Indonesia mở rộng hạm đội tàu ngầm để đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông
Các nguồn tin quân sự Indonesia tiết lộ rằng nước này đang có kế hoạch mở rộng hạm đội tàu ngầm từ 04 lên 12 chiếc, nhằm đối phó với các cuộc xâm phạm liên tiếp của Trung Quốc vào vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
Indonesia có lãnh hải lớn thứ ba thế giới, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này, nhưng hiện chỉ có bốn tàu ngầm. Ngược lại, Nhật Bản đứng thứ sáu về lãnh hải lại có 20 tàu ngầm.
Indonesia ban đầu có năm tàu ngầm, nhưng bị mất một chiếc—KRI Nanggala-402—trong một vụ tai nạn ngoài khơi Bali hôm 21/04. Một đội tìm kiếm và cứu hộ đã phát hiện ra rằng chiếc tàu ngầm này đã chìm xuống đáy biển và bị vỡ thành ba mảnh, khiến toàn bộ 53 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng. Tàu ngầm Nanggala-402 do Đức sản xuất đã hoạt động được 40 năm.
Trong số bốn tàu ngầm còn lại hiện đang hoạt động, có hai chiếc được đóng tại Nam Hàn, và một chiếc được sản xuất nội địa theo công nghệ của Nam Hàn.
Sau thảm kịch tàu ngầm hồi tháng trước (04/2021), Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto cho biết nước này sẽ tăng cường đầu tư vào trang thiết bị quân sự. Indonesia đang tìm cách đạt được một thỏa thuận sản xuất chung với Nam Hàn về tàu ngầm, và Pháp, Nga, cùng Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị xuất cảng tàu ngầm cho Indonesia.
Nhà phân tích chính sách Khairul Fahmi của Indonesia tin rằng nếu quy mô hạm đội tàu ngầm có thể được tăng lên 12 chiếc, thì họ có thể tiến hành giám sát chuyên sâu ở những khu vực mà các tàu tuần tra khó tiếp cận và sẽ giảm thiểu sự hiện diện của những tàu ngoại quốc xung quanh Quần đảo Natuna.
Indonesia đang mở rộng hạm đội tàu ngầm của mình nhằm để đối phó với việc chế độ Cộng sản Trung Quốc liên tục xâm nhập vào vùng biển tranh chấp. Indonesia coi vùng biển gần Quần đảo Natuna này nằm trong EEZ của mình, trong khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển này, viện dẫn cái gọi là các yêu sách lịch sử về đường chín đoạn ở Biển Đông.
Căng thẳng giữa hai nước về vùng biển tranh chấp này đã leo thang kể từ sự cố về tàu đánh cá vào năm 2016, khi một tàu tuần tra của Indonesia chặn một tàu đánh cá Trung Quốc đang hoạt động gần Natuna. Một tàu hải cảnh Trung Quốc có vũ trang đã tiến vào EEZ và giải thoát tàu đánh cá này.
Năm 2020, các tàu quân sự và tàu đánh cá giữa Trung Quốc và Indonesia có nhiều cuộc đụng độ hơn. Trong khi đó, Jakarta phàn nàn rằng các tàu nghiên cứu của Trung Quốc đã tăng cường quá cảnh qua vùng biển Indonesia, và nghi ngờ rằng các tàu này đã thả thiết bị lặn không người lái để lập bản đồ đáy biển cho các mục đích tác chiến tàu ngầm.
Trong những năm gần đây, Trung Cộng đã gia tăng hoạt động gây hấn ở Biển Đông với các nước Đông Nam Á khác, trong đó có Việt Nam vào năm 2019.
Kể từ tháng 04/2021, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines đã leo thang, khi hàng trăm tàu bán quân sự của Trung Quốc ra vẻ là tàu đánh cá nán lại trong vùng biển gần khu vực đang tranh chấp Đá Ba Đầu (Whitsun Reef).
Do Alex Wu thực hiện
Minh Ngọc biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times. (Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản)
Xem thêm: