Kazakhstan: 164 người thiệt mạng trong tuần xảy ra biểu tình
MOSCOW – Hôm Chủ Nhật (09/01), Bộ Y tế Kazakhstan cho biết 164 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình làm rung chuyển cả đất nước trong tuần qua.
Các số liệu được kênh tin tức nhà nước Khabar-24 đưa tin cho thấy một sự gia tăng đáng kể so với con số thương vong trước đó. Hiện vẫn không rõ liệu số thương vong này chỉ tính riêng dân thường hay liệu có tính cả số thương vong của những người thực thi pháp luật hay không. Các nhà chức trách Kazakhstan trước đó cho biết có đến 16 cảnh sát hoặc vệ binh quốc gia đã thiệt mạng. Các nhà chức trách trước đó đã đưa ra tổng số thường dân thiệt mạng là 26 người.
Hầu hết các trường hợp tử vong này — gồm 103 người — đều ở tại Almaty, thành phố lớn nhất của đất nước này, nơi những người biểu tình đã chiếm giữ các tòa nhà chính phủ và phóng hỏa một số địa điểm, theo Bộ Y tế. Nữ thanh tra về quyền trẻ em của đất nước này cho biết ba trong số những người bị sát hại là trẻ vị thành niên, trong đó có một bé gái 4 tuổi.
Bộ này trước đó đã báo cáo có hơn 2,200 người đã tìm cách điều trị vết thương sau các cuộc biểu tình, và Bộ Nội vụ cho biết có khoảng 1,300 nhân viên an ninh đã bị thương.
Văn phòng tổng thống Kazakhstan cho biết khoảng 5,800 người đã bị cảnh sát giam giữ trong các cuộc biểu tình đã phát triển thành bạo lực hồi tuần trước và khiến một liên minh quân sự do Nga dẫn đầu phải điều quân đội đến đất nước này.
Hôm Chủ Nhật, văn phòng Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev cho biết đất nước đã ổn định lại trật tự và nhà chức trách đã giành lại quyền kiểm soát các tòa nhà hành chính mà đã từng bị người biểu tình chiếm đóng, một số tòa nhà đã bị phóng hỏa.
Đài truyền hình Mir-24 của Nga cho biết tiếng súng thưa thớt đã được nghe thấy ở Almaty hôm Chủ Nhật nhưng không rõ liệu chúng có phải là tiếng súng cảnh cáo của lực lượng thực thi pháp luật hay không. Hôm thứ Sáu (07/01), ông Tokayev cho biết ông đã ủy quyền cho cảnh sát và quân đội có thể bóp cò súng để lập lại trật tự.
Phi trường của Almaty, nơi đã bị những người biểu tình chiếm đóng hồi tuần trước, vẫn đóng cửa nhưng dự kiến sẽ hoạt động trở lại vào thứ Hai (10/01).
Hôm 02/01, các cuộc biểu tình về việc giá nhiên liệu khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tăng mạnh đã bắt đầu ở miền tây của đất nước này và lan rộng ra khắp cả nước, rõ ràng đây là phản ánh của sự bất bình không chỉ bởi vì giá nhiên liệu.
Chính đảng này đã cai trị Kazakhstan kể từ khi độc lập khỏi Liên bang Xô viết vào năm 1991. Bất kỳ nhân vật nào muốn chống lại chính phủ này đều sẽ bị đàn áp, gạt sang một bên, hoặc bị lôi kéo và khó khăn tài chính vẫn lan rộng mặc dù Kazakhstan đang có một trữ lượng khổng lồ về dầu, khí tự nhiên, uranium, và khoáng chất.
Ông Tokayev cho rằng các cuộc biểu tình này đã được châm ngòi bởi “những kẻ khủng bố” với sự hậu thuẫn của ngoại quốc, mặc dù các cuộc biểu tình này không có thủ lĩnh hoặc tổ chức nào rõ ràng. Hôm Chủ Nhật, tuyên bố từ văn phòng của ông cho biết những người bị bắt giữ bao gồm “một số lượng lớn công dân ngoại quốc,” nhưng không đi vào chi tiết.
Không rõ có bao nhiêu người trong số họ vẫn còn bị giam giữ kể từ hôm Chủ Nhật.
Cựu lãnh đạo cơ quan phản gián và chống khủng bố của Kazakhstan đã bị bắt vì tội âm mưu lật đổ chính phủ. Việc bắt giữ ông Karim Masimov, vốn được công bố hôm thứ Bảy (08/01), diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông bị ông Tokayev cách chức khỏi vị trí người đứng đầu Ủy ban An ninh Quốc gia.
Không có chi tiết nào được đưa ra về những gì ông Masimov bị cho là đã làm để có thể cấu thành một âm mưu lật đổ chính phủ. Ủy ban An ninh Quốc gia, cơ quan kế nhiệm của KGB thời Liên Xô, đang chịu trách nhiệm về vấn đề phản gián, dịch vụ canh giữ biên giới, và các hoạt động chống khủng bố.
Các nhà chức trách cho biết lực lượng an ninh đã sát hại 26 người biểu tình trong tình trạng bất ổn vào tuần này và có đến 16 nhân viên thực thi pháp luật đã tử vong.
Theo yêu cầu của ông Tokayev, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, một liên minh quân sự do Nga đứng đầu gồm sáu quốc gia thuộc Liên Xô cũ, đã cho phép gửi khoảng 2,500 quân chủ yếu là người Nga đến Kazakhstan với tư cách là lực lượng gìn giữ hòa bình.
Một số của lực lượng này đang canh gác các cơ sở của chính phủ ở thủ đô Nur-Sultan, vốn “có thể giải phóng một phần lực lượng của các cơ quan thực thi pháp luật Kazakhstan và bố trí lại cho họ đến Almaty để tham gia vào chiến dịch chống khủng bố,” theo một tuyên bố từ văn phòng của ông Tokayev.
Trong một dấu hiệu cho thấy các cuộc biểu tình này còn có nguồn gốc sâu xa hơn là chỉ mỗi vấn đề tăng giá nhiên liệu, nhiều người biểu tình đã hô lớn “Old man out,” ám chỉ ông Nursultan Nazarbayev, người từng giữ chức tổng thống từ nền độc lập của Kazakhstan cho đến khi ông từ chức vào năm 2019 và đã tiến cử ông Tokayev làm người kế nhiệm của mình.
Ông Nazarbayev vẫn đang giữ quyền lực đáng kể với tư cách là người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia. Nhưng ông Tokayev đã thay thế ông ta, người đứng đầu hội đồng, trong bối cảnh bất ổn trong tuần này. Hành động này có thể nhằm mục đích nhượng bộ để xoa dịu những người biểu tình. Tuy nhiên, hôm Chủ Nhật, cố vấn Aido Ukibay của ông Nazarbayev cho biết việc này được thực hiện theo sáng kiến của ông Nazarbayev, theo hãng thông tấn Kazakhstan KazTag.
Do Jim Heintz của The Associated Press
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: