IMF: Kinh tế Hoa Kỳ phục hồi mạnh hơn dự kiến trong năm 2020
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh một “mức tăng đáng kể” đối với các dự báo kinh tế của Hoa Kỳ cho năm 2020, nhờ sự phục hồi nhanh hơn dự kiến kể từ đại dịch COVID-19.
“Chúng tôi đang thấy một sự phục hồi khá nhanh, đó là lý do tại sao chúng tôi có những sự điều chỉnh tăng này,” bà Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 13/10.
“Trong quý 2, sự phục hồi xảy đến sớm hơn chúng tôi mong đợi. Và sau đó tiếp tục sang quý 3, các chỉ số đã mạnh hơn,” bà nói.
Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ trong cả năm sẽ vẫn ở mức âm. Nhưng nền kinh tế [Hoa Kỳ] hiện được dự kiến sẽ giảm 4.3% vào năm 2020, ít hơn mức giảm 8% được IMF dự đoán vào tháng 6.
Bà Gopinath cho biết thu nhập khả dụng cá nhân của Hoa Kỳ được duy trì trong nửa đầu năm 2020, nhờ vào các gói kích thích tài khóa chưa từng có và sự hỗ trợ của ngân hàng trung ương.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hoa Kỳ giảm với một tỷ lệ theo năm là 31.4% trong quý 2 do đại dịch. Kể từ đó, nền kinh tế đã cho thấy một sự phục hồi hình chữ V, cùng với việc một số chuyên gia kinh tế hiện đang dự đoán sự tăng trưởng gần 35% trong quý 3.
Theo ông Gian Maria Milesi-Ferretti, Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu của IMF, một số những dự đoán được đưa ra hồi tháng 6 về số liệu hoạt động của người tiêu dùng và tính chuyển dịch đã không thành hiện thực trong quý 3.
Ông nói trong cuộc họp báo rằng: “Vào thời điểm đó, chúng tôi nghĩ rằng sự gia tăng số lượng ca nhiễm có thể suy diễn ra phần nào sự suy giảm trong tính chuyển dịch và hoạt động, nhưng điều đó thực sự đã không thành hiện thực trong quý 3. Và đó là một trong những yếu tố giải thích cho sự điều chỉnh tăng [số liệu dự báo] của chúng tôi.”
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ sẽ phần nào yếu hơn vào năm 2021. IMF đã điều chỉnh giảm các dự báo tăng trưởng của mình cho năm tới từ 4.5% xuống 3.1%, với giả định rằng sẽ không có thêm viện trợ của chính phủ liên bang. Những dự đoán này không giả định “sự gián đoạn nghiêm trọng” nào từ cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Bà Gopinath nói: “Sự tăng trưởng gia tăng ở Hoa Kỳ có những [ảnh hưởng] lan tỏa tích cực ra phần còn lại của thế giới.”
Bà nói thêm rằng sự hỗ trợ của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã giúp ổn định các thị trường tài chính quốc tế và mang lại thêm thời gian phục hồi cho các thị trường mới nổi.
IMF đã công bố báo cáo mới về triển vọng kinh tế thế giới của tổ chức này như một phần nội dung trong các cuộc họp thường niên của IMF và World Bank trong tuần từ 12-18/10. Báo cáo có tiêu đề “Một sự đi lên lâu dài và khó khăn” vẫn thể hiện một cuộc “suy thoái sâu” đối với nền kinh tế toàn cầu nhưng “ở một mức nào đó ít nghiêm trọng hơn” so với dự báo hồi tháng 6.
Nền kinh tế toàn cầu hiện dự báo sẽ giảm 4.4% trong năm nay, so với ước tính một mức giảm 5.2% trước đó. Và nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ quay đầu với mức tăng 5.2% trong năm tới.
Báo cáo của IMF nêu rõ: “Gần 90 triệu người dự báo sẽ rơi vào cảnh nghèo khổ cùng cực trong năm nay. Đây là những thời điểm khó khăn, nhưng vẫn có một số lý do để hy vọng.”
Bà Gopinath cho biết hỗ trợ tài chính toàn cầu, chạm mức 12 nghìn tỷ USD trong năm nay, kết hợp với các hành động chưa từng có của các ngân hàng trung ương trên thế giới đã ngăn chặn được một thảm họa tài chính.
IMF dự đoán rằng việc lây truyền COVID-19 tại các khu vực sẽ giảm vào cuối năm 2022 và do đó các chính phủ vẫn còn có thêm nhiệm vụ để bảo đảm cho một sự phục hồi bền vững.
Tổ chức này kêu gọi thêm nhiều [chương trình] kích thích tài chính để hạn chế thiệt hại kinh tế và hợp tác quốc tế nhiều hơn nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng y tế này.