuật ngữ “thịnh vượng chung” gợi nhớ đến các chính sách kinh tế hà khắc của ông Mao Trạch Đông trong Cách mạng Văn hóa. Các chính sách kinh tế của ông Tập cũng được so sánh với “chính sách chỉ huy của ông Mao.” Trong thế kỷ trước, ông Mao đã phân phối lại của cải từ giới thượng lưu nông thôn, địa chủ giàu có và nông dân. Hôm nay, có vẻ như tiền sẽ bị lấy đi khỏi các doanh nhân giàu có và những đại công ty công nghệ, những người mà ông Tập cáo buộc đã tạo ra các vấn đề kinh tế xã hội có thể gây mất ổn định quốc gia.
Ông Đặng cũng sử dụng thuật ngữ “thịnh vượng chung” khi ông mở cửa Trung Quốc cho đầu tư của phương Tây. Ông Đặng có chính sách cho phép một số người giàu lên sớm hơn, nhưng với mục tiêu cuối cùng là mọi người Trung Quốc phải cải thiện mức sống của mình.
Giờ đây, những người giàu sớm hơn sẽ cần phân chia lại tài sản của họ. Ông Tập nói rằng việc phân bổ lại là cần thiết vì số người giàu ở Trung Quốc vượt quá số người giàu ở Hoa Kỳ, trong khi phần lớn đất nước, đặc biệt là các khu vực nội địa, miền Tây và nông thôn, bị tụt lại phía sau. Mục tiêu mới của ông Tập là tạo ra mức độ “công bằng xã hội” cao hơn bằng cách nâng nhiều người thoát ra khỏi đói nghèo và tăng quy mô của tầng lớp trung lưu. Một cách đương nhiên, những chính sách này sẽ gây áp lực nhiều hơn cho những người giàu có, vì thuế tài sản và thừa kế dự kiến sẽ được thực hiện.
Tỉnh Chiết Giang, một khu vực có bất bình đẳng thu nhập lớn, đã được chỉ định làm địa điểm thí điểm để phân phối lại của cải. Mục tiêu là tăng thu nhập hàng năm lên 45%, lên 75,000 nhân dân tệ (11,563 USD) vào năm 2025, và tăng tốc độ đô thị hóa lên 75%. Để đạt được mục tiêu này, người lao động đang được hướng dẫn tham gia vào thương lượng tập thể, trong khi các công ty niêm yết được yêu cầu tăng cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, và nông dân đang được khuyến khích kinh doanh nhiều hơn. Ngoài ra, các tập đoàn và cá nhân giàu có sẽ được xóa bỏ thuế đối với các khoản đóng góp từ thiện.
Ông Tập hy vọng sẽ hiện thực hóa tầm nhìn về sự thịnh vượng và bình đẳng lớn hơn vào năm 2049, kỷ niệm 100 năm Trung Cộng tiếp quản Trung Quốc. Tuy nhiên, để xoa dịu nỗi lo sợ về các chính sách kinh tế đàn áp, tương tự như những gì đã xảy ra trong Cách mạng Văn hóa, ông Tập giải thích rằng ông chỉ muốn “điều tiết hợp lý thu nhập cao quá mức” và khuyến khích những người giàu có trả lại một thứ gì đó.
Trước những tuyên bố gần đây của ông Tập về việc phân chia lại tài sản, các nhà phân tích tài chính tại ING tin rằng thuế suất ở Trung Quốc sắp tăng, bao gồm thuế thu nhập, thuế tài sản, và thuế doanh nghiệp. Gần đây, Trung Quốc đã tăng cường quy định đối với công nghệ tài chính fintech, công ty trò chơi, ứng dụng gọi xe, và giáo dục tư nhân, tất cả đều cho thấy Chính phủ này đang đóng vai trò tích cực hơn trong nền kinh tế, thắt chặt kiểm soát và tăng doanh thu thuế. Về dài hạn, các chính sách này có thể được thực hiện để tránh làm cho tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc bị trật đường ray do danh mục tài sản xấu ngày càng tăng của nước này, vào năm 2020, đã ở mức 3.02 nghìn tỷ nhân dân tệ (466.9 tỷ USD).
Tất cả những chuyển động này đều khiến các nhà đầu tư lo lắng vì lợi tức đầu tư dự kiến của họ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Ví dụ, một lệnh cấm gần đây đối với các công ty giáo dục vì lợi nhuận có thể khiến các nhà đầu tư phải chịu hậu quả. Các nhà đầu tư hy vọng sẽ kiếm được tỷ suất lợi nhuận từ các khoản đầu tư vào công ty giáo dục của họ cao hơn tỷ suất có thể kiếm được ở những nơi khác. [Tuy nhiên] giờ đây, tỷ suất lợi nhuận có thể bằng không. Tệ hơn nữa, những nhà đầu tư này sẽ khó bán cổ phiếu của mình, vì những người [có thể] mua lại [cổ phiếu] cũng sẽ hy vọng thu được lợi nhuận tích cực.
Ông Tập tuyên bố đang thực hiện các biện pháp này để bảo vệ người dân thường khỏi bị các doanh nghiệp lớn bóc lột. Nhưng người dân thường là các nhà đầu tư và nhân viên của các doanh nghiệp lớn này, và như thế, phụ thuộc vào các doanh nghiệp để kiếm sống. Các vụ phong tỏa COVID-19, chiến tranh thương mại Trung-Mỹ và một số yếu tố kinh tế và môi trường khác đã khiến tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lên mức chưa từng thấy trong nhiều năm. Những hạn chế hơn nữa đối với thương mại và tăng thuế khó có thể giải quyết được vấn đề này. Trong khi đó, cuộc đàn áp đối với của cải đe dọa sự tiếp tục đầu tư và đổi mới ở nước này.
Sau khi Trung Cộng tiếp quản Trung Quốc năm 1949, các nhà tư bản bị lăng mạ, bỏ tù và đôi khi bị sát hại. Năm 1978, nền kinh tế bắt đầu mở cửa, dưới sự lãnh đạo của ông Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên, vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 cho thấy rằng mặc dù đất nước đang tiến hành cải cách kinh tế, nhưng có giới hạn đối với những gì Trung Cộng sẵn sàng cải cách. Đến năm 2001, các doanh nhân và thương gia bắt buộc phải gia nhập Trung Cộng. Trong một bài phát biểu vào năm 2012, ông Tập nói rằng nhà nước cần tăng số lượng các cơ quan Đảng trong doanh nghiệp tư nhân. Ông Tập đang báo hiệu sự khởi đầu của các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với khu vực tư nhân, mặc dù các công ty tư nhân đã trở thành động lực rõ ràng cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Đến năm 2013, khu vực tư nhân chiếm 75% của tất cả các hoạt động kinh tế.
Chỉ ba năm sau, ông Tập bắt đầu cải tổ các công ty tư nhân và nhà nước, yêu cầu họ viết về Trung Cộng vào các bản Điều lệ Thành lập của họ. Chính sách này sau đó đã được thông qua bởi các cơ quan quản lý chứng khoán, những người yêu cầu các công ty đưa Đảng vào bộ quy tắc quản trị công ty của họ. Các công ty cũng có một Đảng ủy, đôi khi có Bí Thư Đảng ủy ngồi trong hội đồng quản trị. Một cuộc khảo sát năm 2016 cho thấy 68% công ty tư nhân của Trung Quốc và 70% công ty nước ngoài có cơ quan Đảng, trong khi một số tỉnh đặt mục tiêu thành lập cơ quan Đảng ở 95% công ty tư nhân. Các búa liềm đã được trưng bày tại Walmart, L’Oréal, Walt Disney, và Dow Chemicals, tất cả đều có cấp ủy Đảng.
Dưới thời ông Tập, trong khi Trung Quốc trở nên giàu có hơn, quốc gia này cũng đã hướng tới một chủ nghĩa cộng sản bảo thủ hơn, với việc chính phủ đóng vai trò lớn hơn trong lĩnh vực thương mại. Những người đứng đầu các tập đoàn nổi tiếng thường xuyên lên tiếng trước công chúng, bề ngoài tuyên bố tình yêu của họ dành cho Đảng, để tránh bị đàn áp. Sự biến mất và sau đó bị kết án của ông Wu Xiaohui, Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm Anbang, 18 năm tù giam, và vụ hành quyết ông Lai Xiaomin, cựu Chủ tịch China Huarong Asset Management, là lời cảnh báo cho các doanh nhân khác không sống theo sự kỳ vọng của Đảng.
Ông Jack Ma của Alibaba, người chưa bao giờ ủng hộ đường lối của Đảng ở mức độ của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác, đã nói câu nổi tiếng: “Hãy yêu chính phủ. Nhưng đừng cưới họ.” Tuy nhiên, ông Ma có thể đã đi quá xa khi cáo buộc các nhà quản lý Trung Quốc kìm hãm sự đổi mới tài chính. Họ của ông Ma có nghĩa là “ngựa” và Đảng đã nói rằng Đảng đã bắc cầu cho ông Ma. Đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Ant Group của ông đã bị hủy bỏ, sau đó các nhà quản lý bắt đầu tháo dỡ công ty của ông. Ông cũng bị loại khỏi vị trí chủ tịch của trường kinh doanh ưu tú do ông thành lập, Đại học Hupan, và kể từ đó không được xuất hiện trước công chúng. Vào thời điểm viết bài này, ông Ma đã không thấy xuất hiện trong 9 tháng.
Chính sách kinh tế mới của ông Tập Cận Bình về tái phân phối của cải là một lời nhắc nhở về chủ nghĩa cộng sản nghiêm khắc của ông Mao Trạch Đông, khi những người giàu có và doanh nhân bị coi là kẻ thù của người dân. Dưới sự lãnh đạo của ông Tập, đất nước dường như đang chuyển sang một hình thức chủ nghĩa cộng sản hoàn chỉnh hơn, với việc chính phủ hướng tới nền kinh tế chỉ huy. Mặt khác, hệ thống kinh tế mới có thể được gọi là chủ nghĩa phát xít, một hình thức của chủ nghĩa tư bản nhà nước, nơi các công ty lớn nhất và được ưu ái nhất vẫn nằm trong tay tư nhân, nhưng nơi nhà nước nhận chia sẻ phần lớn lợi nhuận, đồng thời duy trì sự kiểm soát chặt chẽ hơn.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông ấy tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA Trung Quốc của Đại học Giao thông Thượng Hải. Antonio làm giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, viết cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt ra ngoài vành đai và con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc” và “Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc.”
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: