IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc
Kinh tế Hoa Kỳ dự kiến phục hồi sớm hơn Trung Quốc.
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm xuống dưới 5% trong năm nay, phá vỡ ranh giới có thể chấp nhận của Bắc Kinh. Các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là nguyên nhân.
Hôm 25/01, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2022 xuống 4.8%, đồng thời cảnh báo rằng những tác động của thị trường địa ốc sụp đổ đang được cảm nhận trong các ngành khác. Lĩnh vực địa ốc sụp đổ, kết hợp với chính sách “Không-COVID” của Bắc Kinh, đang làm giảm khả năng di chuyển của lao động cũng như giảm việc làm.
Những yếu tố này dẫn đến sự kìm hãm tiêu dùng tư nhân, điều này có tác động đến hầu hết các loại hình kinh doanh khác. Do đó, Ngân hàng Thế giới đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống 5.1%, Fitch Ratings đã giảm dự báo xuống 4.8%, trong khi Goldman Sachs dự đoán mức tăng trưởng thậm chí còn thấp hơn là 4.3%.
Triển vọng tăng trưởng tiêu cực có ý nghĩa chính khá mạnh đối với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, vì 5% từ lâu đã được coi là tỷ lệ tăng trưởng tối thiểu có thể chấp nhận được của ĐCSTQ. Đối với phần còn lại của thế giới, tăng trưởng chậm hơn ở Trung Quốc đồng nghĩa với tăng trưởng toàn cầu chậm hơn.
IMF cũng hạ triển vọng tăng trưởng của Hoa Kỳ vì Cục Dự trữ Liên bang dự kiến sẽ tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Chính sách tiền tệ thu hẹp là một bước đi hợp lý của Hoa Kỳ. Sau hai năm đi vay, chi tiêu, và cắt giảm lãi suất do đại dịch, Fed đang đánh giá tăng trưởng vì sự bền vững.
Ngược lại, Bắc Kinh đang cố gắng tăng trưởng bằng mọi giá. Do đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc là một trong số ít các ngân hàng trung ương đang cắt giảm lãi suất. Kết quả là, ĐCSTQ đang làm suy yếu đồng nhân dân tệ và giảm sức hấp dẫn của Trung Quốc đối với đầu tư ngoại quốc. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP của Trung Quốc dự kiến vẫn chưa đạt ngưỡng 5% kỳ diệu.
Cho đến nay, chính phủ ông Biden đã không thể thông qua dự luật chi tiêu của mình. Đây là một tin tốt, vì nợ của Hoa Kỳ, giống như nợ của Trung Quốc và nợ toàn cầu, đã tăng đáng kể do kết quả của việc áp dụng các biện pháp kích thích trong hai năm qua. Tuy nhiên, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng chi tiêu của chính phủ.
Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với lạm phát, do thiếu lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng, tiếp tục hạn chế COVID, các vấn đề giao thông vận tải, và chi phí năng lượng tăng. Năm ngoái, Bắc Kinh nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm làm suy giảm hoạt động công nghiệp, đồng thời làm tăng chi phí điện năng. Những vấn đề này đã làm gia tăng lạm phát tại cửa nhà máy, đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất Trung Quốc sản xuất hàng hóa ngày càng đắt đỏ hơn.
Các cuộc đàn áp đang diễn ra đối với lĩnh vực công nghệ đang hạn chế sự đổi mới, không khuyến khích đầu tư, xóa sổ sự giàu có, khiến giá cổ phiếu giảm và loại bỏ việc làm. Và việc Bắc Kinh kiềm chế lĩnh vực địa ốc đang được cảm nhận trong nhiều ngành khác nhau, từ ngân hàng đến các công ty xây dựng. Trong một trong những cuộc trấn áp, Bắc Kinh đã thực sự xóa sổ ngành gia sư, cùng với hàng triệu việc làm. Trong khi đó, những hạn chế đối với lĩnh vực giải trí đang gây ra tình trạng mất việc làm trong ngành công nghiệp phát trực tuyến.
Chiến dịch kiểm soát khu vực tư nhân của ông Tập đã khiến những người trẻ tuổi khó kiếm được việc làm. Những người tìm việc tham gia kỳ thi công chức đã tăng 40%. Nếu tất cả những người trẻ tuổi này tìm được vị trí với chính phủ, điều này sẽ làm phình to khu vực công, làm tăng nợ công của Trung Quốc, vốn đã ở mức khoảng 300% GDP.
Tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Trung Quốc cũng bị đe dọa bởi tỷ lệ sinh giảm, yếu tố mà cuối cùng sẽ làm giảm quy mô lực lượng lao động. Để khôi phục tốc độ tăng trưởng, Bắc Kinh phải tạo việc làm cho số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học hiện tại, đồng thời khuyến khích các gia đình sinh thêm con. Tuy nhiên, trong một vòng luẩn quẩn, thất nghiệp ở thanh niên lại là một yếu tố nữa khiến các gia đình không muốn sinh thêm con.
Ngoài các chính sách kinh tế phá hoại của ông Tập, căng thẳng leo thang ở Ukraine sẽ khiến giá năng lượng toàn cầu tăng lên. Trong khi lạm phát được kỳ vọng trên diện rộng, việc định lượng tốc độ phục hồi kinh tế và tăng trưởng GDP trong tương lai ở Hoa Kỳ và ở Trung Quốc là rất khó khăn. Sức khỏe kinh tế phụ thuộc vào các chính sách COVID cũng như phản ứng của chính phủ đối với các biến thể COVID trong tương lai.
Hiện tại, Hoa Thịnh Đốn có khả năng sẽ tăng lãi suất, giúp giảm lạm phát. Ngoài ra, các chính sách COVID của Hoa Kỳ dường như đang được nới lỏng, cho phép thị trường dần trở lại bình thường. Thực tế này cho thấy rằng Hoa Kỳ sẽ có một sự phục hồi kinh tế nhanh chóng và suôn sẻ hơn so với Trung Quốc. Tuy nhiên, ĐCSTQ đang cắt giảm lãi suất, tăng nợ, và hạn chế nền kinh tế Trung Quốc bằng các chính sách “Không-COVID”.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
“Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”)
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: