IMF: Nền kinh tế toàn cầu đối mặt với ‘thử thách lớn nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến’
Các nhà lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết trong một bài đăng hôm Chủ Nhật (22/05), khi các nhà lãnh đạo thế giới triệu tập từ hôm 23 đến 26/05 tại Davos, Thụy Sĩ, cho Hội nghị thường niên năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), rằng: Nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với ‘thử thách lớn nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến’.
Bài đăng được đồng tác giả bởi Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva, Phó giám đốc Gita Gopinath, và Giám đốc chiến lược Ceyla Pazarbasioglu này cho biết, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng COVID-19, hủy hoại cuộc sống, và tăng trưởng kinh tế.
Các tác giả cho biết, các biện pháp thắt chặt tiền tệ mà nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới thực hiện đã gây thêm áp lực lên các quốc gia mắc nợ nhiều, trong khi giá lương thực và năng lượng tăng đột biến đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi người.
Ngoài ra, họ cũng chỉ ra “sự kết hợp của các tai họa” khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, cùng với mối đe dọa liên tục của biến đổi khí hậu và sự biến động gia tăng trên thị trường tài chính.
Theo bộ ba chủ bút này, bất kỳ phản ứng nào mà IMF thực hiện đều bị cuộc xâm lược của Nga gây cản trở, dẫn đến tăng nguy cơ “phân mảnh kinh tế địa lý”.
Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck cho biết trong một cuộc thảo luận của hội đồng WEF: “Chúng ta có ít nhất bốn cuộc khủng hoảng, chúng đan xen lẫn nhau. Chúng ta có lạm phát cao … chúng ta có một cuộc khủng hoảng năng lượng … chúng ta nghèo đói về lương thực, và chúng ta có một cuộc khủng hoảng khí hậu. Và chúng ta không thể giải quyết các vấn đề trên nếu chỉ tập trung vào một trong những cuộc khủng hoảng đó.”
Ông Habeck nói thêm: “Nhưng nếu không có vấn đề nào được giải quyết, tôi thực sự e rằng chúng ta đang rơi vào một cuộc suy thoái toàn cầu với ảnh hưởng to lớn … đến sự ổn định toàn cầu.”
Trình bày trong một hội đồng ở Davos hôm thứ Hai, bà Georgieva nói rằng những thảm họa nói trên đang làm “u ám” triển vọng kinh tế nhưng bà không mong chờ một cuộc suy thoái sắp xảy ra. Bà nói, “Không, không phải ở thời điểm này. Điều đó không có nghĩa là khủng hoảng là không thể.”
Một biểu đồ của IMF cho thấy sau khi đạt đỉnh trong đại dịch COVID-19 và sau đó giảm mạnh, “sự không chắc chắn tổng thể” lại một lần nữa tăng lên.
Trong khi “các lực lượng hội nhập” đã thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, bài đăng hôm Chủ Nhật cảnh báo rằng sự tan rã có thể ảnh hưởng đến điều kiện thương mại đối với các quốc gia đang phát triển, do các chuỗi cung ứng được cấu hình lại. Trong khi đó, các nền kinh tế tiên tiến chắc chắn sẽ phải đối mặt với giá cả cao hơn, dẫn đến áp lực lạm phát kéo dài.
Các lãnh đạo IMF đề xuất bốn ưu tiên để “khôi phục lòng tin vào hệ thống toàn cầu”, mà họ tin rằng đó là giải pháp cho những vấn đề này.
Ưu tiên đầu tiên là hạ thấp các rào cản thương mại và đa dạng hóa xuất nhập cảng để phục hồi chuỗi cung ứng, một phần quan trọng của nền kinh tế toàn cầu đang vận hành.
Thứ hai là hỗ trợ các nước thu nhập thấp cơ cấu lại các khoản nợ. Bài đăng kêu gọi “thủ tục và thời gian rõ ràng cho người nợ và chủ nợ.”
Thứ ba là hiện đại hóa thanh toán xuyên biên giới. IMF đề xướng một nền tảng kỹ thuật số công cộng toàn cầu. Nền tảng mới này sẽ kết nối các loại tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, vì vậy “mọi người đều có thể gửi tiền với chi phí tối thiểu, nhưng với tốc độ và độ an toàn tối đa”, bài đăng cho biết.
Cuối cùng, bài đăng gọi biến đổi khí hậu là “thách thức hiện hữu đang đè nặng lên mọi thứ”. Định giá carbon và đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Kết luận, các lãnh đạo IMF đã đề cập đến “một số dấu hiệu hy vọng”, bao gồm các cải cách đối với thuế doanh nghiệp toàn cầu được 137 quốc gia đồng ý, để “bảo đảm rằng các doanh nghiệp đa quốc gia chi trả tương xứng với phần của họ ở bất kỳ nơi nào họ hoạt động.”
Anh Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: