John Dewey đã thay thế Cơ Đốc Giáo bằng chủ nghĩa nhân văn tập thể trong các trường công
Bài viết này là phần 4 trong loạt bài tìm hiểu nguồn gốc của giáo dục công lập ở Hoa Kỳ.
Mời quý vị xem trọn bộ loạt bài này tại đây:
1,2,3,4,5,6,7,8,9,10,11,12,13.1,13.2,14,15,16.1,16.2
Được công nhận rộng rãi là cha đẻ của hệ thống giáo dục công lập “cấp tiến” ở Hoa Kỳ, John Dewey mang sứ mệnh về tôn giáo chưa từng có. Với lòng nhiệt thành và sự tận tâm còn lớn hơn nhiều nhà truyền đạo Thiên Chúa hay các chiến binh thánh chiến Hồi Giáo, ông đã lên đường chinh phục Hoa Kỳ theo thế giới quan tôn giáo của mình.
Giống như những tiền nhân theo chủ nghĩa tập thể khác, Dewey lựa chọn “giáo dục do chính phủ kiểm soát” là vũ khí của mình. Và bây giờ, hơn một thế kỷ sau khi ông bắt đầu kế hoạch đó, rõ ràng là Dewey và các học trò của ông đã chiến thắng trong một thời gian rất dài.
Khi Dewey phát động cuộc thập tự chinh nhằm làm xói mòn đức tin và chủ nghĩa cá nhân của người dân Hoa Kỳ, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là một trong những quốc gia sùng đạo Cơ Đốc nhất trên thế giới. Nhà thờ và Kinh Thánh là một phần không thể tách rời khỏi cuộc sống và nền giáo dục của hầu hết người dân.
Một quốc gia Cơ Đốc Giáo
Năm 1643, trong Điều khoản Hợp bang của Liên minh các thuộc địa (Articles of Confederation of the United Colonies), những người định cư sớm nhất ở Hoa Kỳ đã tuyên bố: “Tất cả chúng ta đến những vùng đất này của Hoa Kỳ chỉ với một mục tiêu và mục đích duy nhất, đó là phát triển Vương quốc của Đức Chúa chúng ta, Chúa Giêsu và để tận hưởng các quyền tự do trong Phúc Âm với sự thánh khiết và hòa bình.”
Nhiều thế kỷ sau, đây vẫn là một quan điểm phổ biến. Ví dụ, vào năm 1856, Hạ viện Hoa Kỳ, cơ quan đại diện trực tiếp cho người dân hơn bất kỳ cơ quan liên bang nào khác, đã nói theo cách này: “Yếu tố vô cùng quan trọng và bảo thủ trong hệ thống của chúng ta là niềm tin của người dân vào các giáo lý thuần túy và chân lý thiêng liêng trong Phúc Âm của Chúa Giêsu.” Quốc hội nhiệm kỳ trước và sau đó cũng nhiều lần tuyên bố tương tự.
Trong khi đó, vào năm 1892, ngay cả Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã tuyên bố trong vụ việc Nhà thờ Holy Trinity và Hoa Kỳ rằng Hoa Kỳ “là một quốc gia Cơ Đốc Giáo”.
Gần đây nhất là những năm 1970, 9 trong số 10 người dân Hoa Kỳ vẫn xác định mình là Cơ Đốc nhân. Tuy nhiên, ngày nay, chỉ 2/3 người dân Hoa Kỳ tự nhận mình là Cơ Đốc nhân, con số này giảm mạnh hơn nữa qua mỗi năm.
Ngay cả ở Bible Belt ngày nay, có ít hơn một nửa số dân Hoa Kỳ đi lễ nhà thờ hàng tuần, tỷ lệ đi lễ nhà thờ giảm xuống dưới 20% ở một số tiểu bang. [Bible Belt – Vành Đai Kinh Thánh là tên thường gọi cho một vùng ở miền Nam Hoa Kỳ nơi Kitô giáo Kháng Cách phúc âm đóng vai trò đáng kể trong xã hội và chính trị, và nơi mà tỷ lệ dự lễ nhà thờ nói chung cao hơn so với bình quân cả nước.]
Và ngay cả trong số những người tự xưng là Cơ Đốc nhân, các cuộc nghiên cứu và khảo sát của Viện Nehemiah và các tổ chức khác cho thấy rằng đại đa số bác bỏ thế giới quan trong Kinh Thánh vốn đã định hình người dân Hoa Kỳ trong nhiều thế kỷ.
Với sự suy tàn của Cơ Đốc Giáo và thế giới quan trong Kinh Thánh ở Hoa Kỳ, các thể chế chính trị tự do mà họ tạo ra cũng bị xói mòn.
Có lẽ nhân vật quan trọng nhất chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ nhanh chóng của Cơ Đốc Giáo ở Hoa Kỳ và lan rộng ra các nước phương Tây là Dewey.
Tuyên ngôn Nhân văn (Humanist Manifesto)
Một bài viết trước của loạt bài này đã đề cập đến những quan điểm nổi tiếng theo chủ nghĩa tập thể của Dewey, bao gồm sự say mê của ông với Liên Xô và khát khao biến Hoa Kỳ thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa.
Một người cộng sản tên là Robert Owen đã đặt nền tảng cho sự chuyển đổi này vào đầu những năm 1800. Các bài viết về giáo dục của ông đã truyền cảm hứng cho chính phủ Phổ tiếp quản giáo dục. Nhiều thập kỷ sau, Bộ trưởng Giáo dục Massachusetts Horace Mann, một người theo chủ nghĩa tập thể hướng đến xã hội không tưởng, đã du nhập hệ thống vô thần đó vào Hoa Kỳ.
Cuối cùng, Dewey đã nắm quyền kiểm soát mô hình đó, kết hợp nó với tư tưởng và tinh thần của Liên Xô, và thúc đẩy mạnh mẽ việc biến đổi cơ bản Hoa Kỳ một cách hiệu quả.
Phần 3 của loạt bài này chủ yếu tập trung vào quan điểm của Dewey về chính trị, kinh tế và giáo dục. Nhưng tôn giáo của Dewey cũng là một phần quan trọng. Nó thường được mô tả là “chủ nghĩa vô thần”, tuy nhiên trên thực tế, nó vượt ra ngoài điều đó. Nó không tách rời quan điểm của ông ta về những thứ khác.
Nhà cải cách nổi tiếng này không tìm cách che giấu các quan điểm tôn giáo của mình với công chúng. Trên thực tế, ông là người đóng vai trò chủ chốt và là một trong những người đầu tiên ký tên vào bản “Tuyên ngôn Nhân văn” đầu tiên. Tài liệu tôn giáo này về cơ bản đã kết hợp niềm tin “Chúa không tồn tại” cùng sự cuồng tín đối với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, tạo ra một trong những tôn giáo nguy hiểm nhất mọi thời đại.
Nguyên lý đầu tiên của tôn giáo “mới” này là một cuộc tấn công mở và trực tiếp vào Kinh Thánh và chính giáo thịnh hành đương thời — đặc biệt là tấn công vào quan niệm rằng một Đức Chúa Trời toàn năng và toàn trí đã tạo ra vũ trụ và Trái Đất như trong Sáng Thế Ký 1:1, câu đầu tiên của Kinh Thánh.
“Các nhân sĩ tôn giáo coi vũ trụ là tự tồn tại và không phải do ai tạo ra,” theo nguyên lý đầu tiên trong tuyên ngôn tôn giáo của Dewey. Và hãy lưu ý rằng: Dewey và đoàn thể của ông công nhận rằng trên thực tế hệ thống tín ngưỡng của họ là một tôn giáo.
Ngoài những hàm ý to lớn đối với tôn giáo, ý nghĩa chính trị và kinh tế của tuyên bố này cũng rất thâm sâu.
Mục tiêu hướng đến xã hội chủ nghĩa
Những Tổ phụ Lập quốc của Hoa Kỳ tin vào một chân lý “hiển nhiên” rằng Chúa đã tạo ra con người và ban cho họ một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, như được giải thích rõ ràng trong Tuyên ngôn Độc lập. Thật vậy, họ nói mục đích của chính phủ là bảo vệ những quyền do Chúa ban tặng như quyền được sống, quyền tự do, v.v.
Nhưng theo tôn giáo của Dewey, không có vị Chúa nào. Và nếu không có Chúa, thì không thể có quyền do Chúa ban cho. Thực tế, Dewey công khai thù địch với quan điểm rằng ai cũng có quyền bất khả xâm phạm đối với tài sản tư nhân hoặc bất kỳ thứ gì khác. Rốt cuộc, nếu không có Chúa ngăn cấm việc ăn cắp tài sản tư nhân, hoặc thậm chí giết người, thì không có lý do siêu việt nào để giải thích vì sao mọi người phải có quyền bất khả xâm phạm đối với mọi thứ. Đây là một công thức cho một chế độ toàn trị.
Tư tưởng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa tập thể đằng sau quan điểm này đều được thể hiện rõ ràng trong bản Tuyên ngôn Nhân văn.
Họ viết: “Các nhân sĩ tin chắc rằng: xã hội hoạt động vì lợi nhuận và tích trữ của cải cho thấy nó không thể đáp ứng và cần phải có sự thay đổi căn bản về phương pháp, sự kiểm soát và động cơ. Phải thiết lập một trật tự kinh tế xã hội hóa hợp tác để có thể thực hiện được việc phân phối công bằng các phương tiện sống.”
Đây là lời xảo biện giống hệt như mọi kẻ chuyên chế cộng sản trong thế kỷ 20 đã làm: Động cơ lợi nhuận là xấu, vì vậy cần phải thực hiện thay đổi triệt để, bao gồm cả quyền sở hữu tập thể về tư liệu sản xuất. Đây là tầm nhìn chỉ đạo của những nhân vật nổi bật như Castro, Lenin, Mao, Stalin, Pol Pot, Chavez, Maduro, triều đại Kim, và nhiều người khác. Vô số hàng triệu người đã chết khi họ áp đặt những tư tưởng này.
Nhưng những Cơ Đốc nhân Hoa Kỳ theo chủ nghĩa cá nhân với lòng sùng kính Chúa và quyền tự do được Chúa ban tặng sẽ khó có thể từ bỏ đức tin thâm căn cố đế, sự tự do mà họ vất vả giành được hay quyền sở hữu tài sản mà không cần đấu tranh của họ. Vì vậy, Dewey và các học trò của ông, vốn được nhà tư bản Rockefeller tài trợ tiền, trớ trêu thay lại hiểu rằng “giáo dục” rất quan trọng để thay đổi thái độ của mọi người.
Tuy nhiên, nó phải được thực hiện trong âm thầm. “Thay đổi phải đến dần dần,” Dewey giải thích trong một bài luận năm 1898 kêu gọi các trường học bớt chú trọng hơn vào việc đọc và viết, thay vào đó là chủ nghĩa tập thể. “Việc ép buộc thay đổi quá mức sẽ ảnh hưởng đến sự thành công cuối cùng vì đã thúc đẩy một phản ứng bạo lực.”
Một tôn giáo quốc gia mới
Charles F. Potter, một người đồng ký tên trong “Tuyên ngôn Nhân văn” và là một cộng sự của Dewey, đã trình bày rõ ràng những điều mà ít người dân Hoa Kỳ sẵn sàng xem hoặc hiểu vào thời điểm đó. Ông viết trong cuốn sách năm 1930 “Chủ nghĩa nhân văn, một tôn giáo mới” (Humanism, a New Religion): “Giáo dục là một đồng minh mạnh mẽ nhất của chủ nghĩa nhân văn, và mọi trường công lập đều là trường học của chủ nghĩa nhân văn.”
“Trường học Chủ nhật hữu thần, họp một giờ một lần mỗi tuần và chỉ dạy một phần nhỏ cho trẻ em, có thể làm được gì để ngăn chặn làn sóng của một chương trình 5 ngày về giáo lý nhân văn?” Potter hỏi một cách khoa trương. Tất nhiên, câu trả lời thực tế là không thể làm gì, như các nhà nhân văn đã hiểu rõ.
Vài thập kỷ sau tuyên bố “bom tấn” của Potter, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ chính thức hóa tất cả. Sau nhiều thế kỷ giữ vị trí trung tâm của nền giáo dục Hoa Kỳ, Kinh Thánh và lời cầu nguyện trong trường học, theo quy định của chính quyền địa phương và tiểu bang từ khi giáo dục công lập ra đời, đột nhiên bị cho là “vi hiến”.
Họ cho rằng Kinh Thánh và lời cầu nguyện trong các trường học địa phương vi phạm Tu chính án thứ nhất, vốn cấm Quốc hội thông qua luật công nhận việc thiết lập tôn giáo. Tính “logic” của pháp luật, hoặc thiếu cả logic, khiến tòa án thay đổi như lật bánh tráng.
Một công chúng được giáo dục tốt sẽ có thể thấu tỏ đúng sai trước sự lừa dối này. Rốt cuộc, khi Tu chính án thứ nhất được soạn thảo và phê duyệt, và rất lâu sau đó, hầu hết các tiểu bang đã thực sự thành lập nhà thờ. Nhưng sau nhiều thập kỷ, dù các tiêu chuẩn giáo dục và chiến dịch tuyên truyền nhân văn trong trường học đã suy giảm, phần lớn dân chúng đã nhẹ nhàng chấp nhận quyết định muốn biến đổi Hoa Kỳ của Dewey.
Ít nhất, có một người trọng công lý là Potter Stewart hiểu điều gì đang thực sự xảy ra.
“Do đó, việc từ chối cho phép các hoạt động tôn giáo không được coi là đang thực hiện tính trung lập của nhà nước, mà là đang thiết lập một tôn giáo của chủ nghĩa thế tục,” ông thể hiện bất đồng chính kiến, sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa thế tục” (secularism) để mô tả những gì Dewey và các đồng nghiệp của ông gọi là chủ nghĩa nhân văn.
Nói tóm lại, dưới chiêu bài bảo vệ Hiến pháp, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã làm mọi điều mà Hiến pháp ngăn cản Quốc hội thực hiện: Nó thiết lập một tôn giáo quốc gia và buộc người dân Hoa Kỳ ủng hộ nó bằng tiền thuế của họ, và quan trọng hơn là bằng con cái họ.
Lý do cho Tu chính án đầu tiên đã rõ ràng – những Tổ phụ đã lo lắng rằng một số giáo phái của những người theo đạo Tin lành có thể cố gắng biến mình thành quốc giáo chính thức. Họ không bao giờ có thể tưởng tượng được chưa đầy hai thế kỷ sau khi thành lập một quốc gia Cơ Đốc Giáo mới, các thể chế mà họ thiết lập sẽ áp đặt chủ nghĩa nhân văn chống Cơ Đốc Giáo [nguyên thủy] lên người dân Hoa Kỳ thông qua giáo dục công và luật pháp. Nhưng đó chính xác là những gì đã xảy ra.
Các trường học công trên khắp Hoa Kỳ cho đến ngày nay vẫn giả vờ “trung lập” về các vấn đề tôn giáo, ngay cả khi họ dạy trẻ em tin vào chủ nghĩa nhân văn, như thể chủ nghĩa nhân văn không phải là một hệ thống tín ngưỡng tôn giáo. Tuy nhiên, Dewey và các nhân sĩ đồng môn của ông ta đã công nhận nó là một tôn giáo. Và các tòa án liên bang cũng vậy.
Gần đây nhất là năm 2014, một tòa án liên bang ở Oregon đã tuyên bố như vậy. “Tòa án nhận thấy rằng Chủ nghĩa Nhân văn Thế tục là một tôn giáo hướng đến các mục đích của Điều khoản Thành lập (Establishment Clause)”, Thẩm phán Ancer Haggerty viết trong phán quyết, điều này không liên quan đến các trường học trong trường hợp này nhưng vẫn liên quan nhiều đến giáo dục.
Ngày nay, tôn giáo độc tài về chủ nghĩa nhân văn của Dewey được khắc sâu vào tâm trí của mọi đứa trẻ học trường công bởi những giáo viên thậm chí không ý thức được điều đó. Các cuộc thăm dò hiện nay cho thấy hơn một nửa số dân Hoa Kỳ trẻ tuổi theo chủ nghĩa xã hội.
Dewey sẽ tự hào. Nhưng người dân Hoa Kỳ nên cảm thấy phẫn nộ.
Ông Alex Newman là một cộng tác viên tự do. Ông Newman là một ký giả, nhà giáo dục, tác giả, và nhà tư vấn quốc tế từng đạt giải thưởng, người đã đồng sáng tác cuốn sách “Tội Ác của Các Nhà Giáo Dục: Cách Những Người Theo Chủ Nghĩa Bình Quân đang Sử Dụng Trường Học của Chính Phủ để Hủy Hoại Trẻ Em Mỹ” (“Crimes of the Educators: How Utopians Are Using Government Schools to Destroy America’s Children”). Ông là giám đốc điều hành của Public School Exit cũng như của Liberty Sentinel Media, và viết cho các ấn phẩm đa dạng ở Hoa Kỳ và ngoại quốc.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.