IMF: Các nền kinh tế mới nổi phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho việc tăng lãi suất ở Hoa Kỳ
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết các nền kinh tế mới nổi trên toàn thế giới phải phòng ngừa cho việc tăng lãi suất ở Hoa Kỳ dựa trên hoàn cảnh và mức độ dễ bị tổn thương của mình, vì tác động lan tỏa của việc tăng lãi suất có thể dẫn đến các chu trình tác động bất lợi như bất ổn tài chính, giảm giá tiền tệ, và lạm phát nhanh chóng.
Giá cả tăng vọt, thị trường lao động thắt chặt, và những gián đoạn liên quan đến biến thể Omicron đã dẫn đến việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ và đẩy nhanh việc giảm bớt việc mua tài sản để kiềm chế cơn lạm phát cao nhất trong 39 năm.
Trong một bài đăng trên blog hôm thứ Hai (10/01) Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết: “Những thay đổi này đã làm cho triển vọng đối với các thị trường mới nổi trở nên rủi ro hơn. Các quốc gia này cũng đang đối mặt với lạm phát gia tăng và nợ công cao hơn đáng kể”.
Tổng nợ của chính phủ trung bình ở các thị trường mới nổi đang tăng lên, “ước tính đạt khoảng 64% GDP vào cuối năm 2021, với sự khác biệt lớn giữa các quốc gia. Tuy nhiên, trái ngược với Hoa Kỳ, sự phục hồi kinh tế và thị trường lao động của các quốc gia này kém mạnh mẽ hơn”.
IMF đã chỉ ra hai kịch bản, một trong số đó là việc thắt chặt và tăng lãi suất dần dần, theo đó tác động lên các nền kinh tế mới nổi có thể sẽ là “nhẹ”. Trong trường hợp này, nền kinh tế Hoa Kỳ mạnh lên sẽ duy trì nhu cầu trong nước và các nền kinh tế mới nổi có thể bù đắp bất kỳ tác động tiêu cực nào như giảm giá tiền tệ thông qua gia tăng thương mại.
Lãi suất tăng nhanh là kịch bản thứ hai. Trong tình huống này, thị trường tài chính ở các nền kinh tế nhạy cảm sẽ bị lung lay, do các điều kiện tài chính được thắt chặt trên toàn cầu. Dòng vốn chảy ra lớn so với sự mất giá của USD và những đợt mất giá của tiền tệ sẽ khiến các nền kinh tế tuột xuống.
Khi một số quốc gia đã bắt đầu quá trình điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình, IMF khuyến nghị các nền kinh tế có thể chế yếu hơn nên bắt đầu hành động nhanh chóng và toàn diện. Tổ chức cho vay quốc tế này đề nghị các quốc gia cho phép đồng tiền của họ giảm giá trong khi tăng lãi suất chuẩn.
Sự đánh đổi đối với các nền kinh tế này bao gồm việc không hỗ trợ thị trường nội địa của họ như các doanh nghiệp địa phương với các công cụ tín dụng. Mặc dù sự đánh đổi này này giúp thắt chặt các điều kiện tài chính, nhưng sẽ dẫn đến một nền kinh tế suy yếu.
Đối với các quốc gia có nhiều nợ bằng ngoại tệ, họ nên nỗ lực theo hướng giảm nợ, thực hiện bảo hiểm rủi ro, và tăng thời gian hoàn vốn. Đối với các nền kinh tế có các doanh nghiệp đang gánh nhiều nợ và các khoản nợ khó đòi, IMF chỉ ra rằng bên cho vay đang phải đối mặt với các vấn đề về khả năng thanh toán.
Các chính sách tài khóa như tăng thuế, làm cho chi tiêu công hiệu quả hơn, và thực hiện cải cách tài khóa cấu trúc sẽ giúp các nền kinh tế vượt qua những gián đoạn như vậy trên các thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, các quốc gia có thể dựa vào sự hỗ trợ của IMF, nhưng số lượng cho vay sẽ phụ thuộc vào việc các nền kinh tế này củng cố tình hình tài khóa của mình trong thời kỳ bất ổn kinh tế quan trọng này như thế nào.
Các thị trường mới nổi bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Nga, Brazil, Mexico, Saudi Arabia, Nigeria, và Nam Phi.
Naveen Athrappully là một ký giả đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: