IMF kêu gọi Trung Quốc mở rộng biện pháp xóa nợ cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thúc giục Trung Quốc mở rộng việc xóa nợ cho các quốc gia nghèo nhất trên thế giới, những nơi đã phải hứng chịu những tác động tàn khốc của đại dịch [virus Vũ Hán].
Nợ công toàn cầu được dự báo sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm tới, ngang với quy mô nền kinh tế toàn cầu, theo IMF. Điều này một phần là do các chính phủ trên khắp thế giới đã phải tăng chi tiêu để chống lại virus Vũ Hán và [hỗ trợ] phục hồi kinh tế sau các hậu quả do đại dịch gây ra.
“Giải quyết vấn đề này trong trung hạn sẽ rất quan trọng. Tuy nhiên, đối với nhiều quốc gia có thu nhập thấp, cần phải có hành động khẩn cấp ngay bây giờ,” bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành IMF, cho biết trong cuộc họp báo hôm 14/10.
“Với gánh nặng nợ nần chồng chất, các quốc gia đang phải vật lộn để duy trì việc hỗ trợ chính sách trọng yếu. Họ cần được tiếp cận nhiều hơn với các khoản trợ cấp, tín dụng ưu đãi và xóa nợ.”
Cả Ngân hàng Thế giới và IMF đã thúc giục Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G-20), bao gồm cả Trung Quốc, đưa ra khoản giảm nợ cho 76 quốc gia nghèo nhất thế giới và cho phép các quốc gia này chuyển hướng sử dụng các quỹ sang phục vụ chống lại đại dịch.
Hồi tháng 4, Các nước G-20 đã thông qua sáng kiến hoãn trả nợ (DSSI), đóng băng [nghĩa vụ] trả các khoản trả nợ của các nước nghèo nhất cho đến cuối năm nay. Và nhóm đã thông báo hôm 14/10 rằng họ sẽ kéo dài thời gian hoãn trả nợ thêm 6 tháng, cho đến tháng 6/2021.
DSSI đề xuất tạm dừng trả nợ ở “khu vực chính thức” hoặc giữa chính phủ với chính phủ. Tuy nhiên, các chủ nợ tư nhân đã không tham gia vào sáng kiến này.
Bà Georgieva nói trong cuộc họp báo rằng: “Đã có một lời kêu gọi rất mạnh mẽ để khu vực tư nhân cùng tham gia.”
“Thật đáng tiếc, chúng tôi không thấy điều này xảy ra. Trong số 44 quốc gia đã đăng ký, chỉ có 3 quốc gia liên hệ với các chủ nợ tư nhân.”
Bắc Kinh là một bên ký kết DSSI đã được các nước G-20 đồng ý. Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với sáng kiến này, vì nước này đã trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới đối với các nước thu nhập thấp trong những năm gần đây.
Thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Bắc Kinh đã rót hàng tỷ USD cho vay vào các nước nghèo để giúp họ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng.
Các dự án xây dựng lớn của BRI được tài trợ chủ yếu thông qua một loạt các chính quyền địa phương Trung Quốc và các tổ chức do nhà nước kiểm soát.
Bà Georgieva nói: “Về các định chế của Trung Quốc và sự tham gia của họ, đó là một câu hỏi mở.”
Bà cho biết, trong khi một số bên cho vay Trung Quốc đã tham gia DSSI, vẫn có những bên khác chưa tham gia.
“Và những gì chúng tôi cũng đang nghe từ Trung Quốc thì họ là một chủ nợ tương đối mới, nhưng là một chủ nợ rất lớn và họ cần phải tự hoàn thiện trong nội bộ về cách thức quản lý các bên cho vay của chính họ, [và] sự phối hợp giữa các bên này với nhau.”
Theo một báo cáo gần đây của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), BRI của Trung Quốc đã góp phần làm tăng đáng kể nợ nước ngoài ở nhiều quốc gia có thu nhập thấp.
Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành một nhà cho vay lớn trên toàn cầu, với dư nợ vượt quá 5.5 nghìn tỷ USD vào năm 2019 – bằng hơn 6% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, báo cáo của IIF nêu rõ.
Ngoài ra, một nghiên cứu học thuật do Viện Kinh tế Thế giới Kiel công bố cho thấy các khoản vay ở nước ngoài của Trung Quốc có thể lớn hơn so với số liệu báo cáo. Nghiên cứu nêu rõ, có tới 50% các khoản vay của Trung Quốc được “giấu kín” vì chúng không được báo cáo cho IMF hoặc Ngân hàng Thế giới.
Do đó, các hoạt động cho vay không công khai của Trung Quốc cũng làm tăng nguy cơ nợ nần ở các nước nghèo.