JPMorgan: Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc có hàng tỷ USD nợ ngoại Bảng cân đối tài sản
Theo nghiên cứu gần đây của ngân hàng đầu tư JPMorgan, các nhà phát triển bất động sản đang bị bủa vây tại Trung Quốc, Evergrande và các công ty bất động sản khác, đã chuyển hàng tỷ USD nợ sang các phương tiện [hạch toán] ngoại bảng. Khi khoản nợ bổ sung này được tính vào, thì các tỷ lệ đòn bẩy (vay nợ) của họ tăng lên rõ rệt.
Reuters đã báo cáo, dẫn nghiên cứu của JPMorgan rằng, các nhà phát triển bất động sản đó đã sử dụng chiến thuật này để giúp tuân thủ các quy tắc giới hạn vay mới do Trung Cộng đưa ra vào năm ngoái.
Các nhà phân tích bất động sản Trung Quốc và Hồng Kông của JPMorgan nói rằng trường hợp của Evergrande có vẻ là cực đoan nhất.
Các nhà phân tích của JPMorgan nói thêm: “Có thể tỷ lệ đòn bẩy thực có thể còn cao hơn, vì dữ liệu về một số khoản nợ ngoại bảng không được công bố rộng rãi,” lưu ý rằng khoản nợ được gọi là “trá hình” đã chiếm tới 55% tổng nợ của Evergrande.
Bảng cân đối kế toán thường cung cấp ảnh chụp nhanh về tình hình tài chính của một công ty tính đến ngày công bố, cho thấy những gì công ty sở hữu và nợ.
Theo các nhà phân tích, Evergrande dường như đã chuyển một số khoản vay chịu lãi suất sang khoản nợ nằm ngoài bảng cân đối kế toán, cũng như sang các công cụ phi nợ như “thương phiếu, sản phẩm quản lý tài sản, và chứng khoán vốn vĩnh viễn.”
Các nhà phân tích ước tính hệ số đòn bẩy ròng của công ty đạt ít nhất 177% trong nửa đầu năm nay, thay vì 100% như được báo cáo.
Hệ số đòn bẩy ròng đề cập đến tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của một công ty .
Evergrande đã báo cáo 572 tỷ nhân dân tệ (88.8 tỷ USD) nợ lãi phải trả tính đến hôm 30/06 trong công bố tài chính cuối cùng ( pdf ), giảm khoảng 145 tỷ nhân dân tệ (22.5 tỷ USD) so với cuối năm 2020. Hãng tin tài chính Trung Quốc Caixin đưa tin hôm 22/09, nợ lãi của công ty này được giảm chủ yếu thông qua các khoản phải trả cho các nhà cung cấp được trì hoãn.
Với khoản nợ 1.97 ngàn tỷ nhân dân tệ (305.7 tỷ USD), Evergrande đang phải vật lộn để tránh vỡ nợ khi thanh lý tài sản để giải quyết tình trạng khan hiếm tiền mặt. Đặc biệt, sau khi không trả được hai khoản thanh toán lãi suất bắt buộc trị giá tổng cộng 131 triệu USD vào tháng trước, công ty này phải đối mặt với 150 triệu USD nghĩa vụ thanh toán ở ngoại quốc vào tuần tới.
Theo dữ liệu được công bố bởi trung tâm nghiên cứu bất động sản địa phương China Real Estate Information Corp, vào hôm 06/10, ngoài Evergrande, các nhà phát triển bất động sản khác của Trung Quốc cũng đang gặp vấn đề về thanh khoản.
Dữ liệu cho thấy, tính đến hôm 27/09, các công ty bất động sản Trung Quốc có 39 vụ vỡ nợ trái phiếu vào năm 2021. Năm trước đó (2020) chứng kiến 25 vụ vỡ nợ với tổng số tiền tích lũy là 46.75 tỷ nhân dân tệ (7.2 tỷ USD)—tăng 159% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vào tháng 08/2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã công bố các giới hạn cho vay của các nhà phát triển: mức trần 70% đối với tỷ lệ nợ trên tài sản (không bao gồm các khoản bán trước); giới hạn 100% đối với tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu; và phải có các khoản nắm giữ tiền mặt để trang trải nợ ngắn hạn.
Các nhà phát triển lớn khác của Trung Quốc được JPMorgan xác định là có các hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu có thể cao hơn mức công bố công khai bao gồm R&F Properties ở mức 139% so với 123% được báo cáo, Sunac China Holdings ở mức 138% so với 87% và Country Garden ở mức 76% so với 50%.
Giao dịch cổ phiếu của Evergrande tại Hồng Kông đã bị đình chỉ kể từ hôm 04/10 trước khi có thông báo về một “giao dịch lớn”, nhưng cho đến nay vẫn chưa có báo cáo nào thành hiện thực.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: