JPMorgan: Khả năng Hoa Kỳ suy thoái là 85%, S&P đã giảm 20% so với mức cao trong năm 2022
Các nhà phân tích tại JPMorgan đã dự đoán 85% khả năng Hoa Kỳ sẽ bước vào thời kỳ suy thoái dựa trên sự sụt giảm của chỉ số S&P 500.
Trong 11 cuộc suy thoái đã qua, chỉ số S&P 500 đã giảm trung bình 26%. Trong năm nay, chỉ số này đã giảm 20% so với mức cao kỷ lục cho đến nay. Theo tin Bloomberg đã đưa, các chiến lược gia đã viết trong một ghi chú rằng: “Nhìn chung, có vẻ như có nhiều lo ngại về nguy cơ suy thoái giữa những người tham gia thị trường và các tác nhân kinh tế, những lo ngại này có thể trở thành tự ứng nghiệm nếu chúng liên tục khiến họ thay đổi hành vi, ví dụ bằng cách cắt giảm đầu tư hoặc chi tiêu. Lo ngại của thị trường về rủi ro sai sót chính sách và sự đảo ngược xảy ra sau đó đã tăng lên.”
Lạm phát 12 tháng trong tháng Năm ở mức 8.6% — mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 12/1981. Giá lương thực tăng 10.1% trong khi giá năng lượng tăng 34.6%. Để đối phó với lạm phát gia tăng, Fed đã tăng lãi suất chuẩn lên 75 điểm cơ bản hôm 15/06. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 1994.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cũng đã cam kết sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để kiểm soát giá cả đang tăng. Khi Fed tăng lãi suất, chi phí đi vay của các cá nhân tiếp tục tăng. Tác động này cuối cùng buộc người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu, do đó làm chậm nền kinh tế lại và có khả năng báo trước một cuộc suy thoái.
Bản thân Fed cũng thừa nhận rằng sẽ có một số thiệt hại đối với nền kinh tế do lãi suất tăng. Cơ quan này đã hạ mức tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ trong năm 2022 xuống còn 1.7%, giảm so với mức 2.8% mà họ đã dự đoán hồi tháng Ba. Việc làm dự kiến sẽ đạt trung bình 3.7% trong năm 2022.
Ngoài JPMorgan, một số ngân hàng đầu tư khác cũng nhận thấy nguy cơ suy thoái. Wells Fargo dự kiến việc tăng lãi suất sẽ gây ra một “cuộc suy thoái nhẹ” vào giữa năm 2023.
Theo Business Insider, “Theo quan điểm của chúng tôi, cuộc suy thoái này ít nhiều sẽ tương đương với mức độ và thời gian của cuộc suy thoái giai đoạn 1990-1991. Cuộc suy thoái đó kéo dài trong hai quý với mức sụt giảm từ đỉnh đến đáy trong GDP thực tế là 1.4.”
Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Ben Bernanke đã gọi nền kinh tế Hoa Kỳ là một “cái túi hỗn hợp” trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CNN. Mặc dù một cuộc suy thoái “có thể xảy ra”, ông Bernanke tin rằng Fed có “cơ hội tốt” để đạt được hạ cánh mềm cho nền kinh tế, theo đó sẽ không có suy thoái hoặc chỉ có suy thoái nhẹ.
Ảnh hưởng của suy thoái đối với thị trường chứng khoán cũng là một nguyên nhân cần quan tâm. Ông Sean McGould, chủ tịch và đồng giám đốc đầu tư tại công ty quỹ đầu cơ Lighthouse Investment Partners, nói với Reuters: “Nếu chúng ta gặp phải suy thoái vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, thu nhập từ cổ phiếu sẽ giảm và cổ phiếu có thể sẽ đi xuống thêm nữa.”
Theo dữ liệu từ Bespoke Investment Group, thị trường giá xuống (thị trường gấu) đi kèm với suy thoái có xu hướng dốc hơn, kéo dài trong thời gian dài hơn. Mức giảm trung bình trên thị trường trong những điều kiện như vậy là khoảng 35%.
Ông Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.