Indonesia: Lực lượng cứu hộ đào bới tro núi lửa sau khi 14 người thiệt mạng
LUMAJANG, Indonesia – Lực lượng cứu hộ đang kiểm tra dưới những mảnh vỡ vẫn cháy âm ỉ và lớp bùn dày để tìm kiếm những người sống sót một ngày sau khi ngọn núi lửa cao nhất trên đảo Java phun trào dữ dội, cướp đi sinh mệnh của ít nhất 14 người vì khí gas và tro bụi.
Núi Semeru ở huyện Lumajang, tỉnh Đông Java đã phun những cột tro bụi dày hơn 12,000 mét (40,000 feet) lên bầu trời trong một vụ phun trào bất ngờ hôm thứ Bảy (04/12) do mưa lớn gây ra. Các ngôi làng và thị trấn lân cận bị bao phủ và một số xóm làng đã bị chôn vùi dưới hàng tấn bùn từ các mảnh vụn núi lửa.
Các nhà chức trách cảnh báo, hàng ngàn người chạy trốn khỏi cơn thịnh nộ của núi lửa này không nên quay trở lại trong thời gian tạm lắng hoạt động của ngày Chủ Nhật. Nhưng có vài người đã rất mong muốn kiểm tra gia súc và tài sản bị bỏ lại. Ở một số khu vực, mọi thứ — từ cành cây mỏng nhất đến ghế đi-văng trong nhà — đều bị bọc trong đống tro.
Ông Haryadi Purnomo thuộc cơ quan tìm kiếm cứu nạn Đông Java cho biết: “Không có sự sống ở đó … cây cối, trang trại, nhà cửa bị thiêu rụi, mọi thứ đều phủ một màu xám tro nặng nề.” Ông nói rằng một số khu vực khác hầu như không bị ảnh hưởng.
Các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ đã tạm thời bị đình chỉ vào chiều Chủ Nhật vì lo ngại rằng tro nóng và các mảnh vỡ có thể rơi xuống từ miệng núi lửa do mưa lớn. Hôm thứ Bảy, một dòng bùn đã phá hủy cây cầu chính nối Lumajang và quận lân cận Malang, cũng như một cây cầu nhỏ hơn.
Vụ phun trào đã làm giảm bớt áp lực vốn đã đang bồi đắp dưới một mái vòm dung nham trên miệng núi lửa. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng mái vòm này vẫn có thể tiếp tục sụp đổ, bắn ra một luồng khí độc gây phỏng cùng các mảnh vỡ bị mắc kẹt bên dưới nó.
Ông Eko Budi Lelono, người đứng đầu trung tâm khảo sát địa chất, cho biết một trận giông bão và mưa kéo dài nhiều ngày làm xói mòn và sập một phần mái vòm trên đỉnh Semeru cao 3,676 mét (12,060 foot) đã gây ra vụ phun trào.
Núi lửa Semeru, một núi lửa hình nón (stratovolcano), còn được gọi là Mahameru, có nghĩa là “Ngọn Núi Vĩ Đại” trong tiếng Phạn. Nó đã phun trào nhiều lần trong 200 năm qua. Tuy nhiên, cũng như các núi lửa khác — ngọn núi này là một trong 129 núi lửa đang được theo dõi ở Indonesia, quần đảo lớn nhất thế giới — với hơn 62,000 người sinh sống tại những sườn núi màu mỡ của Sumeru. Ngọn núi này đã phun trào lần cuối hồi tháng 01/2021, lúc đó không có thương vong.
Là một quần đảo với hơn 270 triệu dân, Indonesia rất dễ có động đất và hoạt động núi lửa vì nước này nằm dọc theo “Vành Đai Lửa” Thái Bình Dương, một chuỗi đường đứt gãy hình móng ngựa. Hiện 54% dân số của đất nước sống tại Java, khu vực đông dân cư nhất của nước này.
Trước đó, các quan chức cho biết họ đã hy vọng có thể tránh thương vong bằng cách theo dõi chặt chẽ ngọn núi lửa này.
Phát ngôn viên Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia Abdul Muhari cho biết 56 người đã phải nhập viện, hầu hết đều bị bỏng. Ông cho biết lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm 9 cư dân của làng Curah Kobokan.
Ông Purnomo cho biết, hơn 1,300 dân làng đã dồn đến những nơi trú ẩn khẩn cấp tạm thời sau vụ phun trào dữ dội hôm thứ Bảy, nhưng nhiều người khác đã bất chấp những lời cảnh báo từ phía chính phủ và chọn ở lại nhà của mình, nói rằng họ phải chăm sóc gia súc và bảo vệ tài sản của mình.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ làm mọi cách để di tản họ bằng cách chuẩn bị các xe tải và xe máy để họ có thể chạy bất cứ lúc nào.”
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết ông đã chỉ thị cho các bộ trưởng trong Nội các cũng như các quan chức về thảm họa và quân sự để phối hợp ứng phó. Chính phủ đã cam kết sẽ di dời cư dân từ những ngôi làng bị ảnh hưởng nặng nề nhất đến những nơi an toàn hơn trong sáu tháng tới và hỗ trợ 500,000 rupiah (34.50 USD) mỗi tháng cho mỗi gia đình trong thời gian chờ đợi có nhà mới.
Do Niniek Karmini và Agoes Basoeki của AP thực hiện
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: