Israel ghi nhận ca bệnh đầu tiên mắc cả COVID-19 lẫn cúm, gọi là ‘Flurona’
Theo các bản tin từ kênh thông tấn địa phương, Israel đã ghi nhận một trường hợp được cho là ca nhiễm bệnh “flurona” đầu tiên, tức là nhiễm cả virus corona lẫn virus cúm mùa, gọi là nhiễm trùng kép. Hiện tượng này xuất hiện trên một thai phụ chưa được chích ngừa.
Hamodia đưa tin, hôm 30/12, người phụ nữ ẩn danh này biểu hiện ra các triệu chứng nhẹ của virus tại Trung tâm Y tế Rabin ở thành phố Petah Tikva. Cô ấy vẫn khỏe và dự kiến sẽ được xuất viện vào cuối ngày thứ Năm (06/01), theo các quan chức.
“Cô ấy được chẩn đoán mắc bệnh cúm và virus corona ngay khi đến viện. Cả hai xét nghiệm đều cho kết quả dương tính, ngay cả khi chúng tôi xét nghiệm lại một lần nữa,” giáo sư Arnon Vizhnitser, một chuyên gia sản phụ khoa và là Giám đốc Khoa Phụ sản của bệnh viện này cho biết. “Hai bệnh này đều là bệnh [về hô hấp]; đều mang virus và gây khó thở vì cả hai chủng virus này đều tấn công vào đường hô hấp trên.”
Giáo sư Vizhnitser cho biết ông đang chứng kiến ngày càng nhiều trường hợp mà trong đó vừa nhiễm virus corona vừa nhiễm cúm mùa. Cả hai bệnh đường hô hấp dễ lây nhiễm này đều có thể biểu hiện ra các triệu chứng giống nhau như ho, đau họng, sốt, đau nhức cơ, đau người, và cảm thấy mệt mỏi.
Ông Vizhnitser cho biết: “Năm ngoái, chúng tôi đã không chứng kiến trường hợp bị bệnh cúm ở thai phụ hoặc bà mẹ mới sinh. Giờ đây, chúng ta đang chứng kiến những trường hợp nhiễm cả virus corona và virus cúm đang bắt đầu xuất hiện.”
Trong khi phần lớn những người nhiễm cúm có xu hướng hồi phục trong vòng vài ngày hoặc vài tuần, thì ở một số trường hợp, bệnh này có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng như viêm phổi, viêm tim (viêm cơ tim), và suy chức năng đa cơ quan, mặc dù điều này là hiếm.
Tuần trước, một thai phụ 31 tuổi đã tử vong ở Jerusalem sau khi nhiễm cúm, tờ Times of Israel đưa tin. Người phụ nữ này đã hạ sinh một bé trai bằng phương pháp phẫu thuật tại Trung tâm Y tế Hadassah qua đời ngay sau khi được đặt máy thở do biến chứng hô hấp. Con của cô được cho là ở trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Tuy nhiên, ông Elias Mossialos, giáo sư về chính sách y tế tại Trường Kinh tế London, cho biết không có lý do gì để hoảng sợ về cái gọi là “flurona” này cả, mặc dù ông thừa nhận rằng chúng ta có thể thấy ngày càng nhiều trường hợp như vậy xuất hiện trên toàn cầu.
Mossialos viết trên Facebook hôm Chủ Nhật: “Đây không phải là một loại virus mới, mà là sự lây nhiễm đồng thời từ virus corona và virus cúm. Chuyện này đã xảy ra trên một thai phụ ở Israel, nhưng có khả năng chúng ta sẽ thấy một vài trường hợp như vậy ở nhiều quốc gia.”
“Vì vậy, việc chích vaccine ngừa cúm là cần thiết, nhất là đối với những đồng bào dễ bị tổn thương của chúng ta. Đó là điều mà các cơ quan y tế trên toàn thế giới nhấn mạnh,” ông Mossialos nói thêm. “Không có gì phải hoảng sợ cả.”
Israel là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa ra giấy thông hành vaccine và quy định chích ngừa bắt buộc.
Tháng trước, các quan chức chính phủ đã chấp thuận mũi chích bổ sung thứ hai của vaccine COVID-19 cho những người có hệ miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như bệnh nhân ung thư và người ghép tạng.
Sự chấp thuận này được đưa ra gần một tuần sau khi Ủy ban Chuyên gia về Đại dịch của quốc gia đề nghị chích mũi thứ tư của vaccine Pfizer-BioNTech cho những người bị suy giảm miễn dịch, những người trên 60 tuổi, và nhân viên y tế.
Hôm 27/12, Bộ Y tế Israel cũng đã cấp phép khẩn cấp cho một loại thuốc uống kháng virus dạng viên [để điều trị] COVID-19 do Pfizer phát triển, có tên là Paxlovid. Thuốc được uống hai lần mỗi ngày trong năm ngày kết hợp với một loại thuốc thứ hai gọi là ritonavir, một loại thuốc kháng virus thông thường.
Các quan chức nước này và Pfizer cho biết loại thuốc này được cho là dành cho những bệnh nhân đang bị các triệu chứng COVID-19 từ “nhẹ đến trung bình” như một biện pháp phòng ngừa để ngăn không cho bệnh tình trở nặng đến mức phải nhập viện.
Israel đã đặt khoảng 100,000 liều thuốc viên trong nỗ lực giúp chống chọi với đợt bùng phát virus corona mới do biến thể Omicron lây lan với tốc độ rất cao mang lại.
Mặc dù vậy, theo số liệu chính thức, 63.69% dân số nước này đã được chích hai mũi vaccine, trong khi 6.91% được chích một mũi.
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: