IMF: Các lệnh trừng phạt Nga đe dọa làm suy yếu sự thống trị của đồng dollar Mỹ
Phó Giám đốc Điều hành Thứ nhất Gita Gopinath của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói với The Financial Times, các biện pháp trừng phạt tài chính gần đây áp đặt lên Nga vì cuộc xâm lược Ukraine đang đe dọa làm suy yếu sự thống trị của đồng dollar Mỹ với tư cách là đồng tiền thế giới.
Bà Gopinath cảnh báo, các biện pháp trừng phạt này có thể dẫn đến một hệ thống tiền tệ quốc tế bị phân mảnh nhiều hơn.
Trước đó, bà đã nói rằng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ không báo trước về sự sụp đổ của đồng dollar Mỹ như đồng tiền dự trữ của thế giới, và rằng cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ làm chậm tăng trưởng, nhưng không gây ra suy thoái toàn cầu.
Hoa Kỳ, EU và Nhóm Bảy đại cường quốc đã giáng đòn trừng phạt nặng nề vào Nga và ngăn không cho nước này sử dụng SWIFT, dịch vụ thông tin liên lạc [liên ngân hàng] toàn cầu giúp thanh toán các giao dịch tài chính quốc tế, gần như loại nước này ra khỏi thị trường tài chính toàn cầu và thương mại quốc tế.
Hoa Kỳ cũng đóng băng 630 tỷ USD tài sản do Ngân hàng Trung ương Nga nắm giữ trong các quỹ dự trữ quốc tế.
Chính phủ Nga đang trả đũa bằng cách yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp hoặc vàng để mua năng lượng và các mặt hàng quan trọng khác.
Người đứng đầu ủy ban năng lượng của Nga, ông Pavel Zavalny, cho biết: “Nếu họ muốn mua, hãy để họ thanh toán bằng tiền mạnh, và với chúng tôi đó là vàng, hoặc thanh toán theo cách thuận tiện cho chúng tôi, đó là tiền tệ quốc gia.”
Hoa Kỳ và Anh đã áp đặt các lệnh cấm vận đối với hoạt động xuất cảng năng lượng của Nga, nhưng EU, vốn phụ thuộc nhiều hơn vào nhập cảng năng lượng, lại chần chừ không cấm.
Chính sách mới này đã ảnh hưởng nặng nề nhất đến EU, khiến giá khí đốt tại lục địa này tăng 30% hôm 30/03.
Trong khi đó, đồng rúp kể từ đó đã tăng lên mức cao nhất trong ba tuần qua, ở mức 95 rúp đổi 1 USD sau khi Sở giao dịch chứng khoán Moscow mở cửa trở lại sau vòng trừng phạt ban đầu.
Ông Zavalny đã gợi ý rằng người mua từ các quốc gia thân thiện với Nga, chẳng hạn như Trung Quốc, có thể thanh toán bằng tiền tệ pháp định của riêng họ hoặc bằng Bitcoin.
Nga đã lên kế hoạch trong nhiều năm để giảm sự phụ thuộc vào [hệ thống] dollar dầu lửa (petrodollar) kể từ khi Hoa Kỳ áp đặt các lệnh trừng phạt trả đũa hành động thôn tính Crimea vào năm 2014 của nước này.
Cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine chỉ làm tăng tốc những kế hoạch đó.
Trước khi xảy ra cuộc xung đột gần đây, Nga vẫn có khoảng 1/5 dự trữ ngoại hối của mình trong các tài sản được tính bằng đồng dollar, chủ yếu được giữ ở nước ngoài ở Đức, Pháp, Anh và Nhật Bản, các nước này sau đó đã đứng về phía Hoa Kỳ để cô lập Moscow khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Bà Gopinath nói rằng phản ứng của Nga đối với các lệnh trừng phạt sâu rộng có thể khuyến khích sự xuất hiện của các khối tiền tệ nhỏ dựa trên thương mại giữa các nhóm quốc gia riêng biệt và sẽ dẫn đến đa dạng hóa hơn nữa tài sản dự trữ mà các ngân hàng trung ương quốc gia nắm giữ.
Bà nói, “Các quốc gia có xu hướng tích lũy dự trữ bằng các loại tiền tệ mà họ giao dịch với phần còn lại của thế giới, và trong đó họ vay từ phần còn lại của thế giới, vì vậy bạn có thể thấy một số xu hướng chuyển động chậm đối với các loại tiền tệ khác đóng một vai trò lớn hơn [trong tài sản dự trữ].”
Tuy nhiên, bà Gopinath nghi ngờ rằng sự thống trị của đồng dollar Mỹ có thể sẽ bị thách thức trong trung hạn, vì đồng tiền này được hỗ trợ bởi các tổ chức mạnh mẽ và đáng tin cậy và thực tế là nó có thể tự do chuyển đổi.
Bà Gopinath cho biết: “Dollar Mỹ sẽ vẫn là tiền tệ chủ đạo trên toàn cầu ngay cả trong bối cảnh đó nhưng sự phân mảnh ở cấp độ nhỏ hơn chắc chắn là hoàn toàn có thể xảy ra.”
“Chúng tôi đã thấy điều đó với một số quốc gia đang đàm phán lại đơn vị tiền tệ mà họ được thanh toán cho giao dịch.”
Bà Gopinath đã lưu ý rằng tỷ trọng dự trữ quốc tế của đồng dollar Mỹ đã giảm từ 70% xuống 60% trong 20 năm qua, với sự xuất hiện của các loại tiền tệ giao dịch khác.
Theo IMF, khoảng 1/4 tỷ trọng Mỹ kim sụt giảm là do đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được sử dụng nhiều hơn, nhưng chưa đến 3% dự trữ của ngân hàng trung ương toàn cầu được tính bằng đồng tiền đó.
Phó giám đốc IMF nói rằng xung đột đang thúc đẩy việc áp dụng hệ thống tài chính điện toán quốc tế, sử dụng mã kim và tiền tệ điện toán của ngân hàng trung ương.
Bà Gopinath nói: “Tất cả những điều này sẽ còn được chú ý nhiều hơn nữa sau những sự kiện gần đây, điều này khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về quy định quốc tế. Có một khoảng trống cần được lấp đầy ở đó.”
ĐCSTQ đang chuẩn bị cho việc sử dụng đồng nhân dân tệ làm tiền tệ toàn cầu trước cuộc khủng hoảng hiện tại và đã đi trước trong việc áp dụng tiền tệ điện toán của ngân hàng trung ương.
Tuy nhiên, bà Gopinath cho rằng đồng nhân dân tệ khó có thể thay thế đồng dollar trở thành đồng tiền dự trữ thống trị.
Bà nói, “Điều đó đòi hỏi phải có khả năng chuyển đổi hoàn toàn của tiền tệ, có thị trường vốn mở và các tổ chức có thể hỗ trợ [đồng tiền ấy]. Đó là quá trình diễn biến chậm và cần thời gian, và sự thống trị của đồng dollar Mỹ sẽ ở yên vị trí trong một khoảng thời gian nữa.”
Ông Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức chuyên sâu về chính trị và pháp luật. Ông tốt nghiệp Đại học Binghamton.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: