KCNA: Các lãnh đạo Nga, Bắc Hàn trao đổi thư tín về việc thúc đẩy mối bang giao
Theo các hãng thông tấn nhà nước chính thức của Bình Nhưỡng, hôm 15/08, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã viết thư cho nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un thúc giục mối bang giao song phương mạnh mẽ hơn giữa hai quốc gia.
Trong một bức thư gửi tới ông Kim tôn vinh tự do của Bán đảo Triều Tiên khỏi sự cai trị của thực dân Nhật Bản, ông Putin đã nói rằng Nga và Bắc Hàn nên “mở rộng mối quan hệ song phương toàn diện và mang tính xây dựng với những nỗ lực chung.”
Các quan chức Nga chưa xác nhận tính xác thực của các bản tin này.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) của Bắc Hàn tuyên bố rằng trong bức thư này, ông Putin đã chuyển tới ông Kim rằng mối bang giao thân thiết hơn của họ sẽ “góp phần tăng cường an ninh và ổn định của bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực Đông Bắc Á.”
Theo một bản tin khác của KCNA, trong thư phúc đáp của mình, ông Kim cho biết tình hữu nghị giữa Bắc Hàn và Nga được hun đúc trong Đệ nhị Thế chiến đã tiếp tục phát triển.
KCNA tường thuật rằng, ông Kim cho biết hợp tác chiến lược và chiến thuật giữa hai quốc gia đã đạt đến một tầm cao mới, với những nỗ lực chung nhằm vô hiệu hóa các mối đe dọa và khiêu khích quân sự do “các thế lực thù địch” gây ra. Ông cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng mối bang giao hợp tác của họ sẽ “phát triển mạnh mẽ hơn trên tất cả các lĩnh vực” sau một thỏa thuận mà ông đã ký với ông Putin vào năm 2019.
Mặc dù bản tin không xác định ông Kim đang ám chỉ thế lực thù địch nào nhưng Bắc Hàn đã cáo buộc Hoa Kỳ và các đồng minh áp đặt “các chính sách thù địch” đối với Bình Nhưỡng, thủ đô của Bắc Hàn.
Bình Nhưỡng đã từ chối nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Hoa Kỳ — vốn bị đình trệ từ năm 2019 — ngay cả khi Hoa Thịnh Đốn đã lặp lại rằng họ “không có ý định thù địch” đối với Bình Nhưỡng và sẵn sàng thảo luận mà không cần điều kiện tiên quyết.
Nga, Trung Quốc ngăn chặn các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc
Kể từ năm 2006, Bắc Hàn đã phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) mà Hội đồng Bảo an LHQ đã gia tăng đều đặn trong những năm qua nhằm cắt nguồn tài trợ cho các chương trình vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga đã thúc giục một sự nới lỏng các lệnh trừng phạt của LHQ để cải thiện tình hình nhân đạo của Bắc Hàn. Hồi tháng Năm, họ còn phủ quyết một cuộc bỏ phiếu do Hoa Kỳ thúc đẩy nhằm tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Bắc Hàn.
Bà Linda Thomas-Greenfield, đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ, cho biết bà rất thất vọng trước các phủ quyết từ Nga và Trung Quốc, 2 quốc gia đã không chặn bất kỳ phiếu nào trong số chín phiếu ủng hộ trừng phạt trước đó kể từ năm 2006.
“Tôi vô cùng thất vọng vì Hội đồng đã không thể thống nhất để phản đối các chương trình [vũ khí hủy diệt hàng loạt] và hỏa tiễn đạn đạo bất hợp pháp của CHDCND Triều Tiên. Và sự thất bại đó nằm ở Trung Quốc và Nga,” bà Thomas-Greenfield nói trong một tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu.
Bắc Hàn đã tiến hành một loạt vụ phóng hỏa tiễn trong năm 2022, trong đó có một vụ liên quan đến hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa lớn nhất của quốc này, Hwasong-17. Tất cả các loại hỏa tiễn này đều bị cấm theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về chương trình hỏa tiễn của Bình Nhưỡng.
Cô Aldgra Fredly là một cây bút tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Katabella Roberts and Reuters.