Ít nhất 16 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa Armenia và Azerbaijan
Ngày 27/9, có ít nhất 16 quân nhân và một số thường dân đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ dữ dội nhất giữa Armenia và Azerbaijan kể từ năm 2016, làm dấy lên lo ngại về sự ổn định ở Nam Caucasus, một hành lang dành cho các đường ống dẫn dầu và khí đốt đến các thị trường trên thế giới.
Từng xảy ra chiến tranh vào những năm 1990, các cuộc đụng độ giữa 2 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, là đợt bùng phát mới nhất của một cuộc xung đột kéo dài về vùng Nagorno-Karabakh, khu vực tranh chấp nằm trong Azerbaijan nhưng do người Armenia kiểm soát.
[Chính quyền] vùng Nagorno-Karabakh cho biết 16 quân nhân của họ đã thiệt mạng và hơn 100 người bị thương sau khi Azerbaijan tiến hành một cuộc tấn công bằng không quân và pháo binh vào sáng sớm ngày 27/9. Armenia và vùng Nagorno-Karabakh đã tuyên bố thiết quân luật và huy động nam giới [nhập ngũ].
Azerbaijan, quốc gia cũng tuyên bố thiết quân luật, cho biết lực lượng của họ đã đáp trả các cuộc pháo kích của Armenia, và họ đã giành quyền kiểm soát 7 ngôi làng, mặc dù vùng Nagorno-Karabakh đã bác bỏ điều này. Văn phòng công tố của Azerbaijan thông báo, pháo kích của Armenia đã khiến 5 thành viên trong một gia đình thiệt mạng.
Các cuộc đụng độ đã thúc đẩy một làn sóng ngoại giao, nhằm ngăn chặn sự bùng phát mới của một cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa Armenia với đa số dân theo Cơ Đốc giáo và Azerbaijan với người dân chủ yếu theo đạo Hồi, với việc Nga kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, [trong khi] một cường quốc khác trong khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ, tuyên bố sẽ ủng hộ Azerbaijan.
Các đường ống vận chuyển dầu và khí đốt tự nhiên [ở vùng] Caspian từ Azerbaijan đến [các nước khác trên] thế giới, sẽ đi qua [khu vực] gần vùng Nagorno-Karabakh. Trước đó, vào tháng 7/2020, Armenia cũng cảnh báo về những rủi ro an ninh ở Nam Caucasus, sau khi Azerbaijan đe dọa tấn công nhà máy điện hạt nhân của Armenia, như một đòn trả đũa có thể xảy ra.
Vùng Nagorno-Karabakh đã tách khỏi Azerbaijan sau khi nổ ra một cuộc xung đột, khi Liên xô sụp đổ vào năm 1991.
Sau khi hàng nghìn người thiệt mạng và nhiều người khác phải di dời, một lệnh ngừng bắn đã được thỏa thuận vào năm 1994. Tuy nhiên, Azerbaijan và Armenia thường xuyên cáo buộc lẫn nhau về các cuộc tấn công xung quanh vùng Nagorno-Karabakh và dọc biên giới tách rời giữa Azerbaijan và Armenia.
Trong cuộc đụng độ hôm 27/9, các nhà hoạt động nhân quyền Armenia cho biết một phụ nữ và trẻ em người Armenia cũng bị thiệt mạng.
Ngoại giao quốc tế
Armenia cho biết các lực lượng của Azerbaijan đã tấn công các mục tiêu dân sự bao gồm Stepanakert, thủ phủ của Nagorno-Karabakh, và thề sẽ có “phản ứng tương xứng”.
Ông Nikol Pashinyan, Thủ tướng của Armenia, đã viết trên Twitter, “Chúng tôi sẽ luôn mạnh mẽ bên cạnh quân đội của mình, để bảo vệ đất mẹ của chúng tôi trước cuộc xâm lược của Azerbaijan.”
Về phía Azerbaijan, nước này đã bác bỏ tuyên bố của Bộ Quốc phòng Armenia nói rằng máy bay trực thăng và xe thiết giáp của Azerbaijan đã bị phá hủy, đồng thời cáo buộc các lực lượng Armenia tiến hành các cuộc tấn công “cố ý và nhắm mục tiêu” dọc theo chiến tuyến.
Trong một bài phát biểu trước quốc gia, ông Ilham Aliyev, Tổng thống của Azerbaijan tuyên bố, “Chúng tôi sẽ bảo vệ lãnh thổ của mình, mục đích của chúng tôi là đúng đắn!”
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đang bàn thảo với các thành viên của nhóm Minsk, nhóm hòa giải giữa Armenia và Azerbaijan. Nga, Pháp và Hoa Kỳ là đồng chủ tịch.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói chuyện qua điện thoại với ông Pashinyan, Thủ tướng Armenia, nhưng không có thông tin chi tiết về cuộc trò chuyện, và ông Tayyip Erdogan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đã nói chuyện với ông Aliyev, Tổng thống của Azerbaijan.
Ông Erdogan đã hứa hẹn sẽ ủng hộ đồng minh truyền thống Azerbaijan và nói Armenia là “mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình trong khu vực”, đồng thời kêu gọi “toàn thế giới hãy sát cánh cùng Azerbaijan trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược và sự tàn ác này”.
Đáp trả, ông Pashinyan kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo Thổ Nhĩ Kỳ không can dự vào cuộc xung đột.
Pháp cũng kêu gọi các bên chấm dứt các hành vi thù địch, và Giáo hoàng Francis kêu gọi 2 nước giải quyết những bất đồng thông qua các cuộc đàm phán.
Liên minh châu Âu cùng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng đã thúc giục cả 2 bên ngừng các hành động quân sự và quay trở lại đàm phán.
Có ít nhất 200 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan trong tháng 4/2016, và ít nhất 16 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ trong tháng 7/2020.