Intel xin lỗi sau phản ứng dữ dội của Trung Quốc về lập trường của công ty về Tân Cương
Intel đã làm dấy lên lòng tự tôn dân tộc ở Trung Quốc khi yêu cầu các nhà cung cấp không tìm kiếm sản phẩm hoặc lao động từ khu vực Tây Bắc Tân Cương, nơi hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ trong các trại giam.
Hôm 23/12, nhà sản xuất vi mạch của Hoa Kỳ đã đăng lời xin lỗi trên tài khoản WeChat và Weibo chính thức của mình vì những “rắc rối” mà họ đã gây ra cho khách hàng Trung Quốc về lập trường của họ đối với vấn đề Tân Cương.
Trong một tuyên bố bằng tiếng Trung, Intel nói rằng cam kết tránh chuỗi cung ứng từ vùng Tân Cương của công ty là một biểu hiện của việc tuân thủ luật pháp Hoa Kỳ, chứ không phải là một tuyên bố về lập trường của họ về vấn đề này.
Công ty này nói rằng, “Chúng tôi xin lỗi vì những rắc rối đã gây ra cho các khách hàng, đối tác, và công chúng Trung Quốc đáng kính của chúng tôi. Intel cam kết trở thành một đối tác công nghệ đáng tin cậy và thúc đẩy phát triển chung với Trung Quốc.”
Phản ứng dữ dội này bắt nguồn từ những gì Intel mô tả như một lá thư thường niên gửi cho các nhà cung cấp. Ảnh chụp màn hình bức thư ngỏ bằng tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Nhật, và các ngôn ngữ khác này đã trở thành xu hướng trên mạng xã hội Trung Quốc trong hai ngày qua sau khi được cư dân mạng Trung Quốc đăng tải trên Weibo, mạng xã hội tương tự như Twitter [của Trung Quốc].
“Intel được yêu cầu phải bảo đảm chuỗi cung ứng của chúng tôi không sử dụng bất kỳ lao động hoặc nguồn hàng hóa hoặc dịch vụ nào từ khu vực Tân Cương,” bức thư này viết, khi nêu rõ mối lo ngại về khả năng lạm dụng lao động cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi Giáo khác.
Trong vòng hơn một ngày, hashtag #IntelToBanXinjiangProducts (Intel sắp cấm hàng hóa đến từ Tân Cương) đã tạo ra khoảng 300 triệu lượt xem và 200 triệu bình luận của người dùng.
Intel kể từ đó đã làm nổ ra các tranh chấp khi cư dân mạng Trung Quốc chỉ trích về các cáo buộc nhân quyền ở Tân Cương. Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ các tuyên bố đó.
Một số cư dân mạng viết rằng: “Ăn cơm Trung Quốc rồi đập vỡ nồi của Trung Quốc,” đồng thời kêu gọi một lời xin lỗi.
Hôm 22/12, anh Vương Tuấn Khải (Karry Wang), ca sĩ chính của nhóm nhạc nam nổi tiếng TFBoys của Trung Quốc, cho biết anh sẽ không còn làm đại sứ thương hiệu cho Intel nữa. “Lợi ích quốc gia luôn vượt trên mọi thứ,” anh Vương nói trong một tuyên bố.
Ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), cựu tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của nhà nước Trung Quốc, đã gọi công ty công nghệ này là “quá kiêu ngạo”.
Tờ báo này cho biết trong một bài xã luận: “Điều chúng ta cần làm là khiến các công ty ngày càng phải trả giá đắt khi xúc phạm Trung Quốc, để thiệt hại của họ vượt quá lợi nhuận của họ.”
Tranh chấp này diễn ra khi Tổng thống Joe Biden chuẩn bị ký Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ, được Thượng viện thông qua hôm 16/12, để cấm tất cả hàng hóa nhập cảng từ Tân Cương.
Chính phủ Hoa Kỳ đã cấm tất cả các sản phẩm bông, cà chua, và một số vật liệu làm pin năng lượng mặt trời từ Tân Cương do lo ngại về lao động cưỡng bức.
Hôm 23/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cho biết trong một cuộc họp báo thường nhật rằng các công ty từ chối các sản phẩm của Tân Cương sẽ phải tự gánh chịu thiệt hại.
Trung Quốc là nơi tạo doanh thu lớn nhất của Intel trong sáu năm liên tiếp kể từ năm 2015.
Đại công ty vi mạch có trụ sở tại California này gia nhập thị trường Trung Quốc vào năm 1985 và tạo ra 20.26 tỷ USD ở Trung Quốc vào năm 2020 — 26% tổng doanh thu — kế đến là doanh thu đến từ Singapore, Hoa Kỳ, và Đài Loan.
Một số công ty đa quốc gia đang ngày càng cảm thấy khó tuân thủ các lệnh trừng phạt thương mại liên quan đến Tân Cương trong khi tiếp tục hoạt động tại Trung Quốc, một trong những thị trường lớn nhất của họ. Hàng chục thương hiệu đã cảm nhận được sự phẫn nộ của Bắc Kinh, khi những người nổi tiếng Trung Quốc — đối mặt với những điều tiếng và nói xấu bởi những kẻ kém văn minh trên mạng Trung Quốc — đã nhanh chóng cắt đứt liên hệ.
Đầu năm nay, Nike, H&M, Tommy Hilfiger, Converse, Puma, và Calvin Klein đã gây ra một cuộc tẩy chay hoàn toàn và mất các đại sứ thương hiệu vì lập trường của họ về vấn đề vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các cư dân mạng Trung Quốc đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến tính khả thi và hiệu quả của các cuộc tẩy chay này.
“Trên thực tế, tất cả chúng ta đều biết rằng chúng ta không thể tẩy chay hoàn toàn Intel, cũng như không có đủ sức chịu đựng để làm như vậy,” một người dùng Weibo có tên “Cycling Pals” cho biết trong một bài đăng hôm 23/12. “Bởi vì không có lựa chọn thay thế nào khác,” anh nói.
“Sau khi vụ việc vừa qua của H&M vừa lắng xuống, sản phẩm của họ lại bán chạy như tôm tươi,” một người khác viết, khi đề cập đến việc tẩy chay thương hiệu này trên toàn quốc vì đã lên tiếng về nạn cưỡng bức lao động ở Tân Cương vào tháng Ba năm nay.
Cô Rita Li là phóng viên của The Epoch Times, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ từ năm 2018.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: