Indonesia tiếp tục di tản dân khi núi lửa Ruang phun thêm mây nóng
Indonesia – Ngày 01/05, hàng trăm cư dân trên đảo Tagulandang đang chờ tại cảng để được di tản khi nhiều đám mây nóng hơn tiếp tục được phun ra từ núi lửa Ruang.
Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia Indonesia cho biết, khoảng một trăm dân làng từ đảo Tagulandang đang được di tản trên một tàu hải quân. Trong khi đó, hàng trăm người khác đang chờ ở một cảng khác để được di tản.
Ông Abdul Muhari, phát ngôn viên của cơ quan này, cho biết khoảng 12,000 người sống trong vùng nguy hiểm (bán kính dưới 7 km) sẽ được đưa đến nơi trú ẩn của Chính phủ.
Nâng mức cảnh báo núi lửa Ruang lên cấp độ cao nhất
Trung tâm Giảm nhẹ Thiên tai Núi lửa và Địa chất Indonesia đã nâng mức cảnh báo núi lửa Ruang lên cấp độ cao nhất, trong đó kêu gọi người dân tránh xa miệng núi lửa ít nhất 7 km (4 dặm).
Đồng thời, cơ quan này cũng cảnh báo người dân trên đảo về những đám mây vô cùng nóng có thể xảy ra từ một vụ phun trào tiếp theo. Đáng chú ý, sóng thần có thể xuất hiện nếu vòm núi lửa sụp đổ xuống đại dương.
Hiện có 7 phi trường, bao gồm phi trường quốc tế Sam Ratulangi ở Manado, thủ phủ tỉnh Bắc Sulawesi, đã đóng cửa. Ngoài ra, các trường học cũng bị đóng cửa để bảo vệ trẻ em khỏi tro bụi núi lửa.
Theo trang The Guardian, tro bụi từ núi lửa Ruang đã lan sang tới Malaysia, các chuyến bay đến và đi từ một số thành phố trên đảo Borneo của Malaysia đã bị ảnh hưởng.
Núi lửa Ruang phun trào tạo ra những đám tro khổng lồ
Núi lửa Ruang đã phun trào nhiều lần vào ngày 30/04 sau một loạt vụ phun trào hồi đầu tháng Tư, khiến hàng trăm người đã phải di tản. Không có thương vong nào được báo cáo, nhưng một số ngôi nhà bị thiệt hại.
Theo ước tính của vệ tinh, các vụ phun trào của núi Ruang đã tạo ra những đám tro khổng lồ. Một số loại khí từ núi lửa bị bắn lên cao gần 20 km, cao hơn khoảng 7 km so với độ cao mà phi cơ thương mại thường bay.
Núi lửa Ruang ảnh hưởng đến thời tiết như thế nào?
Các chuyên gia khí tượng cho rằng, một vụ phun trào lớn của núi lửa có thể ảnh hưởng đến thời tiết và không khí trong khu vực bởi các loại tro và khí sẽ bay cao, lan rộng.
Một số loại khí mà núi Ruang phun ra, gồm hơi nước và SO2, đã lên cao đến tầng bình lưu, là tầng khí quyển thứ hai của Trái Đất. Tại đây, chúng kết hợp tạo thành những sol khí (hay còn gọi là bụi khí) axit sulfuric, tạo ra một lớp các giọt sương rất nhỏ.
Những giọt này lan đi rất xa và tồn tại rất lâu, khiến nhiệt độ ở Đông Nam Á giảm nhẹ. Đồng thời, chất lượng không khí cũng giảm, có thể ở mức độc hại.
Ông Greg Huey, thuộc Học viện Công nghệ Georgia (Hoa Kỳ), khuyến cáo rằng người dân ở các nước trong khu vực nên theo dõi mức độ ô nhiễm không khí do các loại khí từ núi lửa, để có cách phù hợp giảm thiểu tác hại.
Indonesia nằm trên Vành lửa Thái Bình Dương, nơi có nhiều hoạt động địa chấn và một loạt đường đứt gãy kéo dài từ bờ biển phía tây châu Mỹ qua Nhật Bản và Đông Nam Á.
Quốc gia quần đảo này thường xuyên xảy ra các vụ phun trào và động đất. Trong đó núi lửa Ruang là một trong số 130 ngọn núi lửa đang hoạt động.
Băng Băng tổng hợp