Kẻ đồ tể vì sao có thể về Trời
Trong tác phẩm Tây Du Ký có một câu danh ngôn kinh điển, đó là “Nhân thân nan đắc, Trung thổ nan sinh, chính Pháp nan ngộ; toàn thử tam giả, hạnh mạc đại yên”( tạm dịch nghĩa: Thân người khó được, Trung thổ khó sinh, chính Pháp khó gặp; nếu có được cả 3 điều này thì thật là quá đỗi may mắn). Điều trùng hợp đó là, trong tác phẩm Mã Đan Dương tam độ Nhâm Phong Tử được viết bởi “Khúc Trạng Nguyên” Mã Trí Viễn (1250-1321) thời nhà Nguyên cũng có câu tương tự: “Nhân thân nan đắc, Trung thổ nan phùng. Giả thị đắc sinh, chính Pháp nan ngộ” (Tạm dịch nghĩa: Thân người khó được, Trung thổ khó sinh. Cho dù có được sinh ra tại Đông thổ thì cũng khó gặp được chính Pháp)
Một bộ là kiệt tác cổ điển xuất hiện lần đầu tiên vào giữa triều đại nhà Minh, cái còn lại là tác phẩm kịch được viết vào triều đại nhà Nguyên, cả hai trùng hợp đều có chung một quan điểm nhất trí về “nhân thân nan đắc”. Một người chỉ cần có được thân người, lại sinh ra ở Trung thổ, thì bất kể là làm nghề nghiệp gì thì đối với các thế ngoại cao nhân mà nói thì đó là người có cơ duyên tu đạo. Dưới ngòi bút của Mã Trí Viễn, Nhâm Phong Tử người được Mã Đan Dương độ là một người bán thịt. Một người bán thịt sát sinh vô số thì làm sao có thể có cơ hội tu đạo về Trời được chứ?
Đạo gia Chân nhân Mã Đan Dương (Mã Ngọc, 1123-1183), nguyên quán ở Lai Dương, Ninh Hải. Mã Đan Dương tên thật là Mã Tùng Nghĩa, là hậu nhân của Phục Ba tướng quân Mã Viện thời Đông Hán.
Mã Đan Dương trước khi tu Đạo có gia tài vạn lượng, diện tích nhà cửa ruộng vườn tất cả cộng lại còn lớn hơn diện tích của nửa châu. Mã gia giàu mà có đức, khảng khái hành thiện, đời đời tích lũy được rất nhiều âm đức.
Lúc ban đầu, Mã Đan Dương từng được Tổ sư Vương Trùng Dương (1113-1170) điểm hóa, nhưng ông vẫn chưa thể bước trên con đường tu Đạo. Có một hôm, âm sai ở địa phủ dẫn hồn phách của ông đi, nguyên thần của Đan Dương bị rơi vào địa phủ chịu khổ đòn roi. Trong cơn đau đớn tận xương tủy, Tổ sư đột nhiên hiện thân cứu ông thoát khỏi biển khổ.
Sự việc này giống như một giấc mộng. Giữa hư hư thực thực, Mã Đan Dương mới nhận ra rằng sinh tử thật đáng sợ. Sau khi tỉnh lại, ông liền quyết định tu hành theo chính Đạo. Ông được Đông Hoa Đế Quân chỉ dạy trừ bỏ nhân, ngã, thị, phi (ta, người, đúng, sai) ; được Thuần Dương chân nhân chỉ dạy buông bỏ phú, quý, danh, lợi; lại được Vương Trùng Dương chỉ bảo, đoạn tuyệt tửu, sắc, tài, khí, tu thành đắc Đạo. Ông ở Bạch Vân động đợi chờ cơ duyên độ hóa thế nhân.
Vào một đêm nọ, Mã Đan Dương trông thấy một luồng khí xanh chiếu về phía trấn Cam Hà, núi Chung Nam. Vì để giáo hóa những con người lương thiện ở vùng này, ông rời khỏi cõi Tiên, đến vùng núi Chung Sơn, tại đây ông hóa ra một am tranh và sống ở đó.
Có một người bán thịt họ Nhâm có sở thích uống rượu nên thường xuyên say bí tỉ, người trong làng đều quen gọi anh ta là Nhâm Phong Tử. Nhâm Phong Tử nhìn thấy người trong vùng sau khi được Mã Đan Dương giáo hóa thì đều ăn chay, cản trở việc làm ăn của mình, do vậy bèn nghĩ cách hãm hại Chân nhân.
Mã Đan Dương từ sớm đã nhìn thấu tâm tư của người bán thịt, trong lòng thầm nghĩ vào lúc anh ta đến hại mình thì sẽ điểm hóa để anh ta quay về chính đạo. Thơ rằng:
“Ngã dữ tha Diêm Vương bộ thượng trừ sinh hỗ
Tử Phủ cung trung lập tính danh
Chỉ khai hải giác thiên nhai lộ
Dẫn đắc mê nhân đại Đạo hành”
(Tạm dịch nghĩa: Ta và anh ta ở trên sổ Diêm Vương là cùng sinh cùng tử, lại có tên ở cung Tử phủ. Đi khắp góc bể chân trời, dẫn người trong cơn mê tu hành đại Đạo)
Nhâm Phong Tử có một ít tài sản, mỗi khi nhìn thấy huynh đệ gặp chuyện khó khăn, anh ta đều đem tiền bạc cho họ mượn, xem như là tiền vốn làm ăn, hoàn toàn không đòi hỏi tiền lãi. Vì vậy mà các huynh đệ ai nấy cũng đều tôn kính anh ta.
Nhâm Phong Tử thành thân với Lí thị, hạ sinh được một bé trai. Ngày đứa bé đầy tháng cũng trùng vào ngày sinh của Nhâm Phong Tử, vì vậy Nhâm gia đã tổ chức tiệc rượu, chiêu đãi mọi người. Trong buổi tiệc, các huynh đệ của anh ta phàn nàn rằng, gần đây xuất hiện một vị Đạo nhân, đi khắp nơi khuyên người hành thiện, nhân dân trong vùng đều nghe theo lời của vị Đạo nhân kia, không những không sát sinh hành ác, mà ngược lại còn ăn chay nữa.
Nghĩ lại thì vị Đạo nhân này đạo hạnh quả thật cao thâm, trong vòng chưa đầy nửa năm mà đã khiến một vùng đất trở thành một thôn làng hướng thiện. Dân làng vào lúc rảnh rỗi đều đọc Thần Tiên truyện. Trong một khoảng thời gian ngắn, cả huyện Chung Nam được bao phủ bởi tinh thần mộ đạo thuần khiết.
Những người bán thịt bị lỗ vốn, không còn cách nào khác để tiếp tục làm ăn. Do đó liền muốn nhân cơ hội ở trong tiệc vui của Nhâm Phong Tử mà mượn tiền của anh ta. Nhâm Phong Tử tức giận nói: “Cản trở việc làm ăn của người khác, bằng như hại chết phụ mẫu” , trong cơn say rượu, gan to tày trời, anh ta liền động niệm muốn đi giết chết vị Đạo nhân kia.
Nhâm Phong Tử mượn rượu làm càn, lảo đảo nhảy qua tường đến am tranh của Đan Dương. Anh ta vừa bước vào, Mã Đan Dương liền nói: “Nhâm đồ, ngươi đến rồi đấy à”. Nhâm Phong Tử cảm thấy ngạc nhiên, vị Đạo nhân này làm sao mà biết tên của mình được.
Nhâm Phong Tử hung tợn nói ra mục đích đến của mình, Mã Đan Dương nói: “Là ta cản trở việc làm ăn của ngươi. Thôi vậy, bần đạo chịu chết là được”. Nhâm Phong Tử bối rối, làm gì có ai cam lòng chịu chết chứ, cho rằng Đạo nhân có thần thông. Mã Đan Dương lại nói: “Bần đạo nào có thần thông gì chứ?”, Nhâm đồ đang định hành hung thì bị Thần Hộ Pháp của Đan Dương ngăn cản, không những vậy ngược lại còn làm tổn thương tính mạng của chính anh ta. Nhâm Phong Tử hét lớn: “Trả đầu lại cho ta” . Mã Đan Dương đáp: “Là ngươi ban nãy muốn giết ta, giờ ngược lại đòi ta trả đầu cho ngươi, ngươi tự sờ xem đi” , Nhâm Phong Tử vừa sờ thì thấy đầu vẫn còn, lập tức cầu xin Chân nhân tha cho mình một con đường sống.
Mã Đan Dương nói rằng: “Ngươi muốn đi thì cứ đi đi, có ai cản ngươi đâu cơ chứ”, Nhâm Phong Tử ngơ ngác rồi nói: “Sư phụ, tôi đến đây chỉ có một đường, nay là ba đường, tôi nên chọn đường nào đây?”
Vị chân nhân nhắc nhở anh ta rằng: “Ngươi đến từ nơi đến, đi về nơi phải đi, đừng để mê lạc chính đạo”.
Nhâm phong tử tuy là người bán thịt, sát sinh vô số, nhưng bản tính anh ta không xấu, hơn nữa ngộ tính lại cao. Anh ta nghe lời răn dạy của chân nhân thì thầm nghĩ: Phụ mẫu sinh ta chính là nơi đến của ta. Nếu ta chết đi thì chính là nơi phải đi. Sư phụ dạy ta đừng mê lạc chính đạo, lẽ nào muốn ta theo ngài ấy xuất gia? Nghĩ đến đây, Nhâm Phong Tử dập đầu cúi lạy mà rằng: “Nhâm đồ nguyện ý theo Sư phụ xuất gia”.
Mã Đan Dương muốn thử nghiệm đạo tâm của anh ta xem có kiên định hay không, bèn nói: “Ngươi muốn xuất gia, ngươi có phải là thiện nam thiện nữ chăng? Ngươi khi nãy còn cầm đao vượt tường muốn đến giết ta. Sao mới chớp mắt mà đã muốn theo ta xuất gia? Nhà ngươi còn có vợ đẹp con thơ, núi vàng biển bạc, ngươi về sau lẽ nào lại không nghĩ nhớ đến?”
“Ngươi nghe đây, chỉ khi ngươi một lòng muốn biết mình đến từ đâu, thì ta mới có thể chỉ ngươi con đường đại Đạo trường sinh. Nơi Thần Tiên ta đây chỉ cho phép Thần Tiên ở; còn phàm phu như ngươi hãy cứ là đi tìm nơi phàm phu thì hơn”.
Nhâm Phong Tử nghĩ: “Sư phụ nói: Thần Tiên chỉ cho phép Thần Tiên ở, phàm phu hãy cứ là đi tìm nơi phàm phu thì hơn”. Thường nghe nói rằng: “Con cháu có phúc phần của con cháu, chẳng có ai đi làm trâu làm ngựa cho con cháu cả”, con cái là khóa ngọc gông vàng, hoan hỉ oan gia”, ngẫm nghĩ thì nhân duyên trong thế gian này suy cho cùng cũng chỉ là một cuộc vui mà thôi, đến sau cùng vẫn là trống rỗng như không. Nhâm Phong Tử rốt cuộc đã nhìn thấu, do vậy liền tiếp tục dập đầu lạy Chân nhân, nguyện làm đồ đệ của Sư phụ, khẩn cầu Chân nhân chỉ cho con đường trường sinh.
Mã Đan Dương nhìn thấy tâm cầu Đạo kiên định của anh ta, liền đề ra cho anh ta 10 giới luật: “Nhất giới tửu sắc tài khí (Cấm: rượu, sắc dục, tài vật, nóng giận); Nhị giới nhân ngã thị phi (Cấm: ta người đúng sai); Tam giới nhân duyên hảo ố (Cấm: nhân duyên yêu ghét); Tứ giới Ưu sầu tư lự (Cấm: buồn rầu lo lắng); Ngũ giới khẩu từ tâm độc (Cấm: khẩu Phật tâm xà); Lục giới thôn tinh đạm nhục (Cấm: ăn thịt); Thất giới thường hoài bất túc (Cấm: thường thấy không đủ); Bát giới tuẫn kỉ hại nhân (Cấm: lợi mình hại người); Cửu giới mã liệt viên điên (Cấm: tâm ý điên đảo); Thập giới phạ tử tham sanh (Cấm: Tham sống sợ chết).
Để tôi luyện ý chí của Nhâm Phong Tử, mỗi ngày Mã Đan Dương đều bảo anh ta làm rất nhiều việc, chẳng hạn như: Sáng, trưa, tối mỗi buổi gánh 500 thùng nước. Các việc vặt trong vườn rau đều do một mình anh ta làm, múc nước, cắt cỏ, bón phân v.v. Nhâm Phong Tử đối với các việc vặt vãnh do Chân nhân giao phó đều làm một cách siêng năng chăm chỉ, không lời oán than, lâu dần ma luyện được ý chí kiên cường.
Nhâm Phong Tử quả là có Đạo tâm, mỗi ngày 1500 thùng nước cũng không một lời than vãn, ngược lại còn vui vẻ cảm tạ Chân nhân vì đã đồng ý dạy đồ đệ ngốc như mình. Anh ta thật tâm cảm thán rằng cuộc sống học Đạo tốt hơn hẳn việc sát sinh mỗi ngày.
Đạo tâm khai mở, Nhâm phong tử trong lòng tràn ngập sự khoan thai điềm tĩnh: cao sơn lưu thủy hữu tri âm, cổ mộc thương yên nhập đồ họa. Bầu bạn cùng với ánh trăng sáng, không tham tửu sắc, không tham tài khí. Học theo Liệt Tử thời Chiến Quốc cưỡi gió, học theo Trương Lương thời nhà Hán quy đạo, học Phạm Lãi công thành rút lui, chèo thuyền vào Ngũ hồ. Tuy là người trần mắt thịt, nhưng một khi đã tu Chân thì từ đó buông bỏ đồ đao, tình nguyện đọc Kinh sách, tìm đến đan dược hồ lô.
Thời gian thấm thoắt, thoáng chốc đã 10 năm trôi qua. Nhâm Phong Tử lúc này ở trong am tranh tu luyện trong một thời gian dài, tuy chưa thể cưỡi hạc bay lên trời, cũng chưa từng đến lăng uyển tiên gia hái dị thảo, nhưng trong lòng đã không còn sự tranh cãi thị phi và huyên náo của chốn hồng trần, mỗi ngày cần mẫn chăm sóc vườn rau, tâm thái tiêu diêu tự tại.
Sau khi Nhâm Phong Tử trừ bỏ được hết thảy các loại vọng niệm như tửu, sắc, tài, khí, nhân, ngã, thị, phi thì đã đến thời khắc trở về trời. Cổng trời rộng mở, chúng Thiên tử tấu hưởng các loại âm nhạc tự nhiên, xe rồng chạy như bay nghênh tiếp Nhâm Phong Tử quay trở về thiên cung.
Thi văn ca ngợi rằng:
“Vị nhĩ hữu chung thủy
Cứu nhĩ vô sanh tử
Bần đạo Mã Đan Dương
Tam độ Nhâm phong tử”
(Tạm dịch nghĩa: Vì người có thủy chung, cứu người thoát sinh tử. Bần đạo là Mã Đan Dương, cứu độ Nhâm phong tử)
[Chú thích]:Mã Đan Dương là nhân vật có thật trong lịch sử, là Đạo sĩ nổi tiếng dưới triều đại nhà Kim, cũng là một thầy thuốc châm cứu nổi tiếng. Ông cùng với vợ con và cháu đều dốc lòng xuất gia tu Đạo, cùng bái Vương Trùng Dương của Toàn Chân giáo làm thầy. 100 năm sau ngày ông quy Tiên, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt phong ông là Đan Dương Bão Nhất Vô Vi Chân Nhân, người đời gọi là Đan Dương Chân Nhân.
Từ vở kịch Mã Đan Dương Tam Độ Nhâm Phong Tử thời nhà Nguyên
**Cao sơn lưu thủy hữu tri âm: Điển cố Bá Nha có tài gảy đàn, Tử Kỳ có tài thưởng thức. Khi Bá Nha gảy đến đoạn miêu tả núi cao, nước chảy thì Tử Kỳ thốt lên: “Tuyệt! Tuyệt! cao như Thái Sơn, dài như Trường Giang!”
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ EpochTimes Hoa Ngữ
Xem thêm: