Indonesia: Nông dân biểu tình phản đối lệnh cấm xuất cảng dầu cọ
Những nỗ lực của chính phủ Indonesia nhằm giải quyết tình trạng thiếu dầu ăn trong nước bằng cách cấm xuất cảng dầu cọ đã bắt đầu phản tác dụng, thể hiện qua việc nông dân địa phương biểu tình phản đối chính sách này.
Hàng trăm nông dân biểu tình tại thủ đô Jakarta hôm 17/05, yêu cầu chính phủ thu hồi lệnh cấm xuất cảng dầu cọ khiến giá quả cọ lao dốc.
Dầu cọ là một loại dầu ăn thực vật được chiết xuất từ hạt cọ dầu trên khắp thế giới, bao gồm Nam Mỹ, Á Châu và Phi Châu. Bởi vì sản phẩm này có thời hạn sử dụng dài, nên nó đã được tìm thấy trong một loạt các sản phẩm, từ socola đến dầu gội đầu đến nhiên liệu sinh học. Loại dầu này được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm ở mọi nơi trên thế giới do giá thành rẻ và khả năng oxy hóa cao khi được sử dụng trong chiên rán.
Nhóm nông dân APKASINDO cho biết giá trái cọ đã giảm 70% xuống dưới mức giá sàn do chính quyền khu vực quy định kể từ khi lệnh cấm xuất cảng có hiệu lực vào tháng Tư. Nhóm kêu gọi chính phủ bảo vệ những người nông dân độc lập.
Nhóm cũng lưu ý rằng ít nhất 25% các nhà máy dầu cọ đã ngừng mua từ các nông dân độc lập kể từ khi lệnh cấm bắt đầu, cho thấy các thùng chứa trong các nhà máy đang trong tình trạng quá tải.
Một trong những nông dân phản đối cho biết nông dân địa phương không muốn thu hoạch trái cọ vì “giá thấp” và các nhà máy không nhận thêm trái vì kho cảng đã không còn chỗ chứa.
Chánh văn phòng Tổng thống Moeldoko hứa sẽ chuyển lời đề nghị của họ đến tổng thống và trấn an rằng chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp để bảo đảm nông dân địa phương nhận được giá hợp lý.
Indonesia, nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, đã phải chật vật để kiểm soát thị trường nội địa cho dầu cọ khi giá tăng 40% theo sau cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra.
Hôm 28/04, Indonesia đã ban hành lệnh cấm xuất cảng dầu cọ nhằm bảo đảm sự sẵn có của nguyên liệu thô và nguồn cung cấp dầu ăn trong nước, đồng thời giữ giá dầu ăn ở mức hợp lý cho người dân Indonesia.
Tổng thống Joko Widodo cho biết ông sẽ dỡ bỏ lệnh cấm xuất cảng ngay khi giá dầu ăn số lượng lớn giảm xuống 14,000 rupia (0.97 USD)/lít. Dữ liệu của Bộ Thương mại cho thấy giá bán lẻ dầu ăn trung bình là 17,300 Rupi (1.17 USD)/lít trong tháng này.
Việc Nga xâm lược Ukraine dường như đã gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp lương thực và nguyên liệu, trong đó Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm xuất cảng lúa mì, viện dẫn việc nước này có nguy cơ cao đối diện với khủng hoảng an ninh lương thực và giá ngũ cốc toàn cầu tăng đột biến.
Ấn Độ, nhà sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, trước đó đã tuyên bố rằng họ đã sẵn sàng để đáp ứng sự thiếu hụt nguồn cung ứng mà chiến sự Ukraine dẫn đến, tuy nhiên, một đợt nắng nóng gay gắt đã làm giảm sản lượng và đẩy giá nội địa lên mức cao kỷ lục.
Theo các báo cáo địa phương, hơn 4,000 xe tải chất lúa mì đã bị ùn tắc một hàng dài bên ngoài cảng Kandla, trong đó bốn tàu chở một phần lúa mì cũng bị mắc cạn. Tình hình này đã thúc đẩy chính phủ ra lệnh cho phép xuất cảng các lô hàng lúa mì đã đăng ký với hải quan trước ngày 13/05.
Nga và Ukraine là những nước xuất cảng ngũ cốc trọng yếu, cung cấp gần 30% lúa mì và gần 20% ngô trên thị trường toàn cầu.
Tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết hồi tháng Ba rằng Hoa Thịnh Đốn dự đoán giá năng lượng, phân bón, lúa mì và ngô cao hơn do chiến tranh Ukraine có thể ảnh hưởng đến giá trồng trọt và thu mua nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng đối với các quốc gia trên thế giới.
Bà Psaki cho biết: “Các ước tính ban đầu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy tác động không cân đối đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, bao gồm Phi Châu, Trung Đông và Đông Nam Á.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang rình rập, trong đó nguồn cung cấp các loại cây lương thực thiết yếu bị đe dọa trong bối cảnh xung đột đang diễn ra.
Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, đưa tin về Á Châu Thái Bình Dương cho The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Isabel van Brugen và Reuters
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: