Israel ra lệnh dời Đại sứ quán của họ ở Kyiv
Hôm thứ Hai (21/02), Bộ Ngoại giao Israel thông báo rằng, Israel đã ra lệnh di tản đại sứ quán của họ ở Kyiv, đồng thời hướng dẫn nhân viên của họ dời địa điểm đến Lviv ở miền Tây Ukraine, trong bối cảnh lo ngại về một cuộc xâm lược tiềm tàng của Nga.
Lviv nằm cách biên giới phía tây của Ukraine với Ba Lan khoảng 50 dặm (80km).
Nga đã phủ nhận mọi kế hoạch xâm lược Ukraine, và cáo buộc các đồng minh phương Tây về việc mở rộng của NATO đang đe dọa đến an ninh của Moscow khi Ukraine tìm cách có được tư cách thành viên.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau lệnh sơ tán này, Tổng thống (TT) Nga Vladimir Putin cho biết ông đang tiến tới công nhận “nền độc lập” của hai khu vực ở miền Đông Ukraine — khu vực Donetsk và khu vực Lugansk do các nhóm ly khai thân Nga nắm giữ. Sau đó, ông đã ký một sắc lệnh ra lệnh cho quân đội Nga tiến vào hai khu vực này, nằm trong vùng Donbas của Ukraine, để thực hiện “các hoạt động gìn giữ hòa bình.”
Tòa Bạch Ốc kể từ đó đã công bố các lệnh trừng phạt để đáp lại sắc lệnh của TT Putin, sau những lời yêu cầu khẩn thiết hành động của Ukraine trước bất kỳ “cuộc bắn phá” nào từ phía Nga.
Trong một bản cập nhật trên Twitter, Bộ Ngoại giao Israel cho biết, “Sau khi đánh giá tình hình tại [Bộ Ngoại giao này], cũng như các cuộc thảo luận với các bên quốc tế khác nhau, [Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Yair Lapid] đã quyết định chỉ thị cho các nhân viên tại Đại sứ quán Israel trong [Kyiv] chuyển đến các văn phòng lãnh sự được mở tại thành phố Lviv ở miền tây Ukraine.”
Bộ Ngoại giao này cho biết thêm, “Văn phòng lãnh sự ở Lviv đang nỗ lực để cung cấp giấy tờ đi lại cho công dân Israel kể từ thứ Năm (17/02/2022) và sẽ hỗ trợ cho những công dân nào muốn rời khỏi đất nước này, chủ yếu thông qua các cửa khẩu biên giới trên bộ đến các nước láng giềng.”
“Bộ Ngoại giao đã chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ diễn biến nào, bao gồm cả khả năng có một lối thoát trên bộ. Trong khuôn khổ này, các nhà ngoại giao Israel đóng tại Lviv cũng như những người phục vụ tại Ba Lan, Slovakia, Romania, Moldova, và Hungary đã tổ chức các chuyến thăm tới các cửa khẩu biên giới với Ukraine, đồng thời gặp gỡ các nhà chức trách [của Ukraine] tại các cửa khẩu này, để có được một lối đi cho công dân Israel muốn rời khỏi Ukraine.”
Israel đang có khoảng 15,000 công dân ở Ukraine.
Hành động này phản ánh những gì mà Hoa Kỳ đã làm vào tuần trước khi đóng cửa đại sứ quán ở Kyiv và chuyển hoạt động sang Lviv.
Trước đó, vào thứ Hai (14/02), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã yêu cầu những người Mỹ ở Ukraine “lập tức rời đi” bằng đường hàng không tư nhân hoặc thương mại vì một cuộc xâm lược tiềm tàng của Nga có thể gây gián đoạn việc đi lại.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một cảnh báo an ninh: “Bộ Ngoại giao tiếp tục hối thúc công dân Hoa Kỳ lập tức rời khỏi Ukraine bằng các phương tiện thương mại hoặc tư nhân do mối đe dọa gia tăng từ hành động quân sự của Nga.”
Vào đầu hôm thứ Hai, Ukraine và Nga đã tranh luận về tình hình ở miền đông Ukraine, trong đó Nga tuyên bố rằng các binh sĩ Ukraine đã vượt qua lãnh thổ của mình, sau khi lực lượng Nga đã làm thiệt mạng năm binh sĩ của Ukraine.
Các quan chức quân sự Nga đã tuyên bố, thông qua các hãng thông tấn nhà nước, rằng họ đã tiêu diệt năm người nghi là phá hoại từ Ukraine đi vào vùng Rostov của Nga, đồng thời đã phá hủy hai xe thiết giáp.
Vài giờ sau, Ukraine đã bác bỏ các cáo buộc này.
Ngoại trưởng Dmytro Kuleba viết trên Twitter: “Không, Ukraine đã KHÔNG: Tấn công Donetsk hoặc Luhansk; gửi kẻ phá hoại hoặc APC (xe thiết giáp chở quân) qua biên giới Nga; nã pháo vào lãnh thổ Nga; pháo kích biên giới Nga; thực hiện các hành vi phá hoại.”
Các cuộc pháo kích được cho là đã tăng đột biến trong khu vực này bắt đầu từ hôm 17/02 dọc theo tuyến liên lạc căng thẳng chia cắt các lực lượng Ukraine và phiến quân do Nga hậu thuẫn ở vùng Donbas của Ukraine, với các báo cáo về việc cả hai bên đều cáo buộc lẫn nhau về việc vi phạm lệnh ngừng bắn. Hôm 18/02, các thủ lĩnh phe ly khai ở các khu vực Donetsk và Lugansk đã huy động lực lượng quân sự của họ và thông báo di tản hàng trăm nghìn dân thường, nói rằng họ đang bị đe dọa bởi lệnh tấn công tức thời vào khu vực này của Ukraine và có thể sẽ tìm kiếm sự an toàn ở Nga.
Ukraine ngay lập tức đã bác bỏ các tuyên bố này, đồng thời nói rằng không có lệnh sử dụng vũ lực ở các vùng lãnh thổ này. “Đây là một nỗ lực nhằm khiêu khích các lực lượng vũ trang của chúng tôi,” ông Oleksiy Danilov, thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine cho biết vào thời điểm đó.
Năm 2014, quân đội Nga đã chiếm giữ và thôn tính Bán đảo Crimea của Ukraine. Ngay sau đó, Nga đã bắt đầu hỗ trợ các chiến binh ly khai ở vùng Donbas, miền đông Ukraine, vốn đã chiến đấu chống lại lực lượng chính phủ Ukraine kể từ đó. Cuộc chiến này vẫn tiếp diễn kể từ năm 2014, và đã khiến hơn 14,000 người thiệt mạng.
Cô Mimi Nguyen Ly là một phóng viên phụ trách đưa tin về thời sự thế giới với trọng tâm là tin tức Hoa Kỳ. Sống và làm việc tại Úc, cô có kiến thức nền tảng về đo thị lực lâm sàng. Quý vị có thể liên lạc với cô Mimi tại [email protected].
Bản tin có sự đóng góp của Jack Phillips
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: