Interpol bác bỏ lệnh bắt ông Trump của Iran
“Đó là một trò tuyên truyền không ai xem là nghiêm túc và làm cho người Iran trông thật ngớ ngẩn”, đại diện của Mỹ bình luận về lệnh truy nã của Iran.
Phát ngôn viên Interpol (Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế) khẳng định cơ quan này sẽ không xem xét đề xuất truy nã Trump và các quan chức Mỹ.
“Điều 3 Hiến pháp Interpol cấm mọi hành động can thiệp có tính chất chính trị, quân sự, tôn giáo hoặc chủng tộc,” Interpol nói.
“Do đó, nếu hoặc khi bất kỳ yêu cầu nào như vậy được gửi đến Tổng thư ký, Interpol sẽ không xem xét các yêu cầu có tính chất này”, tổ chức này nói thêm.
Trước đó, hôm 29/6, công tố viên Iran phát lệnh truy nã ông Trump, đề nghị Interpol hỗ trợ bắt Tổng thống và nhiều quan chức Mỹ vì vụ hạ sát tướng Soleimani.
Tướng Soleimani, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), đã bị hạ sát trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở sân bay Baghdad của Iraq đầu năm nay.
Trong khi đó, Đại diện đặc biệt của Mỹ về Iran, ông Brian Hook, tuyên bố trong một cuộc họp báo ở Saudi Arabia: “Đó là một trò tuyên truyền không ai xem là nghiêm túc và làm cho người Iran trông thật ngớ ngẩn”.
“Đánh giá của chúng tôi là Interpol không can thiệp và đưa ra các thông báo đỏ dựa trên bản chất chính trị”, ông Hook nói.
Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định ông Trump có quyền hợp pháp giết Tướng Soleimani khi nhân vật này đứng đằng sau nhiều vụ tấn công nghiêm trọng nhắm vào lính Mỹ.
Mối quan hệ mật thiết giữa Iran và Trung Quốc
Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Iran, và cũng là nước mua dầu thô lớn nhất trước khi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu mỏ Iran có hiệu lực vào tháng 5 năm ngoái. Các nhà phân tích nói rằng từ thời điểm đó, chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu từ Iran.
June Teufel Dreyer, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Miami, cho biết: “Trung Quốc cần dầu và quan hệ đối tác với các quốc gia chống lại Hoa Kỳ: Iran phù hợp với cả hai yếu tố trên”.
Robert Spalding, cựu quan chức cấp cao của Viện nghiên cứu chính sách Hudson tại Washington, nói rằng Bắc Kinh sử dụng mối quan hệ với Iran và các nước khác như Triều Tiên, để khiến Hoa Kỳ không thể tập trung đối phó với những mối đe dọa từ chính quyền Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc từ lâu đã là nhà cung cấp vũ khí cho Iran, bao gồm máy bay chiến đấu, hệ thống tên lửa đất đối không, tên lửa chống hạm và tàu ngầm tấn công.
Tỷ phú Trung Quốc lưu vong tại Hoa Kỳ, ông Quách Văn Quý, cũng tiết lộ thông tin tướng Soleimani và phe phái Giang Trạch Dân của ĐCSTQ có quan hệ thân thiết. Ông ta và Chu Vĩnh Khang đã từng bắt tay cùng nhau thành lập Ngân hàng Côn Lôn để kiểm soát các giao dịch dầu lửa Trung – Iran, bên cạnh đó Soleimani còn sở hữu biệt thự sang trọng tại Hồng Kông.
Ngân hàng Côn Lôn luôn là kênh chính thức của Trung Quốc tiến hành mua dầu của Iran. “Nếu muốn chuyển dầu Iran sang Trung Quốc mà không được sự đồng ý của Soleimani, một thùng cũng không thể có được”, tỷ phú Quách cho biết.
Ông Quách Văn Quý nói rằng tài sản hiện tại của Ngân hàng Côn Lôn lên tới hơn 280 tỷ USD và việc giao dịch của Iran với Ngân hàng Côn Lôn, Trung Quốc là do Khamenei và Soleimani quyết định.