Julian Assange được tòa án Anh quốc tạm hoãn dẫn độ sang Hoa Kỳ để bảo đảm ông không bị kết án tử hình
Người sáng lập WikiLeaks đã giành được thêm thời gian khi thẩm phán cho phép ông tạm hoãn thi hành bản án dẫn độ đến Hoa Kỳ trong lúc chờ chính phủ Mỹ bảo đảm không kết án tử hình.
Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange đã được Tòa án Tối cao ở London cho phép tạm hoãn thi hành bản án dẫn độ trong lúc chờ các nhà chức trách Hoa Kỳ bảo đảm rằng ông sẽ không phải đối mặt với án tử hình.
Hôm thứ Ba (26/03), ông Assange nhận thấy ông phải chờ đợi thêm để tìm hiểu xem liệu nỗ lực kháng cáo cuối cùng về việc dẫn độ của ông có thể được tiến hành hay không.
Trong một phán quyết hôm thứ Ba, các thẩm phán Victoria Sharp và Johnson đã bác bỏ hầu hết các lập luận pháp lý của ông Assange, nhưng nói rằng ông sẽ có thể kháng cáo dựa trên ba lý do trừ phi Hoa Kỳ đưa ra những bảo đảm.
Phản ứng với tin tức hôm thứ Ba, WikiLeaks đã đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X rằng ông Assange vẫn sẽ có thể bị dẫn độ.
“Ông Julian Assange vẫn sẽ có thể bị dẫn độ sang Hoa Kỳ trong ba tuần tới nếu Chính phủ Hoa Kỳ đưa ra ‘những lời bảo đảm,’ vốn trước đây từng bị Tổ chức Ân xá coi là ‘không đáng tin cậy’ — bao gồm cả việc ông ấy sẽ không bị thành kiến tại phiên tòa vì lý do quốc tịch và không nhận án phạt tử hình,” WikiLeaks viết.
Gia đình và những người ủng hộ ông Assange nói rằng sức khỏe thể chất và tinh thần của ông đã bị ảnh hưởng trong hơn một thập niên đấu tranh pháp lý, gồm bảy năm sống tự lưu vong tại Đại sứ quán Ecuador ở London và năm năm trong nhà tù an ninh cao Belmarsh ở vùng ngoại ô của London.
Tháng trước (02/2024), khi nỗ lực kháng cáo của ông Assange mới bắt đầu, ông Mark Summers KC lập luận rằng việc truy tố của Hoa Kỳ sẽ là sự trừng phạt đối với các quan điểm chính trị của ông, có nghĩa là theo luật của Vương quốc Anh thì việc dẫn độ ông sẽ là bất hợp pháp.
Đây có thể là nỗ lực pháp lý cuối cùng của ông ở Anh quốc. Vợ và những người ủng hộ ông nói rằng công dân Úc này sẽ phải đối mặt với án tù 175 năm nếu bị dẫn độ.
Nhà chức trách Mỹ đang theo đuổi các tội danh liên quan đến vai trò bị cáo buộc của ông Assange trong “một trong những vụ xâm phạm thông tin mật lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.”
Những bảo đảm
Trong phán quyết dài 66 trang hôm thứ Ba, Thẩm phán Victoria cho biết: “Trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng về đơn xin kháng cáo, chúng tôi sẽ cho bị đơn cơ hội đưa ra những lời bảo đảm.”
“Nếu không có sự bảo đảm thì chúng tôi sẽ cho phép tiến hành thủ tục kháng cáo mà không cần xét xử thêm.”
“Nếu được bảo đảm thì chúng tôi sẽ cho các bên cơ hội đệ trình thêm trước khi chúng tôi đưa ra phán quyết cuối cùng về đơn xin kháng cáo.”
Thẩm phán Victoria cho biết bất kỳ sự bảo đảm nào từ Hoa Kỳ sẽ cần phải bao gồm “rằng người nộp đơn [ông Assange] được phép dựa vào Tu chính án thứ Nhất, rằng người nộp đơn không bị thành kiến tại phiên tòa, bao gồm cả trong bản án, vì lý do quốc tịch của ông ấy, rằng ông ấy được hưởng các biện pháp bảo vệ theo Tu chính án thứ Nhất giống như một công dân Hoa Kỳ, và án phạt tử hình không được áp dụng.”
Bà bác bỏ lập luận của ông Assange rằng Hoa Kỳ yêu cầu dẫn độ ông vì quan điểm chính trị của ông, nói rằng: “Khiếu nại chính mà người nộp đơn đưa ra hiện nay là thẩm phán đã không giải quyết được một lý lẽ rằng ông ấy đã vạch trần hoạt động tội phạm của bị đơn, và rằng sự phơi bày đó chung quy là một hành động chính trị được bảo vệ.”
‘Chim hoàng yến trong mỏ than’
Hồi tháng Hai, Tổng biên tập WikiLeaks Kristinn Hrafnsson cho biết việc dẫn độ sẽ đặt ra một tiền lệ có “những tác động đen tối và nghiêm trọng đối với quyền tự do báo chí trên toàn thế giới.”
Ký giả điều tra người Iceland này cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến một cuộc tấn công nghiêm trọng vào quyền tự do báo chí trên toàn thế giới. Nó giống như một căn bệnh — một đại dịch chống báo chí đang xâm chiếm chúng ta và ngày càng hiển lộ rõ rệt trong những năm qua.”