Japan House: Một Nhật Bản thu nhỏ giữa lòng London
30 sứ giả mang hoa người Nhật đã thực hiện một chuyến bộ hành dọc theo những con phố của quận Kensington, thủ đô London.
Điều này khiến chúng ta hồi tưởng lại hình ảnh của những người buôn hoa trong thời cổ đại Edo của Nhật Bản. Họ gánh theo chiếc giỏ đầy những nhành hoa rực rỡ được cắm khá công phu bởi nghệ nhân Azuma Makoto. Hoạt động này như một cách quảng bá sự xuất hiện của văn hóa “Nhật Bản trong một tòa nhà,” cũng là cách thể hiện tình cảm của ông Michael Houlihan, tổng giám đốc của Japan House London xuất hiện trong video ra mắt của công ty.
Hương thơm ngào ngạt cùng với sự xuất hiện của các sứ giả hoa có thể dẫn dắt du khách quay trở về một đất nước Nhật Bản cổ xưa – nơi có những chiếc chiếu tatami, những cánh cửa trượt giấy tráng men và những hàng hiên gỗ. Và tất cả những điều này sẽ được tái hiện tại Trung tâm văn hóa Nhật Bản mới ra mắt của London tên là Japan House London, nơi văn hóa hiện đại và cổ điển cùng song hành tồn tại.
Là một Japan House duy nhất tại Âu Châu, địa điểm này đã thực sự mang làn gió cổ xưa và truyền thống của Nhật Bản đến với thủ đô London, đã vượt qua rào cản giao nhau sáo rỗng của nền văn hóa Đông và Tây phương. Nơi đây là đất nước Nhật Bản được truyền tải theo cách mới, một nước Nhật của thế kỷ 21.
Japan House tọa lạc trên con phố Kensington, là một trong những vị trí bất động sản đáng mơ ước nhất của thành phố London, bên cạnh đó còn có Los Angeles và São Paulo là những địa điểm được chính phủ Nhật Bản lựa chọn để khắc họa một Nhật Bản đích thực vượt lên trên những gì rập khuôn và sáo rỗng.
Khu vực này có rất nhiều công trình kiến trúc giàu tính lịch sử. Đó là một khu phố thượng lưu – nơi ở của những người giàu có, nổi tiếng và thậm chí cả hoàng gia. Đó là bảo tàng Lịch sử tự nhiên danh tiếng thế giới với lối kiến trúc Romanesque ngoạn mục, và đó là Royal Albert Hall là nơi tổ chức các buổi hòa nhạc Proms hàng năm với nhiều màn trình diễn đẳng cấp thế giới. Bên phải của tòa nhà Japan House còn có cung điện Kensington, nơi ở của gia đình công tước xứ Cambridge, cũng như vợ chồng công tước xứ Sussex.
Mặc dù sứ giả mang hoa xuống phố là phong tục truyền thống, nhưng sứ giả hoa của Japan House hiện đang sử dụng trang phục được thiết kế bằng chất liệu vải denim thế kỷ 21. Đây là một sản phẩm của công ty may mặc Dairec ở Kojima, tỉnh Okayama, một khu vực của Nhật Bản nổi tiếng với denim và sản xuất hàng dệt may. Japan House đang muốn truyền tải một thông điệp rằng: bảo tồn truyền thống nhưng vẫn phù hợp với thời hiện đại.
Bên trong tòa nhà
Dạo bước đến Japan House, bạn sẽ được chứng kiến một công trình kiến trúc do kiến trúc sư Bernard George thiết kế và được xây dựng vào năm 1933. Trước đây, nơi này là một cửa hàng bách hóa mang tên Derry & Toms với bức tường ngoại thất được chạm khắc cầu kỳ cũng như các vật liệu kim loại tinh xảo được chế tác bởi nhà điêu khắc Walter Gilbert. Gilbert đã không ít lần tham gia vào việc xây dựng các cổng của cung điện Buckingham.
Bạn sẽ khám phá cái mà người Nhật gọi là “washitsu” đằng sau cánh cửa kia. Đó là căn phòng truyền thống trải chiếu tatami mà chúng tôi đã tưởng tượng trước đây. Khung cảnh đó giống hầu hết những ngôi nhà của Nhật Bản, có “fusuma” (cửa trượt) và “tokonoma”, nơi trưng bày các vật phẩm xinh xắn được đánh giá cao, chẳng hạn như bình cắm hoa ikebana hoặc cuộn tranh treo kakemono. Du khách có thể chiêm ngưỡng các vật phẩm nghệ thuật quý giá từ khu triển lãm tokonoma của Japan House.
Tokonoma là một trong những nét truyền thống mà nhà thiết kế danh tiếng Katayama Masamichi đã luôn đưa vào những tác phẩm nội thất của mình. Katayama đã hình dung Japan House là tokonoma của London và xem đây chính là nơi thể hiện nét thẩm mỹ đích thực của Nhật Bản. Du khách có thể đi lên ba tầng lầu bằng cầu thang xoắn ốc do ông thiết kế. Với hơn 100 người lành nghề, từ nhà thiết kế, nghệ nhân đến công nhân thép đã bỏ ra 8 tháng để chế tác 51 bậc thang thép từ đầu đến cuối.
Những viên gạch thủ công lát bậc thang được vận chuyển từ đảo Awaji của Nhật Bản, nơi các nghệ nhân đã sản xuất gạch trong 400 năm. “Kawara” (ngói lợp nhà) của họ trong lịch sử được dùng cho mái nhà và làm đồ trang trí giống như gargoyle*. Tuy nhiên ngói hiện nay cũng được sử dụng để lót sàn nhà. Tổng cộng khoảng 14.500 viên gạch lát nền được làm bởi 13 thợ thủ công trong suốt 4 tháng. Những viên gạch đất sét được nung, hong khô ngoài trời khoảng một tuần, sau đó được đo chính xác và cắt tỉ mỉ bằng tay.
Japan House có tất cả mọi thứ mà bạn mong đợi từ một đại sứ văn hóa bao gồm không gian triển lãm, phòng trưng bày, nhà hàng, thư viện, văn phòng du lịch, và tất nhiên, một cửa hàng được tuyển chọn đẹp mắt với tất cả những bảo vật của Nhật Bản.
Một số người thợ thủ công cũng có thể đưa những tác phẩm vào triển lãm, ví dụ như như triển lãm có chủ đề “Sự sống của kim loại: chế tác kim loại từ vùng Tsubame Sanjo,” được trưng bày từ tháng 9 đến tháng 01/2018, tái hiện cuộc sống một vùng ở tỉnh Niigata nổi tiếng với các công ty và xưởng gia công kim loại, nơi sản xuất nhiều mặt hàng, bao gồm phần lớn dao kéo của Nhật Bản. Di sản sản xuất đồ đồng của khu vực này đã mang lại cho nó danh hiệu “báu vật sống của quốc gia.”
Chuyên gia thư tịch Haba Yoshitaka của Bach (một công ty chuyên về mọi thứ liên quan đến sách, từ xây dựng cửa hàng, phân phối đến sản xuất sách) đã tổ chức trưng bày trong thư viện theo nhiều chủ đề khác nhau nhằm quảng bá các loại sách giấy nổi bật.
Sau khi bạn đã lướt qua, tận hưởng và tìm hiểu mọi thứ trong dinh thự Nhật Bản này thì nhà hàng là nơi có vẻ hấp dẫn hơn hết. Thiết kế của nhà hàng kết hợp phong cách “doma” truyền thống Nhật Bản, nghĩa là dành ra khoảng không gian mở giữa trong nhà và ngoài trời như một phần của nhà bếp, đồng thời cũng là nơi gia đình và bạn bè quây quần trò chuyện. Japan House đã tạo ra doma của riêng mình, kết hợp Nhật Bản cổ đại với hiện đại. Hai thành tố này đều được đặt dưới cùng một mái nhà tại 101–111 Kensington High Street với tên gọi “Nhật Bản trong một tòa nhà”. Xin trân trọng kính mời bạn ghé thăm.
Lorraine Ferrier, nữ tác giả chuyên viết về mảng mỹ thuật và thủ công cho The Epoch Times. Bài viết của cô chủ yếu xoay quanh các nghệ sĩ và nghệ nhân đến từ vùng Bắc Mỹ và Âu Châu, những nghệ sĩ với phong cách chế tác thấm đẫm vẻ đẹp và giá trị truyền thống. Cô đặc biệt quan tâm đến những ngành nghệ thuật và thủ công hiếm gặp và ít được biết đến. Cô hy vọng rằng chúng ta có thể bảo tồn di sản nghệ thuật truyền thống. Cô sinh sống và sáng tác tại vùng ngoại ô thành phố London, Anh quốc.
Chú thích của dịch giả:
- Cargoyle là các tượng điêu khắc được trang trí cực kỳ đa dạng gắn với ống máng thoát nước mái ở trên các mặt tường của tòa nhà.
- Tokonoma (床 の 間 ), hay đơn giản là toko (床), là một không gian lõm trong phòng tiếp khách kiểu Nhật Bản, trong đó trưng bày các vật phẩm nghệ thuật được đánh giá cao. Trong tiếng Anh, một tokonoma có thể được gọi là một hốc tường.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: