Kế hoạch của Hoa Kỳ
Điều bị bỏ qua trong tuyên bố gần đây của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai về chính sách thương mại Hoa Kỳ mới của chính phủ ông Biden là vấn đề thương mại quan trọng nhất của đất nước – thâm hụt thương mại hàng năm của Hoa Kỳ.
Con số này sẽ là hơn 800 tỷ USD vào cuối năm nay và đây sẽ là năm thứ 45 liên tiếp Hoa Kỳ thâm hụt thương mại. Tổng số thâm hụt tích lũy đó hiện là khoảng 15 ngàn tỷ USD, tương đương 70% GDP của Mỹ. Điều quan trọng là phải hiểu rằng những đồng dollar đó không chỉ là những mảnh giấy chỉ được chuyển từ Mỹ Châu sang Âu Châu, Á Châu hoặc nơi khác. Chúng là phiếu đòi nợ đối với tài sản của Hoa Kỳ và do đó là sự chuyển giao của cải từ Hoa Kỳ cho các chính phủ và công dân của các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc.
Trong kế toán quốc tế, có một phép tính được gọi là tài sản đầu tư ròng của quốc gia cho biết nhà đầu tư của quốc gia A sở hữu bao nhiêu tài sản ngoại quốc so với giá trị mà nhà đầu tư ngoại quốc sở hữu tài sản của quốc gia A. Cho đến khoảng năm 1990, Hoa Kỳ là nước có thặng dư đầu tư ròng lớn nhất; có nghĩa là, Hoa Kỳ sở hữu nhiều tài sản quốc tế hơn nhiều so với các nhà đầu tư quốc tế sở hữu tài sản của Hoa Kỳ. Ngày nay, Hoa Kỳ là con nợ ròng lớn nhất. Hậu quả là, trong 40 năm qua, Mỹ đã chuyển một phần lớn tài sản của mình cho các lợi ích quốc tế thông qua tình trạng thâm hụt thương mại kinh niên.
Thâm hụt thương mại kinh niên đã làm suy yếu sức mạnh và ảnh hưởng kinh tế và chiến lược của Hoa Kỳ. Bằng cách chuyển hoạt động sản xuất nhiều mặt hàng quan trọng ra khỏi Hoa Kỳ sang Âu Châu, Á Châu và các nơi khác, điều đó đã khiến Mỹ phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp quốc tế và khiến các nhà điều hành của nhiều tập đoàn toàn cầu của Hoa Kỳ phải đối mặt với các cường quốc quốc tế một cách hiệu quả – đặc biệt là đối với Trung Quốc và lãnh đạo Tập Cận Bình. Hãy cân nhắc rằng tập đoàn giá trị nhất thế giới, Apple, sản xuất tất cả các sản phẩm của mình ở Trung Quốc. Do đó, Giám đốc điều hành của Apple, ông Tim Cook, lo ngại nhiều hơn về những gì ông Tập nói hơn là về những gì Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có thể nói mặc dù trên thực tế, về mặt pháp lý, Apple là một công ty của Hoa Kỳ chứ không phải của Trung Quốc.
Quan trọng hơn nữa, sự di chuyển một lượng lớn năng lực sản xuất và kỹ năng từ Hoa Kỳ ra quốc tế đã khiến năng lực công nghệ, sản xuất, và phát minh của Hoa Kỳ giảm mạnh. Ví dụ, vào năm 1990, các nhà sản xuất Hoa Kỳ đã sản xuất khoảng 70% chất bán dẫn trên thế giới. Ngày nay, con số đó đã giảm xuống còn khoảng 12% và Hoa Kỳ không còn sản xuất ngay cả những chất bán dẫn tiên tiến nhất.
Không có chủ ý hoặc mong muốn
Khi hệ thống kinh tế toàn cầu ngày nay được thiết lập sau Đệ nhị Thế chiến, cấu trúc mất cân bằng kinh niên hiện nay không những không được dự đoán trước, mà còn được coi là mục tiêu cần phải tránh. Nhà kinh tế vĩ đại John Maynard Keynes thậm chí còn đi xa đến mức kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế mới được trao quyền áp đặt thuế quan trừng phạt đối với hàng xuất cảng của các quốc gia có thặng dư thương mại kinh niên để buộc họ phải cân bằng thương mại trong trung và dài hạn.
Đối thủ lớn của ông Keynes về vai trò của nhà nước trong việc điều hành nền kinh tế, ông Friedrich Hayek, đồng ý rằng thương mại cân bằng phải là mục tiêu dài hạn. Thật vậy, ông không thể tưởng tượng rằng các lực lượng thị trường cuối cùng sẽ dẫn theo bất kỳ hướng nào ngoại trừ thương mại cân bằng.
Tuy nhiên, thực tế là độc giả của The Economist ngày nay sẽ thấy hàng tuần trong các Chỉ số Kinh tế và Tài chính của tạp chí rằng Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada và cùng với một số nước đang phát triển nhỏ liên tục có thâm hụt thương mại trên 3% GDP.
Nguyên nhân của mất cân bằng thương mại
Sự mất cân bằng mãn tính là do hai nguyên nhân chính. Một thực tế là USD là đồng tiền dự trữ chính trên toàn cầu. Điều này có nghĩa là hầu như tất cả các quốc gia đều giữ phần lớn dự trữ tài chính của họ và thực hiện phần lớn hoạt động kinh doanh quốc tế của họ bằng USD. Nhu cầu liên tục đối với USD làm cho tỷ giá hối đoái của đồng USD tăng lên, dẫn đến đồng USD mạnh và do đó giá hàng xuất cảng của Hoa Kỳ cao và giá hàng nhập cảng thấp, dẫn đến thâm hụt thương mại kinh niên của Hoa Kỳ.
Nguyên nhân thứ hai là chủ nghĩa trọng thương, một học thuyết kinh tế được hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới (Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, v.v.) áp dụng nhằm mục đích sản xuất tự cung tự cấp tối đa và thặng dư thương mại liên tục. Vì mục tiêu này, một số quốc gia thậm chí còn can thiệp vào thị trường tiền tệ để mua USD và do đó làm giảm giá trị đồng tiền của họ một cách giả tạo nhằm tăng xuất cảng trong khi nhập cảng chậm lại. Chủ nghĩa trọng thương này còn được thể hiện bằng các chính sách trợ cấp và nhiều biện pháp bảo vệ khác nhau để thúc đẩy sản xuất trong nước và tăng trưởng hướng đến xuất cảng trong các ngành mục tiêu như chất bán dẫn, robot, viễn thông, và nhiều ngành khác.
Các giải pháp
Việc tiếp tục các chính sách và thông lệ này cuối cùng sẽ hủy hoại cả Hoa Kỳ và các nền kinh tế toàn cầu. Để tránh sự tàn phá đó, cần phải có một sự thay đổi lớn trong các chính sách của Hoa Kỳ. Một yếu tố chính của sự thay đổi như vậy có thể là Phí Tiếp cận Thị trường được áp dụng đối với tất cả các khoản đầu tư quốc tế có ràng buộc với Hoa Kỳ không nhằm mục đích xây dựng các nhà máy và thiết bị mới cho sản xuất tại Hoa Kỳ (còn được gọi là đầu tư “lĩnh vực xanh”). Mức phí này có thể thay đổi tùy theo mức thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ, nhưng có thể sẽ dao động từ 1 đến 5% số tiền đầu tư vào trong nước.
Một yếu tố quan trọng khác là việc tạo ra quỹ của chính phủ Hoa Kỳ để trợ cấp và khuyến khích đầu tư trong nước vào các cơ sở sản xuất trong các ngành sản xuất công nghiệp và công nghệ tiên tiến hàng đầu. Thay vì “Sản xuất ở Trung Quốc năm 2025”, có thể là “Sản xuất ở Hoa Kỳ năm 2030.” Các nhà đầu tư có thể không phải là người Mỹ, nhưng việc sản xuất sẽ phải được thực hiện ở Hoa Kỳ.
Cuối cùng, nếu cần đảm bảo tài khoản vãng lai cân bằng, các nhà nhập cảng hàng hóa và dịch vụ vào Hoa Kỳ sẽ được yêu cầu đấu thầu Quyền Nhập cảng có số tiền chính xác bằng mức thâm hụt tài khoản vãng lai của Hoa Kỳ, do đó đảm bảo không chỉ thương mại cân bằng cho Hoa Kỳ, nhưng cho toàn thế giới nói chung. Rốt cuộc, đó đã [chính] là ý tưởng ban đầu vào thời điểm thành lập hệ thống thương mại toàn cầu.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Clyde Prestowitz là một chuyên gia về Á Châu và toàn cầu hóa, một nhà đàm phán thương mại kỳ cựu của Hoa Kỳ kiêm cố vấn tổng thống. Ông là trưởng phái đoàn thương mại đầu tiên của Hoa Kỳ đến Trung Quốc vào năm 1982 và từng là cố vấn cho Tổng thống Reagan, George H.W. Bush, Clinton, và Obama. Là cố vấn cho Bộ trưởng Thương mại dưới thời chính phủ ông Reagan, ông Prestowitz đã dẫn đầu các cuộc đàm phán với Nhật Bản, Hàn Quốc, và Trung Quốc. Cuốn sách mới nhất của ông là “Thế giới Đảo lộn: Hoa Kỳ, Trung Quốc, và cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo toàn cầu,” được xuất bản vào tháng 01/2021.
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: