James Carafano: Quân đội Hoa Kỳ cần hùng mạnh và cạnh tranh để đối phó với Trung Quốc và Nga
Theo ông James Carafano, mục đích của quốc phòng là “bảo vệ các lợi ích quan trọng của Mỹ”. Để đạt được điều đó, nền quốc phòng của Hoa Kỳ cần phải hùng mạnh, có sức cạnh tranh, cần hoạt động trong không gian vũ trụ và tiến hành các hoạt động mạng để chống lại các mối đe dọa phát sinh từ Trung Quốc, Nga, Iran hoặc Triều Tiên.
Là Giám đốc Trung tâm Douglas và Sarah Allison về Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, kiêm Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế Kathryn và Shelby Cullom Davis thuộc Quỹ Di sản, ông Carafano nhấn mạnh: “Có lẽ chúng ta còn ở dưới mục tiêu một chút, những gì chúng ta cần phải có” để giải quyết những mối đe dọa này.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với chương trình ‘Crossroads’ [Giao lộ] của The Epoch Times, ông Carafano cho rằng có nhiều phương tiện khác nhau để đạt được mục tiêu đó, chẳng hạn như ngoại giao, kinh tế hoặc quân sự, nhưng chúng không thể thay thế cho nhau được. Giống như “ba nhà ngoại giao không tạo nên một bộ phận”, tất cả những yếu tố này đều đóng vai trò quan trọng trong việc phòng thủ của quốc gia.
Theo ông Carafano, các mối đe dọa mà Hoa Kỳ phải đối mặt ngày nay do các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Iran và Nga gây ra. Khi gộp lại, chúng “tương đương với thách thức phải đối phó với Liên Xô” trong Chiến tranh Lạnh. Nhưng lực lượng mà Hoa Kỳ hiện có để chống lại những mối đe dọa này “thực sự là một phần nhỏ của những gì mà đất nước [chúng ta] đã có trong Chiến tranh Lạnh”, ông Carafano giải thích.
Cả chất lượng và số lượng đều quan trọng trong quốc phòng. Chất lượng đồng nghĩa với việc có những lĩnh vực cạnh tranh mới trong quốc phòng, ông Carafano nhận định và đưa ra ví dụ về vũ khí siêu thanh.
“Hoa Kỳ thực sự đã phát triển khoa học và công nghệ cho vũ khí siêu thanh, nhưng sau đó [họ] không chế tạo chúng. Tuy nhiên, người Trung Quốc và người Nga đã lấy thông tin và khoa học đó để chế tạo những vũ khí như vậy”, ông Carafano dẫn chứng.
Theo ông Carafano, “đây là một bất lợi về chất trước kẻ thù của chúng ta”, điều mà Hoa Kỳ chưa từng trải qua kể từ Thế chiến II.
Số lượng cũng rất quan trọng khi nói đến quốc phòng của Hoa Kỳ. “Đó là bởi vì đối thủ của Hoa Kỳ chỉ cần gây ảnh hưởng trong khu vực của họ là đủ, nhưng Hoa Kỳ lại cần phải hùng mạnh trên toàn thế giới”, ông Carafano giải thích.
“Nga chỉ cần mạnh ở Tây Âu, Trung Quốc chỉ cần mạnh hơn các nước trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, Iran chỉ cần có ảnh hưởng ở Trung Đông, Bắc Hàn chỉ cần đe dọa Đông Bắc Á, nhưng Hoa Kỳ sẽ phải giải quyết tất cả những vấn đề đó”, ông Carafano biện luận.
Theo ông Carafano, Hoa Kỳ cần làm việc với các đồng minh và bạn bè của mình, và họ sẽ chỉ sát cánh với Hoa Kỳ nếu như Hoa Kỳ có “năng lực đầy ý nghĩa” và có khả năng đối phó với các mối đe dọa và thách thức trên toàn cầu, vì vậy số lượng vũ khí cũng rất quan trọng.
Ngày nay, chi tiêu quân sự không phải là một phần lớn của ngân sách quốc gia. Khi ông Dwight Eisenhower làm tổng thống, 50% ngân sách liên bang được chi cho quốc phòng. Và để chống lại Chiến tranh Lạnh, chi tiêu quốc phòng lên tới 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), ông Carafano lưu ý.
Thời kỳ hiện nay, chỉ có 20% ngân sách liên bang dành cho quốc phòng, chỉ chiếm 3% GDP, ông Carafano nêu rõ và cho rằng [chính phủ Hoa Kỳ] cần chi nhiều tiền hơn nữa cho các nhu cầu khác, như chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, giáo dục, phúc lợi và các nhu cầu khác.
Vấn đề là người ta muốn chi tiền cho nhiều thứ khác và không nhận ra sự cần thiết phải chi tiêu cho quân đội cho đến khi chiến tranh bắt đầu nhưng sau đó đã quá muộn, ông Carafano cảnh báo.
Ý tưởng là có thể duy trì được hòa bình thông qua sức mạnh, làm thoái chí kẻ thù để họ không muốn tham gia vào một cuộc xung đột với một quốc gia hùng mạnh, ông Carafano giải thích và tiếp tục nhấn mạnh rằng việc răn đe là “vô cùng hiệu quả về kinh tế”.
“Giống như những người không muốn mua bảo hiểm cho đến khi họ bị tai nạn ô tô”, ông Carafano so sánh.
Không gian và chiến tranh mạng
Theo ông Carafano, với sự nổi lên của chiến tranh không gian vũ trụ và chiến tranh mạng, chiến trường đã thay đổi nhưng các loại hình hoạt động quân sự mới này vẫn chưa thể thay thế quân đội truyền thống. Các hoạt động vũ trụ, hoạt động không gian mạng và hoạt động dưới biển “là hoàn toàn quan trọng” và đi cùng với các hoạt động quân sự truyền thống để tạo nên khả năng quân sự.
Trong quá khứ, một quốc gia có thể chỉ là một cường quốc trên biển hoặc chỉ là một cường quốc trên bộ, nhưng “những thứ đó đã qua lâu rồi”, ông Carafano nói khi so sánh quân đội với một đội bóng chày; “đội tham dự [trận chung kết] World Series [của giải bóng chày MLB tại Bắc Mỹ]” cần phải có một “người ném bóng, bắt bóng và săn bóng tuyệt vời” để có thể tấn công.
Ông Carafano cho rằng: “Một quân đội thực sự có thể cạnh tranh trên thế giới” phải có khả năng thực hiện các hoạt động không gian mạng, đối phó với các mối đe dọa hỗn hợp [hybrid threats], hoạt động trong không gian, trên biển, dưới biển, trên đất liền, v.v. Vì vậy, đó là điều cần thiết để có một lực lượng vũ trụ và hoạt động trong không gian mạng.
Theo ông Carafano, có rất nhiều thứ ứng dụng trong quân sự và công nghệ tiên tiến, được sử dụng trong quân đội, là thuộc khu vực tư nhân và cũng được sử dụng trong các ứng dụng thương mại như giao tiếp/truyền thông.
Cả năng lực của khu vực tư nhân và nhà nước đều quyết định liệu một quốc gia có phải là một cường quốc quân sự hay không. Mức độ cạnh tranh cao, và quan điểm rằng bằng cách nào đó lợi ích toàn cầu của Mỹ có thể được bảo vệ bằng giá rẻ “là vô cùng phi thực tế và rất nguy hiểm”, ông Carafano kết luận.